“Gã khổng lồ” công nghệ Hàn Quốc Samsung Electronics hôm 27/10 công bố cáo cáo kinh doanh cho thấy lợi nhuận hoạt động quý 3/2022 giảm 31,39% so với cùng kỳ năm ngoái sau, khi suy thoái kinh tế toàn cầu ảnh hưởng đến nhu cầu đối với hàng điện tử tiêu dùng.
Lợi nhuận hoạt động của Samsung Electronics từ tháng 7-9/2022 đã giảm từ 15.800 tỷ won (11,1 tỷ USD) của cùng kỳ năm ngoái xuống 10.000 tỷ won (7 tỷ USD). Đây là lần đầu tiên trong gần ba năm Samsung Electronics ghi nhận lợi nhuận theo năm sụt giảm.
Tuy nhiên, Samsung Electronics cho biết doanh số bán hàng vẫn tăng 3,79% vào cùng giai đoạn báo cáo và đạt mức 76.000 tỷ won.
Samsung Electronics dự báo sang năm 2023, nhu cầu sẽ phục hồi ở mức độ nhất định song những bất ổn về kinh tế vĩ mô có thể vẫn tiếp diễn.
Về mảng kinh doanh bộ nhớ, Samsung Electronics cho hay doanh thu từ bộ phận chip nhớ quan trọng đã giảm, đồng thời nhu cầu đối với các sản phẩm điện tử tiêu dùng vẫn còn yếu.
Dù vậy, nhu cầu dự kiến sẽ phục hồi và tập trung vào mảng máy chủ khi hoạt động cài đặt trung tâm dữ liệu được nối lại.
Nguồn cung chip nhớ gần đây đã trở thành một vấn đề mang tính địa chính trị toàn cầu, với việc chính phủ các nước lớn đang cạnh tranh để đảm bảo nguồn cung chip cấp cao.
Điều đó đã được thể hiện vào tháng Năm, khi Tổng thống Mỹ Joe Biden khởi động chuyến công du Hàn Quốc bằng việc thăm nhà máy chip Pyeongtaek của Samsung.
Phần lớn các vi mạch tiên tiến nhất thế giới chỉ được sản xuất bởi hai công ty - Samsung và TSMC của Đài Loan (Trung Quốc). Cả hai đều đang hoạt động hết công suất để giảm bớt tình trạng thiếu hụt chip trên toàn cầu.
[Samsung khởi công tổ hợp nghiên cứu và phát triển chip thế hệ mới]
Cho đến quý 2 năm nay, Samsung Electronics cùng với các công ty công nghệ khác đã được hưởng lợi đáng kể từ nhu cầu mạnh mẽ đối với các thiết bị điện tử - cũng như các con chip tích hợp - trong đại dịch.
Nhưng nền kinh tế toàn cầu hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm lạm phát phi mã, lãi suất tăng cao và mối đe dọa ngày càng lớn của một cuộc khủng hoảng nợ.
Tình hình càng trở nên trầm trọng hơn khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát và Chính phủ Trung Quốc tiếp tục tuân thủ chính sách “Zero COVID” nghiêm ngặt. Những yếu tố này đã đẩy giá năng lượng và lương thực toàn cầu lên cao, khiến nhu cầu tiêu dùng của người dân thu hẹp./.