Sách lược “đấu tranh nhưng không phá vỡ” của Triều Tiên

Việc thử thành công loại vũ khí mới của Triều Tiên cho thấy Bình Nhưỡng đồng thời áp dụng sách lược "đấu tranh nhưng không phá vỡ," tiếp tục gây sức ép với Mỹ trong đàm phán phán phi hạt nhân hóa.
Sách lược “đấu tranh nhưng không phá vỡ” của Triều Tiên ảnh 1Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (giữa) thị sát buổi thử nghiệm một loại vũ khí chiến thuật tối tân tại bãi thử ở Viện Quốc phòng Triều Tiên. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Theo tờ Đông phương, nhật báo có quan điểm trung lập của Hong Kong số ra mới đây, giữa lúc tình hình khu vực châu Á-Thái Bình Dương có nhiều sóng gió, tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Mỹ và Triều Tiên rơi vào bế tắc, truyền thông chính thống của Triều Tiên lại đưa tin nước này đã thử nghiệm thành công loại vũ khí chiến thuật vừa được nghiên cứu chế tạo.

Giới phân tích quốc tế cho rằng hành động này của Triều Tiên đã cho thấy chính quyền Bình Nhưỡng đồng thời áp dụng sách lược "đấu tranh nhưng không phá vỡ," tiếp tục gây sức ép với Mỹ trong đàm phán phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.

Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã đến tận hiện trường thị sát vụ thử nghiệm vũ khí mới. Tháp tùng ông Kim Jong-un có Phó Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên Choe Ryong-hae.

Địa điểm thử vũ khí chiến thuật mới lần này là bãi thử vũ khí của Học viện Khoa học Quốc phòng Triều Tiên.

Tại hiện trường, ông Kim Jong-un đã ca ngợi các nhà khoa học quốc phòng và đội ngũ công nhân ngành công nghiệp quân sự đã thành công trong việc củng cố sức mạnh quốc phòng của Triều Tiên.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cho rằng vũ khí chiến thuật không chỉ giống như "thành đồng tường sắt" bảo vệ lãnh thổ Triều Tiên, mà còn tăng cường đáng kể sức chiến đấu của quân đội nhân dân Triều Tiên.

KCNA không tiết lộ vũ khí chiến thuật thử nghiệm thành công lần này là loại vũ khí gì, nhưng miêu tả đây là một loại “vũ khí siêu hiện đại,” có thể nâng cao sức chiến đấu của quân đội Triều Tiên.

Phản ứng trước hành động này của Bình Nhưỡng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ: tại cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un diễn ra ở Singapore hồi tháng Sáu vừa qua, hai bên đã cam kết thực hiện phi hạt nhân hóa một cách triệt để và có kiểm chứng.

[Triều Tiên chỉ trích Mỹ cố tình cản trở đối thoại hạt nhân]

Hiện Washington và Bình Nhưỡng đang đàm phán về cách thức hiện cam kết này như thế nào. Tổng thống Trump từng nói rõ với ông Kim Jong-un rằng sau khi giải giáp hạt nhân, Triều Tiên sẽ có một tương lai tốt đẹp.

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói rằng Bắc Kinh không nắm được tình hình cụ thể về việc Triều Tiên nghiên cứu chế tạo và thử nghiệm vũ khí chiến thuật mới.

Phía Trung Quốc hy vọng tình hình tích cực tại bán đảo Triều Tiên tiếp tục được duy trì. Trung Quốc ủng hộ Mỹ và Triều Tiên thông qua đối thoại và tiếp xúc cấp cao để giải quyết vấn đề.

Giới phân tích quốc tế cho rằng khi dư luận Mỹ nghi ngờ về các cuộc đàm phán liên quan đến mối đe dọa từ tên lửa tầm gần và tầm trung, cũng như phi hạt nhân hóa giữa Mỹ và Triều Tiên không đạt được tiến triển, Triều Tiên tiếp tục thử nghiệm vũ khí mới, hành động “diễu võ dương oai” này chính là muốn gây sức ép với Mỹ.

Thế nhưng, loại vũ khí Triều Tiên thử nghiệm lần này không phải là vũ khí chiến lược. Thông thường, vũ khí chiến thuật chỉ dùng để chi viện cho lực lượng tác chiến trên chiến trường, tấn công sở chỉ huy chiến trường và trận địa tên lửa của kẻ thù.

Hơn thế, khi thị sát tại hiện trường, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã không đưa ra bất kỳ phát ngôn nào liên quan đến Mỹ và Hàn Quốc. Đây có thể coi là sách lược được tính toán rất kỹ của ông Kim Jong-un, đó là “gây sức ép vừa đủ đối với Mỹ, đồng thời đấu tranh nhưng không phá vỡ.”

Một chi tiết đáng chú ý khác là cũng trong ngày 16/11 vừa qua, Chính quyền Bình Nhưỡng tuyên bố trả tự do cho một công dân Mỹ bị phía Triều Tiên bắt giữ từ tháng trước, khi người này từ Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Triều Tiên.

KCNA từng đưa tin rằng công dân Mỹ này khai nhận thực hiện nhiệm vụ theo chỉ thị của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA). Hành động này của Triều Tiên đã phản ánh rõ thiện chí mong muốn cải thiện quan hệ với Mỹ.

Lần gần đây nhất ông Kim Jong-un đến hiện trường thị sát thử nghiệm vũ khí là vào tháng 11/2017, tức cách đây đúng một năm. Lúc đó, Triều Tiên cho biết đã thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo Hwasong-15 (Sao hỏa 15)./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục