Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen hết hiệu lực, Mỹ sẽ hỗ trợ nông dân Ukraine

Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) đã cam kết tài trợ mới 250 triệu USD để giúp đỡ nông dân Ukraine gặp khó khăn do các chuyến hàng ngũ cốc bị ngăn chặn ở Biển Đen.
Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen hết hiệu lực, Mỹ sẽ hỗ trợ nông dân Ukraine ảnh 1Nông dân thu hoạch lúa mỳ tại Kharkiv, Ukraine ngày 19/7/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Mỹ cam kết tài trợ mới 250 triệu USD để giúp đỡ nông dân Ukraine gặp khó khăn do các chuyến hàng ngũ cốc bị ngăn chặn ở Biển Đen kể từ khi diễn ra chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine hồi năm ngoái.

Thông tin này được Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) Samantha Power đưa ra trong ngày 18/7.

Phát biểu tại cảng Odessa, bà Power cho biết khoản đầu tư thông qua sáng kiến của USAID sẽ tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp của Ukraine, nhằm thúc đẩy cơ sở hạ tầng nông nghiệp và mở rộng các tuyến xuất khẩu khác.

Trong cuộc họp với Phó Thủ tướng Ukraine Oleksandr Kubrakov, bà Power nói: “Chúng ta có lợi ích chung trong việc đảm bảo rằng nông dân Ukraine tiếp tục làm việc.”

[Ukraine: 'Thỏa thuận Ngũ cốc Biển Đen vẫn hoạt động dù không có Nga']

Bà cũng kêu gọi các nước khác và khu vực tư nhân bổ sung thêm vào khoản đầu tư 250 triệu USD của Mỹ để giúp nông dân “đang bị tấn công” từ các chính sách của Nga và thúc đẩy nền kinh tế Ukraine trong dài hạn.

Trước đó một ngày, bà Power đã đến thăm trụ sở của Cơ quan Tình trạng Khẩn cấp Quốc gia ở thủ đô Kiev và công bố gói hỗ trợ nhân đạo hơn 500 triệu USD.

Bà cũng trao thêm thiết bị trị giá 2,3 triệu USD để giúp cơ quan này sửa chữa thiệt hại cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine trong cuộc xung đột.

Nga đình chỉ thỏa thuận ngũ cốc

Ngày 17/7, Moskva đã chính thức rút khỏi Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen do Liên hợp quốc làm trung gian, cho phép vận chuyển ngũ cốc Ukraine qua Biển Đen một cách an toàn, trong một động thái mà Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres gọi là “một đòn giáng vào những người có nhu cầu ở khắp mọi nơi.”

Trong giai đoạn từ tháng 8/2022 đến tháng 6/2023, Ukraine đã xuất khẩu 50,6 triệu tấn ngũ cốc với tổng trị giá 9,8 tỷ USD.

Phần lớn hàng hóa được xuất khẩu qua các cảng với tỷ lệ giao hàng lên tới 78% và liên tục vượt quá 80% trong những tháng gần đây. Phần còn lại được vận chuyển bằng đường sắt, đường bộ và phà.

Là một phần của Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, 28,1 triệu tấn ngũ cốc đã được xuất khẩu, chiếm 55,5% tổng số hàng hóa Ukraine xuất ra thị trường thế giới.

Tính về giá trị, xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine qua các cảng lên tới 7,7 tỷ USD trong toàn bộ thời gian của Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen có hiệu lực, trong lượng ngũ cốc trị giá 5,5 tỷ USD được chuyển qua Biển Đen và 2,2 tỷ USD qua các con sông.

Do vậy, nếu thỏa thuận không được gia hạn, thiệt hại trực tiếp mỗi tháng của Ukraine có thể lên tới 500 triệu USD/tháng.

Phản ứng của Ukraine

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố nước này sẵn sàng tiếp tục xuất khẩu ngũ cốc, sau khi Nga ngừng tham gia Thỏa thuận Ngũ cốc Biển Đen.

Theo người phát ngôn của Tổng thống Ukraine Serhiy Nykyforov, ông Zelensky đã nhấn mạnh cần nỗ lực hết sức để duy trì sử dụng hành lang xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen sau khi Nga ngừng tham gia thỏa thuận này.

Các doanh nghiệp, chủ tàu đều khẳng định sẵn sàng cung cấp ngũ cốc nếu Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục cho phép.

Tổng thống Zelensky đã chỉ thị cho Bộ Ngoại giao Ukraine chuẩn bị một thư gửi chính thức tới Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ xem liệu các bên có sẵn sàng duy trì Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen hay không.

Thỏa thuận Ngũ cốc Biển Đen ký kết ngày 22/6/2022 tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) với thời hạn 120 ngày và sau đó được gia hạn 3 lần.

Một phần của thỏa thuận quy định trình tự đưa ngũ cốc từ các cảng do Kiev kiểm soát, phần khác đề cập đến việc xuất khẩu nông sản và phân bón của Nga ra thị trường thế giới vẫn chưa được thực hiện.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov xác nhận phần liên quan đến Nga hoàn toàn không được thực hiện đối với bất kỳ điều khoản nào, trong khi việc vận chuyển lượng thực của Ukraine được đảm bảo.

Ngoài ra, ngũ cốc từ Ukraine được xuất khẩu không phải sang các nước nghèo nhất mà chủ yếu sang phương Tây./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục