Chiến tranh Lạnh trên bán đảo Triều Tiên sắp kết thúc?

Có lẽ hai miền Triều Tiên sẽ phải cố gắng chấm dứt Chiến tranh Lạnh, không chỉ qua những lời tuyên bố đơn thuần mà còn qua hành động thực tế - mà không cần nhận được sự cho phép của thế lực bảo trợ.
Chiến tranh Lạnh trên bán đảo Triều Tiên sắp kết thúc? ảnh 1(Nguồn: kwqc.com)

Theo trang mạng fpif.org, trên bán đảo Triều Tiên đang diễn ra những thay đổi đáng chú ý. Hai miền Triều Tiên đang thực sự bắt đầu thực hiện quá trình phi quân sự hóa Khu phi quân sự (DMZ).

Chỉ trong vài tuần qua, họ đã dỡ bỏ 22 trạm gác, phá hủy Khu vực an ninh chung, và thiết lập vùng cấm bay trên khu vực biên giới.

Hai nước cũng đã ngừng đối đầu dọc đường biên giới hàng hải của mình. Triều Tiên đã đóng cửa các đơn bị pháo binh ven biển và hai bên đã thảo luận kế hoạch cắt giảm số lượng lớn các vị trí đặt pháo binh gần biên giới.

Hai miền Triều Tiên cũng đã khôi phục các kế hoạch tái thống nhất về mặt kinh tế, từng bước một.

Tại Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba diễn ra hồi tháng 9, các nhà lãnh đạo hai nước đã nhất trí tái liên kết tuyến đường sắt cũng như đường bộ và khởi động lại khu công nghiệp Kaesong, với sự kết hợp của nhân công Triều Tiên và kỹ năng quản lý cũng như vốn của Hàn Quốc.

Ngoài ra, hai bên cũng nối lại các dự án du lịch giúp số lượng lớn du khách Hàn Quốc có thể dễ dàng chọn lựa các điểm tham quan ở Triều Tiên.

Tất cả những điều này chỉ nhận được một sự im lặng đáng ngờ của Mỹ. Tệ hơn nữa, tin tức mới nhất là về những điều Triều Tiên đang làm là để củng cố Chiến tranh Lạnh, chứ không phải tháo dỡ nó. Tuy nhiên, sự im lặng này có lẽ là một điều tốt.

Về vấn đề tên lửa

Một nghiên cứu mới được thực hiện bởi dự án Beyond Parallel thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, đã tiết lộ về một mạng lưới căn cứ tên lửa ẩn ở Triều Tiên.

Báo cáo xác định có 13 trong số 20 cơ sở nghiên cứu và sản xuất tên lửa đạn đạo không được khai báo ở Triều Tiên, đồng thời cung cấp thông tin chi tiết về một cơ sở tại Sakkanmol.

[Mỹ ủng hộ mạnh mẽ kế hoạch kết nối đường sắt liên Triều]

Bản báo cáo xác nhận những gì mọi người hoài nghi đã tồn tại từ lâu: Triều Tiên không nghiêm túc trong việc tháo dỡ hệ thống hạt nhân của họ.

Bài báo trên đài NBC của Mỹ trích dẫn quan điểm đầy lo ngại của Tướng quân đội nghỉ hưu Mỹ Barry McCaffrey: “Có vẻ như đây là một trò chơi đố chữ chính trị, và đó là một trò chơi nguy hiểm.

Trong ngắn hạn, Triều Tiên sẽ là mối đe dọa đáng lo ngại nhất đối với nền an ninh quốc gia Mỹ… Họ (Triều Tiên) có vũ khí hạt nhân, họ có các hệ thống phân phối, họ sẽ không tiến hành phi hạt nhân hóa.”

Vì vậy, tướng McCaffrey cho rằng kết quả của tất cả những điều này là nếu chúng ta nới lỏng những hạn chế kinh tế đối với Triều Tiên chính là chúng ta đang đùa giỡn với bản thân mình.

Tất cả những điều này nghe có vẻ thuyết phục, ngoại trừ việc mọi tin tức đều bỏ qua sự thật rõ ràng rằng Triều Tiên chưa bao giờ cam kết hủy bỏ chương trình tên lửa của mình.

