Rạch Giá: Nước sinh hoạt chỉ đủ cung cấp trong 4 ngày tới

Công ty Cấp thoát nước Kiên Giang chỉ còn khả năng cung cấp nước cho các bệnh viện hoạt động và cấp nước phục vụ nhu cầu ăn uống cho người dân trong một vài ngày tới.
Rạch Giá: Nước sinh hoạt chỉ đủ cung cấp trong 4 ngày tới ảnh 1Người dân Rạch Giá phải sử dụng mọi vật dụng hiện có để lấy nước tại các xe bồn cấp nước. (Ảnh: Trường Giang/TTXVN)

Tình trạng thiếu nước ngọt trong thời gian qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và sinh hoạt của người dân trên địa bàn thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Tình trạng này được dự báo sẽ tiếp tục kéo dài trong nhiều ngày tới.

Ông Nguyễn Đức Hiền, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cấp thoát nước Kiên Giang, cho biết từ đầu tháng Bảy đến nay, nguồn cung cấp nước chính cho các nhà máy của công ty được lấy trên kênh Rạch Giá-Long Xuyên đã bị nhiễm mặn với biên độ khoảng 20km nên không thể sử dụng được. Hiện nay, lượng nước trữ trong các hồ nước dự phòng cơ bản đã hết, chỉ còn lại khoảng 100.000m3. Công ty chỉ còn khả năng cung cấp nước cho các bệnh viện hoạt động và cấp nước phục vụ nhu cầu ăn uống cho người dân trong một vài ngày tới.

Nguyên nhân của việc thiếu nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt của người dân được xác định là do tình hình thủy văn trên kênh Rạch Giá-Long Xuyên diễn biến phức tạp, mực nước sông tại Châu Đốc (An Giang) thấp hơn cùng kỳ từ 0,5-0,7m làm cho nguồn nước ngọt từ thượng lưu đổ về Kiên Giang rất yếu.

Bên cạnh đó, triều cường dâng cao và gió Tây Nam đã đẩy nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng hàng chục km khiến các nguồn cung cấp nước cho các nhà máy của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cấp thoát nước Kiên Giang không thể sử dụng được.

Theo ông Lê Xuân Hiền, Phó Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Kiên Giang, nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng ở Kiên Giang đạt mức cao nhất trong lịch sử, độ mặn đo được tại cửa sông Rạch Giá là hơn 6 phần nghìn; nhiều khu vực nội đồng vào sâu từ 20-22km vẫn đo được độ mặn là khoảng 4 phần nghìn. Dự báo đến hết tháng 7/2015, sẽ không có mưa trên diện rộng nên tình trạng nhiễm mặn vẫn xảy ra.

Trước tình hình thiếu nước ngọt nghiêm trọng, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cấp thoát nước Kiên Giang đã phải cắt giảm 50% công suất cung cấp nước (từ 50.000 m3/ngày xuống còn 25.000 m3/ngày). Lượng nước dự trữ ưu tiên cung cấp cho các bệnh viện và chỉ phục vụ nhu cầu ăn uống cho người dân.

Tuy nhiên, nếu tình hình nguồn nước không thay đổi theo hướng có lợi thì với trữ lượng nước dự phòng hiện có trong các hồ chứa, khả năng duy trì cấp nước chỉ còn được khoảng 4 ngày.

Việc thiếu nước ngọt đã khiến cho tình hình sản xuất và cung cấp nước sạch cho thành phố Rạch Giá và một phần huyện Hòn Đất (bao gồm thị trấn Hòn Đất và các khu dân cư dọc Quốc lộ 80) gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và sinh hoạt của hàng nghìn hộ dân.

Theo ghi nhận của phóng viên, sáng 13/7, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cấp thoát nước Kiên Giang đã phải huy động các phương tiện chuyên dụng chở nước cung cấp cho các bệnh viện và một số khu dân cư trên địa bàn.

Tại một số tuyến đường trung tâm thành phố Rạch Giá, người dân sử dụng mọi vật dụng hiện có để lấy nước tại các xe bồn cấp nước để tích trữ.

Anh Dương Chí Thiện, người dân thành phố Rạch Giá, cho biết: “Việc sinh hoạt của gia đình chúng tôi hiện nay rất khó khăn. Cả gia đình mỗi ngày chỉ lấy được vài xô nước ở xe bồn nên chỉ dám dùng để ăn uống chứ không dám tắm giặt."

Trước tình hình đó, ngày 13/7, Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang triệu tập cuộc họp liên ngành khẩn để tìm giải pháp bổ sung nguồn nước ngọt.

Tại cuộc họp, ông Mai Văn Huỳnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang đề nghị các ngành chức năng triển khai các biện pháp cấp bách để đảm bảo sinh hoạt cho người dân, trong đó đặc biệt chú trọng đáp ứng nhu cầu nước của các bệnh viện trên địa bàn; huy động tối đa các phương tiện hiện có, kể cả xe chữa cháy trong trường hợp cần thiết để chở nước tạm trữ và trung chuyển đến các bệnh viện, địa điểm phục vụ sinh hoạt.

Trong trường hợp không có nước ngọt, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cấp thoát nước Kiên Giang phối hợp Sở Y tế và các ngành chức năng nghiên cứu sử dụng nước có nhiễm mặn pha trộn với lượng nước đang dự trữ nhưng phải trong giới hạn được phép, đảm bảo sức khỏe cho nhân dân. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần tổ chức phối hợp chặt chẽ trong việc quản lý giá, tránh việc các loại nước uống tăng giá bất thường.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền khuyến cáo tới người dân nên có biện pháp tích trữ và sử dụng nước tiết kiệm, cùng với chính quyền vượt qua giai đoạn khó khăn này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục