Theo Hiệp hội Sân bay Đức (ADV), các cuộc đình công của nhân viên an ninh tại 5 sân bay lớn của Đức diễn ra vào ngày 14/3 đã khiến hơn 580 chuyến bay bị hủy, ảnh hưởng đến gần 90.000 hành khách.
Cuộc đình công được tổ chức bởi Verdi, nghiệp đoàn lớn thứ hai của Đức, đại diện cho khoảng 25.000 nhân viên an ninh trên cả nước và đã gây ảnh hưởng đến các sân bay Hamburg, Stuttgart, Karlsruhe/Baden-Baden, Cologne và Berlin.
Tình trạng sẽ còn nghiêm trọng hơn khi các nhân viên an ninh tiến hành đình công vào ngày 15/3 tại nhiều sân bay khác như Hanover, Dortmund, Weeze, Dresden, Leipzig và Karlsruhe/Baden-Baden theo thông báo trước đó.
Giám đốc điều hành ADV, ông Ralph Beisel, nhấn mạnh các cuộc đình công gây thiệt hại kinh tế cũng như hình ảnh của Đức, vốn được biết đến là điểm đến kinh doanh và du lịch.
Verdi đang yêu cầu tăng lương thêm 2,8 euro (3,05 USD) mỗi giờ cũng như tiền thưởng làm thêm giờ cho tất cả các giờ làm thêm, nhưng 5 vòng đàm phán thương lượng với Hiệp hội các công ty an ninh hàng không liên bang (BDLS) đã không đạt được kết quả.
Do đó, Verdi muốn thông qua các cuộc đình công này gia tăng áp lực lên các nhà tuyển dụng trong ngành trước vòng đàm phán tiếp theo để đạt được thỏa thuận về cải thiện điều kiện lao động. Theo BDLS, các nhà tuyển dụng đã đề nghị tăng lương từng bước lên 2,70 euro mỗi giờ, theo đó lương tháng của người lao động sẽ tăng thêm 432-470 euro.
Ngoài nhân viên an ninh, tiếp viên của hãng hàng không Đức Lufthansa cũng đình công trong 2 ngày 12-13/3 tại Frankfurt - sân bay lớn nhất của nước này - và Munich.
Kể từ cuộc tổng đình công của ngành giao thông từ đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không vào tháng Ba năm ngoái đến nay, Đức thường xuyên phải chứng kiến các cuộc đình công của nhân viên ngành giao thông vận tải yêu cầu tăng lương, cải thiện điều kiện làm việc trong bối cảnh lạm phát gia tăng.
Các cuộc đình công đã khiến hệ thông giao thông tại Đức hỗn loạn, ảnh hưởng đến hàng triệu người./.
Đức: Công nhân đường sắt và hàng không tiếp tục đình công
Tình trạng bãi công đòi tăng lương đã kéo dài tại Đức trong nhiều tháng qua khi người lao động và lực lượng quản lý đàm phán về các điều khoản quy định lao động trong bối cảnh lạm phát cao.