Các cuộc đàm phán giữa Washington và Bình Nhưỡng đều tập trung vào hệ thống hạt nhân. Tuy nhiên, tên lửa không phải là vũ khí hạt nhân. Do đó, Triều Tiên không vi phạm bất cứ điều gì cho đến khi Mỹ thay đổi chính sách an ninh trong khu vực.

Hơn nữa, hệ thống tên lửa này không phải là điều gì mới. Theo báo cáo của Beyond Parallel, căn cứ ở Sakkanmol vẫn chưa có bất kỳ nâng cấp quan trọng nào kể từ năm 2011.

Chính xác đó là một cơ sở bí mật, song Triều Tiên vẫn chưa hề cung cấp bản kê khai hệ thống tên lửa và hạt nhân của mình. Việc giữ bí mật là một phần không thể thiếu trong chiến lược quân sự. Đối với một quốc gia rõ ràng có lợi thế vượt trội về tên lửa như Triều Tiên, bí mật chính là một trong những lợi thế của họ.

Trong khi đó, căn cứ tại Sakkanmol là để nghiên cứu và sản xuất các loại tên lửa tầm ngắn. Vì vậy, mục tiêu chính của Triều Tiên là Hàn Quốc.

Tuy nhiên, chính phủ Hàn Quốc lại kịch liệt phản đối báo cáo này. Phát ngôn viên chính phủ Hàn Quốc khẳng định: “Chẳng có gì mới” bởi Triều Tiên “chưa bao giờ ký kết bất kỳ thỏa thuận, bất kỳ cuộc đàm phán nào yêu cầu họ bắt buộc phải đóng cửa các căn cứ tên lửa.”


Cách để giúp bán đảo Triều Tiên

Tổng thống Mỹ Donald Trump đang chuyên tâm vào việc nhận giải Nobel Hòa bình vì gần như đã hoàn thành “câu chuyện tình yêu” của mình với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Cộng đồng chính sách đối ngoại ở Washington - cùng với các phương tiện truyền thông và tầng lớp học giả Mỹ - lại đang tập trung vào việc chứng minh mình đúng, rằng các nỗ lực hướng tới hòa bình hiện tại chỉ là điều hão huyền.

Các thành viên trong chính quyền Trump, chẳng hạn như Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, đã phải chấp nhận chờ đợi: Họ cho rằng Trump cuối cùng sẽ nhận ra điều điên rồ trong những cuộc thương lượng của mình, vốn đã tạo ra một khoảng không chính sách mà họ sẽ đổ xô vào để lấp đầy với các chiến lược thay đổi chế độ.

Trong bối cảnh ảm đạm này, việc chứng kiến hai miền Triều Tiên ngày càng xích lại gần nhau hơn giống như việc theo dõi vở kịch Romeo và Juliet. Chúng ta đều biết kết cục của vở kịch này, và nó không hề tốt đẹp. Vì vậy, liệu có cách nào có thể thay đổi kịch bản hiện tại, tránh để nó biến thành một thảm kịch hay không?

Tin tốt là: Sẽ không mất quá nhiều công sức để thúc đẩy cuộc đàm phán Mỹ-Triều sớm diễn ra. Tất cả những điều chính quyền Trump cần làm là đề nghị giảm bớt một số biện pháp trừng phạt kinh tế để đổi lấy một yêu cầu cụ thể, chẳng hạn như một bản kê khai toàn bộ hệ thống và kho vũ khí của Triều Tiên...

Nếu Nhà Trắng có thể giảm bớt một trong số những rào cản cơ bản cho việc hòa giải giữa hai miền Triều Tiên, khi đó, chính người Triều Tiên mới có thể tiếp tục thay đổi thực tế này - từng bước một, không có sự phô trương quốc tế - theo cách mà những thế lực bên ngoài phải tuân theo sự dẫn dắt của người Triều Tiên.

Có lẽ hai miền Triều Tiên sẽ phải cố gắng tìm cách chấm dứt Chiến tranh Lạnh, không chỉ qua những lời tuyên bố đơn thuần mà còn qua hành động thực tế - mà không cần nhận được sự cho phép của những thế lực bảo trợ.

Thay vì một cuộc tấn công phủ đầu, đây sẽ là một nền hòa bình sớm. Trong một thế giới hỗn loạn và ngày càng đáng sợ như hiện nay, đó chắc chắn là một điều đáng để ăn mừng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục