Không gian thương mại kỹ thuật số tại khu vực châu Á Thái Bình Dương được dự báo trở thành ngành công nghiệp trị giá 2.000 tỷ USD vào năm 2025.
Giám đốc phụ trách Tập đoàn thanh toán số Visa tại Malaysia Ng Kong Boon đã vạch ra 6 xu hướng định hình thương mại số tại Malaysia trong năm 2022.
Thế giới là một thị trường
Có một thực tế hiện nay đó là từ lâu người tiêu dùng đã không còn chờ tới mỗi dịp cuối tuần để đến các trung tâm mua sắm. Thay vào đó, họ mong đợi các điểm tiếp xúc mua sắm được tích hợp xung quanh sự tiện lợi trong cuộc sống xã hội của họ. Một ví dụ đơn giản là việc phát trực tiếp trên các mạng xã hội, nơi người mua sắm có thể tương tác với những người có ảnh hưởng và mua hàng trong thời gian thực.
Khi các điểm tiếp xúc kỹ thuật số tiếp tục mở rộng và kết hợp trên tất cả các khía cạnh của cuộc sống, trong tương lai, việc mua sắm sẽ diễn ra độc lập với một cửa hàng và toàn bộ thế giới sẽ trở thành một thị trường. Điều này có nghĩa người tiêu dùng có thể mua hàng ở bất kỳ đâu thuận tiện trên kênh mình muốn, thay vì phải theo dõi xem mặt hàng đó có trong kho hoặc phải chờ đợi giao hàng trong thời gian dài.
[Hướng tới hệ sinh thái hoàn chỉnh về xúc tiến thương mại số]
Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Malaysia đã chứng kiến hơn 3 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số mới với 94% người tiêu dùng sử dụng các dịch vụ kỹ thuật số và 98% có ý định tiếp tục là người tiêu dùng kỹ thuật số trong thế giới hậu đại dịch.
Hàng hóa kỹ thuật số mới: Những đôi giày có thể tải xuống
Khi người tiêu dùng dành nhiều thời gian trực tuyến hơn, các trải nghiệm mua hàng kỹ thuật số mới và hàng hóa chỉ dành cho các kênh phân phối kỹ thuật số đang xuất hiện. Theo ông Ng Kong Boon, không chỉ các kênh nơi khách hàng mua sắm sẽ tiếp tục được chuyển sang không gian kỹ thuật số mà chính các loại hàng hóa có thể sẽ chỉ tồn tại trong thế giới kỹ thuật số.
Xu hướng hiện tại là các sản phẩm được đi kèm với những thuộc tính chỉ dành riêng cho kỹ thuật số, cũng như có sự khuyến khích đối với các hình thức mới trong việc sử dụng kênh số hóa và tương tác kỹ thuật số với khách hàng của mình. Tập đoàn Visa nhận thấy điều này trở thành hiện thực thông qua việc dùng thử tương tác thực tế ảo đối với những sản phẩm như mỹ phẩm, quần áo và giày ảo có thể tải xuống.
Giám đốc phụ trách khu vực Malaysia của Visa chia sẻ, tập đoàn này kỳ vọng sẽ có nhiều doanh nghiệp thử nghiệm các sản phẩm kỹ thuật số để thâm nhập vào các phân khúc mới và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trên các kênh mà họ đã đầu tư.
Xâm nhập thế giới ảo
Câu hỏi đặt ra là người tiêu dùng sẽ sử dụng những đôi giày có thể tải xuống của mình vào lúc nào? Hàng hóa chỉ tồn tại dưới dạng kỹ thuật số sẽ là một phần cốt lõi của thế giới ảo-một môi trường ảo, và việc tương tác được thực hiện hoàn toàn bằng nền tảng kỹ thuật số.
Trong thế giới ảo, người tiêu dùng có thể sở hữu NFT (mã thông báo không thể thay thế) cho các tài sản kỹ thuật số như nghệ thuật, các bộ sưu tập, vật phẩm chơi game và có thể dễ dàng bán những tài sản này cho người dùng khác trên một giao diện sử dụng công nghệ blockchain. Vũ trụ ảo có thể là không gian tiếp theo mà các doanh nghiệp tìm đến để thiết lập địa điểm kinh doanh mới.
Số hóa: Xu thế bắt buộc cho sự tồn tại của doanh nghiệp
Trong khi các doanh nghiệp tiếp tục số hóa các hoạt động, vẫn có những điểm mất kết nối trong quá trình vận hành đa dạng của họ. Những doanh nghiệp tiếp xúc trực tiếp với khách hàng có xu hướng trở thành đối tượng đầu tiên tiếp cận được sự thay đổi kỹ thuật số do bộ phận này chịu tác động tương tác lớn nhất. Tuy nhiên, các doanh nghiệp lại đang tạo ra sự phá vỡ trong chuỗi hoạt động khi không thực hiện số hóa cơ sở hạ tầng của bộ phận hỗ trợ, hậu cần.
Đối với Malaysia, 98,5% trong số 920.624 doanh nghiệp là doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó nhiều doanh nghiệp đang tụt hậu trong việc áp dụng số hóa theo số liệu của chi nhánh Ngân hàng Thế giới (WB) tại Malaysia. Giám đốc phụ trách khu vực Malaysia của Visa nhấn mạnh rằng để tồn tại và phát triển, các doanh nghiệp tại quốc gia Đông Nam Á này cần phải đi theo con đường kỹ thuật số.
Toàn cầu hóa thương mại
Những khó khăn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là từ khi đại dịch bùng phát, đã buộc các doanh nghiệp phải nhanh chóng tìm ra nhiều phương án dự phòng mới. Theo ông Ng Kong Boon, các chuỗi cung ứng trong tương lai phải được đa dạng hóa trên các kênh toàn cầu và địa phương nhằm chống lại sự cố.
Các doanh nghiệp sẽ tìm kiếm đối tác trong các khu vực địa lý khác nhau để phát triển mạng lưới đa dạng có thể dễ dàng xoay vòng nếu bị gián đoạn.
Phương thức tiếp cận tín dụng và vốn lưu động mới
Đối với các doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng, khả năng tiếp cận tín dụng đang phát triển nhờ vào hệ thống dữ liệu. Tại nhiều quốc gia, bảo lãnh tín dụng vẫn được thực hiện theo cách cổ điển, trong đó loại trừ nhiều nhóm lớn những người có cuộc sống và sự nghiệp không phù hợp với các thị trường truyền thống để thiết lập tín dụng.
Tuy nhiên, hiện tại có rất nhiều dữ liệu sẵn có từ kết quả của quá trình số hóa các lĩnh vực trong đời sống xã hội và kinh doanh. Thông tin giống như vòng quay hàng hóa trong kho, dòng tiền mặt hoặc các khớp lệnh mua bán có thể là các điểm dữ liệu được doanh nghiệp sử dụng để tiếp cận nguồn vốn mới./.