"Rác nông nghiệp" đủ nuôi sống hàng tỷ người

Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) cho rằng để đảm bảo nuôi sống được số dân trên thế giới (sẽ lên đến 9,2 tỷ người vào năm 2050) cần tận dụng hàng triệu tấn lương thực, thực phẩm hiện đang bị vứt bỏ hoặc sử dụng lãng phí.

Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) cho rằng để đảm bảo nuôi sống được  số dân trên thế giới (sẽ lên đến 9,2 tỷ người vào năm 2050) cần tận dụng hàng triệu tấn lương thực, thực phẩm hiện đang bị vứt bỏ hoặc sử dụng lãng phí.

Phóng viên TTXVN tại Paris dẫn báo cáo hàng năm của UNEP, công bố tại hội nghị thường kỳ tổ chức ngày 17/2 vừa qua ở Nairobi, thủ đô Kenya, cho biết việc tái chế loại "rác nông nghiệp" kể trên, đồng thời phát huy hiệu quả cao nhất của các dây chuyền sản xuất lương thực hiện nay, có thể cho phép nuôi sống phần dân số gia tăng từ nay đến năm 2050.

Hướng đi này hiện chưa được quan tâm đúng mức, trong khi nó sẽ góp phần thiết thực vào việc giảm sức ép về đất trồng và hạn chế nạn phá rừng. Theo UNEP, ngoài những yếu kém của các nền nông nghiệp ở phía Nam (luôn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, hạn chế về phương tiện bảo quản và chuyên chở...), sự lãng phí của xã hội dư thừa cũng góp phần đáng kể vào lượng lương thực, thực phẩm bị vứt bỏ trên thế giới.

Số liệu thống kê do UNEP đưa ra cho thấy ở Anh, 1/3 thức ăn người dân mua về không được sử dụng đến. Ở Mỹ, lượng lương thực, thực phẩm thất thoát trong quá trình phân phối và vận chuyển ước tính lên đến khoảng 100 tỉ USD mỗi năm. Tổng cộng, gần một nửa sản lượng lương thực hiện nay hoặc bị thất thoát trong quá trình thu hoạch và vận chuyển, hoặc bị loại trong quá trình sản xuất do không đáp ứng được các tiêu chuẩn của thị trường, hoặc bị bỏ phí trong quá trình tiêu dùng.

Chỉ tính riêng về cá, khoảng 30 triệu tấn cá thải đã phải đổ ra biển mỗi năm. Số lượng này đủ để bảo đảm một nửa nhu cầu phát sinh của ngành cá từ nay đến năm 2050 nhằm cung cấp đủ mức cá tiêu thụ trung bình cho một người dân theo tiêu chuẩn hiện nay.

Để hạn chế sự lãng phí trên và đáp ứng nhu cầu lương thực của Trái Đất từ nay đến năm 2050, UNEP đang đề nghị các nước tận dụng những loại "rác thải nông nghiệp" để tái chế lại, phục vụ chăn nuôi gia súc. Điều này cũng nhằm giảm một phần đáng kể lượng ngũ cốc phục vụ chăn nuôi, hiện đang chiếm hơn 30% sản lượng ngũ cốc thế giới, và dự kiến có thể tăng lên đến 50% từ nay đến 2050.

Ngoài ra, việc nghiên cứu để đưa lương thực, thực phẩm bị loại bỏ vào phục vụ sản xuất nhiên liệu sinh học cũng góp phần hạn chế được sự cạnh tranh trong khai thác đất trồng, nguyên nhân gây ra các cơn sốt giá cả và khủng hoảng lương thực thế giới trong tương lai./.

(TTXVN/Vietnam+)
 

Tin cùng chuyên mục