Rong sụn: Cây "xóa nghèo" của ngư dân Ninh Thuận

Với diện tích trồng rong sụn 5.000m2 mặt nước, thời gian trồng 2 vụ/năm, sau thu hoạch lợi nhuận thu được từ 25-30 triệu đồng/vụ.
Với điều kiện thuận lợi là nằm trong khu vực vùng khô hạn, mang đặc điểm của khí hậu nhiệt đới gió mùa điển hình, dòng hải lưu gần bờ, Ninh Thuận hội tụ đủ yếu tố để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nghề trồng rong sụn.

Với chi phí đầu tư nuôi trồng thấp, hiệu quả kinh tế lại cao, nghề trồng rong sụn đã mở ra một hướng mới trong việc chuyển đổi đối tượng nuôi trồng thủy sản, giúp người dân tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Rong sụn được xem là cây "xóa nghèo" của nhiều hộ ngư dân sinh sống dọc ven biển Ninh Thuận.

Ở Ninh Thuận, ngư dân sống dọc ven biển từ điểm đầu của tỉnh là các xã Cà Ná, Phước Diêm, huyện Thuận Nam đến điểm cuối của tỉnh là các địa phương như Khánh Hải, Hộ Hải, Phương Hải, Nhơn Hải, Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải tham gia trồng rong sụn trên diện tích mặt nước với hơn 1.200ha. Rong sụn là loại rong phát triển rất nhanh, tốc độ tăng trưởng từ 3-6%/ngày, sản lượng thu hoạch khi phơi khô đạt 30 tấn/ha/năm.

Với diện tích trồng rong khoảng 5.000m2 mặt nước, thời gian trồng ăn chắc 2 vụ/năm, sau thu hoạch lợi nhuận thu được từ 25 đến 30 triệu đồng/vụ. Thấy hiệu quả mang lại, ngoài phương pháp trồng phổ biến là trồng dây đơn căng trên đáy, ngư dân còn phát triển trồng rong cả trong lòng lưới, lòng bè phao nổi, trồng trên các ao nuôi tôm, trong các đầm, vịnh kín gió.

Theo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Thuận, vùng bãi ngang xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam là địa phương đầu tiên được Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Công nghệ Nha Trang đưa rong sụn về trồng thử nghiệm, kết quả thu được rất khả quan. Hiện nay, xã Phước Dinh có rất nhiều hộ trồng rong sụn. Những hộ có vốn đầu tư giống, vật tư, có nhiều kinh nghiệm, kỹ thuật giỏi, nhiều lao động trực tiếp tham gia trồng, chăm sóc rong cho lợi nhuận rất cao. Nghề trồng rong sụn đã giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nhàn rỗi, đặc biệt là lao động nữ tại địa phương.

Nhiều ngư dân trồng rong sụn tại thôn Sơn Hải 1, xã Phước Dinh cho biết trồng rong sau 70 ngày là thu hoạch/vụ. Mỗi vụ trồng thu khoảng 15 tấn rong khô/ha, với giá dao động từ 20.000 đến 24.000 đồng/kg rong khô, thu nhập của người dân cũng được hơn 30 triệu đồng/vụ. Từ đó, đời sống ngư dân cũng được cải thiện đáng kể so với trước đây. Thấy được hiệu quả kinh tế mang lại từ nghề trồng rong sụn, chính quyền các xã ven biển trong tỉnh còn tìm hướng giúp ngư dân địa phương vay vốn đầu tư làm ăn, thành lập các câu lạc bộ nuôi trồng rong sụn, góp phần tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Bà Nguyễn Thị Được, Chủ nhiệm Câu lạc bộ nuôi trồng rong sụn ở xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải chia sẻ, thấy được hiệu quả từ việc trồng rong sụn, để tạo việc làm cho lao động địa phương, từ nguồn vốn cho vay của Hội Nông dân tỉnh, địa phương đã tín chấp cho nông dân vay nuôi trồng rong sụn. Đến nay, địa phương có hơn 60 hộ ngư dân nghèo tham gia câu lạc bộ trồng rong sụn với hơn 20ha diện tích mặt nước.

Thạc sỹ Hán Văn Chấn, Trưởng phòng quản lý khoa học công nghệ cơ sở thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Thuận cho biết rong sụn là loại thực vật dạng Thallus (chưa phân hóa thành thân, rễ thật sự) sống bằng quang hợp, có khả năng hấp thu các muối dinh dưỡng, chủ yếu là Nitơ và Phốtpho để tổng hợp thành các chất hữu cơ nên rong sụn có tác dụng làm giảm lượng vật chất hữu cơ trong nước.

Trồng rong sụn là một trong những giải pháp xử lý sinh học có hiệu quả nhằm cải thiện chất lượng nước tại các vùng nuôi trồng trong tỉnh. Thành phần hóa học chủ yếu của rong sụn là Carrageenan, đó là chất phụ gia tốt nhất trong công nghiệp chế biến thực phẩm, mỹ phẩm, y dược.... Với tính năng đặc biệt của rong sụn, Hội đồng khoa học tỉnh Ninh Thuận đã phê duyệt đề tài "Sản xuất thực phẩm từ rong sụn" và đã thực hiện thành công với 5 nhóm sản phẩm được chế biến từ rong sụn như siro rong trái cây, mứt nhuyễn, mứt rong khô, bánh tráng rong sụn, rong sụn dầm gia vị.

Để nâng cao giá trị sản phẩm rong sụn sau thu hoạch, Trung tâm Thông tin ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho ngư dân ven biển trồng rong sụn nắm vững quy trình nuôi trồng, kỹ thuật thu hoạch, sơ chế và bảo quản rong sụn, đồng thời tạo điều kiện, khuyến khích cho ngư dân mạnh dạn đầu tư, khai thác có hiệu quả diện tích mặt nước ven biển mở rộng nuôi trồng để phục vụ chế biến, cung cấp nguyên liệu rong cho cả nước./.

Công Thử (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục