Sáng kiến Việt-Nhật minh bạch môi trường đầu tư

Kế hoạch hành động 4 Sáng kiến chung Việt-Nhật đã giải quyết các vướng mắc tồn tại nhằm tạo dựng một môi trường đầu tư minh bạch.
Kế hoạch hành động giai đoạn 4 của Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản đã giải quyết tốt và đúng tiến độ 58/70 hạng mục là các vướng mắc tồn tại phát sinh trong quá trình đầu tư nhằm tiếp tục tạo dựng một môi trường đầu tư và kinh doanh thông thoáng, minh bạch tại Việt Nam.

Đây là kết quả đánh giá được công bố tại cuộc họp cấp cao của Ủy ban Đánh giá và Xúc tiến Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và Ủy ban Kinh tế Việt Nam-Nhật Bản đồng tổ chức sáng 23/11, tại Hà Nội.

Ông Takahashi Kyouhei, Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Việt Nam-Nhật Bản cho biết, sau 18 tháng triển khai, phía Việt Nam đã chủ động và tích cực phối hợp với phía Nhật Bản tổ chức gần 40 cuộc đối thoại chính sách để giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình đầu tư.

Phía Nhật Bản đã đưa ra những khuyến nghị chính sách mang tính xây dựng cũng như tích cực phối hợp với phía Việt Nam thực hiện các nghiên cứu chung-làm thông tin tham khảo trong quá trình hoàn thiện luật pháp, chính sách của các cơ quan chức năng của Việt Nam.

Các hạng mục hoàn thành tốt gồm các vấn đề liên quan đến điện lực, lao động, ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển công nghiệp hỗ trợ, xây dựng môi trường sống xung quanh khu công nghiệp, sở hữu trí tuệ, thuế và bán lẻ; trong đó, 3 lĩnh vực đạt được thành quả lớn nhất gồm: Bản lẻ và cấp phép đầu tư bán lẻ cho doanh nghiệp nước ngoài sẽ ban hành các tiêu chí cụ thể, rõ ràng; triển khai cấp phép chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia và các nội dung liên quan đến việc đầu tư hạ tầng theo hình thức công tư.

Hai bên cũng đã thành lập được nhóm kinh tế vĩ mô nhằm giúp nâng cao sự hiểu biết lẫn nhau, tạo cơ sở cho việc minh bạch hơn một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô của Việt Nam như: Cán cân thu chi quốc tế, dự trữ ngoại hối…. Đây là điểm mà Nhật Bản đánh giá rất cao, ông Takahashi Kyouhei nhấn mạnh.

Tuy nhiên, vẫn còn một số hạng mục bị chậm tiến độ, 2 hạng mục chưa triển khai cần được đẩy mạnh trong thời gian tới có liên quan đến quy định về thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ.

Theo Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, ông Tanizaki Yasuaki, để tiếp tục duy trì và thu hút FDI vào Việt Nam, hai bên thống nhất tiếp tục giải quyết các vấn đề còn tồn đọng về thủ tục đầu tư, môi trường đầu tư. Phía Nhật Bản cho biết tiếp theo gói ODA lần 1 cho Việt Nam trong năm 2012 là 1,2 tỷ USD, trong tháng 12 tới, phía Nhật Bản sẽ quyết định tổng mức ODA cho cả năm 2012.

Phát biểu tại buổi cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định, Sáng kiến Việt Nam-Nhật Bản trải qua 10 năm thực hiện (4 giai đoạn) đã giúp Chính phủ Việt Nam cải thiện chính sách phát triển kinh tế, nhất là môi trường đầu tư, góp phần tăng cường thu hút đầu tư và phát triển kinh tế Việt Nam.

Hiện Nhật Bản đứng đầu trong số 96 quốc gia và vùng lãnh thổ có tổng mức FDI lớn nhất vào Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ của phía Nhật Bản trong triển khai Kế hoạch hành động giai đoạn 5 được thực hiện từ năm 2013 tới đây.

Cũng theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, mặc dù những nội dung ưu tiên của Kế hoạch hành động giai đoạn 5 sẽ được chốt vào giữa năm 2013 nhưng chắc chắn 2 hạng mục chưa được thực hiện trong giai đoạn 4 sẽ tiếp tục được đưa vào Kế hoạch hành động giai đoạn 5 bởi đây là vấn đề cấp bách cần sớm được thực hiện.

Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đã dự thảo và trình Chính phủ Quyết định về thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ nhưng hai bên vẫn cần thảo luận thêm để có thể thông qua vào đầu năm 2013./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục