Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) ngày 11/12 công bố số liệu cho thấy sản lượng ngũ cốc năm 2023 của nước này tăng 1,3% so với năm ngoái, đạt mức cao kỷ lục 695,41 triệu tấn.
Theo NBS, sản lượng ngô tại Trung Quốc năm nay tăng 4,2% so với năm ngoái, trong khi sản lượng gạo và lúa mỳ giảm lần lượt 0,9% và 0,8%.
Đây là năm thứ chín liên tiếp Trung Quốc đạt sản lượng thu hoạch ngũ cốc vượt 650 triệu tấn, mặc dù nước này liên tiếp hứng chịu thiên tai trong thời gian thu hoạch tại các khu vực dọc Sông Hoàng Hà và Hoài Hà, lũ lụt ở các khu vực phía Bắc và Đông Bắc, cũng như hạn hán ở các vùng phía Tây Bắc.
Nhằm khuyến khích nông dân trồng ngũ cốc, Chính phủ Trung Quốc đã tăng giá sàn thu mua gạo và lúa mỳ, đồng thời cải thiện chính sách trợ cấp cho nông dân trồng ngô và đậu nành năm 2023. Theo đó, trong năm 2023 nước này có tổng cộng 119 triệu ha đất trồng ngũ cốc, tăng 0,5% so với năm 2022.
Theo quan chức của NBS Wang Guirong, sản lượng ngũ cốc của Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục đã đóng góp tích cực vào sự ổn định của thị trường ngũ cốc toàn cầu, đảm bảo an ninh lương thực thế giới.
Trước đó, sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ của Trung Quốc đều ghi nhận các mức tăng trưởng vượt dự đoán trong tháng Mười.
Số liệu của NBS cho thấy sản lượng công nghiệp tăng 4,6% trong tháng Mười so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức tăng 4,5% trong tháng Chín và dự đoán 4,4% mà giới phân tích đưa ra trong cuộc khảo sát của hãng tin Reuters. Đây cũng là mức tăng mạnh nhất kể từ tháng Tư.
Trong khi đó, doanh số bán lẻ của Trung Quốc tăng 7,6% trong tháng Mười, cao hơn nhiều so với mức tăng 5,5% trong tháng Chín và là mức tăng nhanh nhất kẻ từ tháng Năm.
Trước đó, giới phân tích dự đoán doanh số bán lẻ tăng 7% do cơ sở so sánh thấp của cùng kỳ năm 2022 dưới tác động của dịch COVID-19.
Đà phục hồi kinh tế của Trung Quốc trong năm 2023 vẫn rất bấp bênh
Một cuộc thăm dò ý kiến của các doanh nghiệp tư nhân do Trường kinh doanh Cheung Kong thực hiện trong cùng tháng ghi nhận sự sụt giảm niềm tin kinh doanh đang tăng lên.
Giới phân tích tỏ ra thận trọng trước số liệu khả quan nói trên, cho rằng lĩnh vực bất động sản vẫn là một mắt xích yếu của nền kinh tế. Bên cạnh đó, việc thiếu những cải cách lớn cũng là một cản trở đối với đà phục hồi bền vững trong dài hạn của kinh tế Trung Quốc.
Ông Xing Zhaopeng, Chiến lược gia cấp cao tại Trung Quốc của ngân hàng ANZ, nhận định vì tác động của các dịp lễ và hiệu ứng từ cơ sở so sánh thấp của năm 2022, nên các số liệu được so sánh với cùng kỳ năm ngoái nói trên không thể phản ánh được nhịp độ thực tế của nền kinh tế. Ông cho biết các số liệu so sánh với tháng trước đó cho thấy nền kinh tế đang giảm tốc hơn nữa, với nguy cơ giảm phát ngày càng cao.
Cũng trong tháng Mười, số liệu của NBS cho thấy tỷ lệ thất nghiệp ở mức 5%, không đổi so với tháng Chín. Sau khi tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ chạm mức cao kỷ lục 21,3% trong tháng Sáu, NBS dừng công bố hạng mục số liệu này từ tháng Bảy.
Trung Quốc đã tăng cường những nỗ lực để vực dậy nền kinh tế sau đại dịch COVID-19, với một loạt các biện pháp hỗ trợ về mặt chính sách trong những tháng gần đây, nhưng cho đến nay, các biện pháp này vẫn chưa mang lại nhiều hiệu quả.
Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng nhanh hơn dự đoán trong quý 3. Giới phân tích nhìn chung dự đoán kinh tế nước này sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm mà chính phủ đặt ra là khoảng 5%./.