Hướng tới hệ sinh thái hoàn chỉnh về xúc tiến thương mại số

Việt Nam phấn đấu đến năm 2025, đạt 100% các tổ chức xúc tiến thương mại xây dựng được hệ sinh thái xúc tiến thương mại số; hơn 200.000 doanh nghiệp được cấp tài khoản trên hệ sinh thái này.
Hướng tới hệ sinh thái hoàn chỉnh về xúc tiến thương mại số ảnh 1Các đại biểu tham dự hội nghị. (Nguồn: Bnews/TTXVN)

Trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ đã và đang đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số.

Đặc biệt, các nội dung, cách thức ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại không ngừng biến đổi và ngày càng đa dạng hơn; không chỉ giới hạn ở hạ tầng và kỹ năng công nghệ thông tin mà còn phát triển hơn về phương thức, hướng tới một hệ sinh thái hoàn chỉnh về xúc tiến thương mại.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị triển khai Quyết định 1968/QĐ-TTg ngày 22 tháng 11 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2021-2030” (sau đây gọi tắt là Đề án 1968) và định hướng, tham gia xây dựng và vận hành hệ sinh thái xúc tiến thương mại số với các bộ, ngành và Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Cục Xúc tiến thương mại tổ chức chiều 14/12, tại Hà Nội.

Đơn vị tiên phong

Theo ông Vũ Bá Phú, Bộ Công Thương là đơn vị tiên phong tại Việt Nam nhanh chóng sáng tạo, ứng dụng thực hiện các mô hình xúc tiến thương mại trực tuyến và hybrid (trực tiếp kết hợp trực tuyến) tại Việt Nam, chia sẻ kinh nghiệm tổ chức và đưa các mô hình này lan tỏa tới nhiều cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp trên cả nước.

Hàng trăm chương trình xúc tiến thương mại trực tuyến như các hội nghị giao thương trực tuyến, hội chợ triển lãm trực tuyến, ứng dụng công nghệ livestream quảng bá sản phẩm trên các nền tảng số… được triển khai thời gian qua.

Các hoạt động này không chỉ mang lại các kết quả ban đầu mà còn khẳng định là giải pháp đổi mới phù hợp với bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, thay thế cho nhiều hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống bị dừng đột ngột; đồng thời, bắt nhịp nhanh nhạy với chuyển đổi số trong nền kinh tế.

Cụ thể, trong năm 2020-2021, Bộ Công Thương và các bộ ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp đã tổ chức trên 1.000 hội nghị xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế bằng hình thức trực tuyến.

[Phát triển hạ tầng thương mại số: Bắt nhịp bán lẻ không tiếp xúc]

Kết quả là trên 1 triệu phiên giao thương trực tuyến được thực hiện, hàng trăm nghìn doanh nghiệp Việt Nam đã được hỗ trợ xúc tiến thương mại trực tuyến với các đối tác trong và ngoài nước.

Các hoạt động xúc tiến thương mại đa dạng đã giúp doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu tiết kiệm chi phí trong khi vẫn duy trì và phát triển tốt quan hệ với đối tác.

Bên cạnh đó, huy động toàn bộ hệ thống tham tán thương mại Việt Nam ở nước ngoài vào cuộc, góp phần hỗ trợ đắc lực cho các địa phương, doanh nghiệp và đặc biệt là người nông dân trong việc tiêu thụ nông sản hàng hóa ở hoàn cảnh không thể thực hiện được các hoạt động xúc tiến thương mại theo phương thức trực tiếp.

Đối với hoạt động tham gia hội chợ triển lãm trên mỗi trường số, ngoài việc tổ chức cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia hội chợ triển lãm quốc tế tại Nhật Bản, Trung Quốc, EU…

Bộ Công Thương đã phối hợp với các đối tác chuyên ngành trực tiếp triển khai các hội chợ triển lãm thực tế ảo như Foodexpo (2020 và 2021), Internet Expo (2021) thu hút trên 40 quốc gia tham dự sự kiện, gần 1.000 gian hàng trực tuyến của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, thu hút trên 15.000 khách hàng tham quan và làm việc với các gian hàng.

Đặc biệt, Bộ Công Thương đã phối hợp với các sàn thương mại điện tử trong nước như: Shopee, Lazada, Sendo, Postmart, Voso hỗ trợ xúc tiến tiêu thụ nông sản chính vụ phục vụ các thị trường lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh với sự hỗ trợ quảng bá cũng như các dịch vụ hậu cần của các sàn thương mại điện tử.

Vừa qua, Bộ Công Thương đã có các phương án hỗ trợ các địa phương có các sản phẩm mùa vụ như: Hải Dương, Bắc Giang, Hưng Yên, Bình Thuận, Sơn La, Đồng Tháp, Cà Mau, Tiền Giang… tiếp cận và tiêu thụ sản phẩm thông qua kênh thương mại điện tử.

Ngoài việc hỗ trợ đầu ra cho nông sản trong nước, Bộ Công Thương cũng là đầu mối trực tiếp làm việc với các sàn thương mại điện tử quốc tế như sàn Alibaba.com và Amazon.com hỗ trợ xuất khẩu cho các sản phẩm tiềm năng của Việt Nam như sản phẩm chế biến, gia dụng, dệt may, gia giày, tiểu thủ công nghiệp, hàng công nghiệp...

Nâng cao hiệu quả

Chia sẻ về hệ sinh thái xúc tiến thương mại số, bà Nguyễn Thị Minh Thúy, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin xúc tiến thương mại cho hay, hệ sinh thái xúc tiến thương mại số là kết cấu hạ tầng mềm, do Chính phủ đầu tư, phát triển.

Cụ thể là các nền tảng cơ bản dùng chung cho nền kinh tế như hội chợ, triển lãm số; kết nối giao thương thông minh; cơ sở dữ liệu chuyên ngành xúc tiến thương mại; tư vấn-huấn luyện trực tuyến; thông tin khuyến mại; định danh điện tử… đáp ứng nhu cầu hỗ trợ xúc tiến thương mại của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và nâng cao chất lượng và hiệu quả trong hoạt động của các cơ quan xúc tiến thương mại thuộc Chính phủ, tổ chức hỗ trợ xúc tiến thương mại.

[Phát triển hạ tầng thương mại số: Chiến lược tái cấu trúc thị phần]

Đề án xây dựng với mục tiêu tổng quát nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng và hiệu quả trong hoạt động của các cơ quan xúc tiến thương mại thuộc Chính phủ, tổ chức hỗ trợ xúc tiến thương mại và doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên cơ sở hình thành, phát triển hệ sinh thái xúc tiến thương mại số.

Cụ thể, phấn đấu đến năm 2025 xây dựng, hình thành hệ sinh thái xúc tiến thương mại số với 100% các tổ chức xúc tiến thương mại và trên 200.000 doanh nghiệp được cấp tài khoản trên hệ sinh thái xúc tiến thương mại số và 50% trong số này có phát sinh giao dịch và chia sẻ thông tin.

Hướng tới hệ sinh thái hoàn chỉnh về xúc tiến thương mại số ảnh 2Bà Nguyễn Thị Minh Thúy, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin xúc tiến thương mại. (Nguồn: Bnews/TTXVN)

Cơ sở dữ liệu chuyên ngành xúc tiến thương mại và 10 ngành hàng xuất khẩu chủ lực được hình thành, kết nối, liên thông với cơ sở dữ liệu của 10 thị trường xuất khẩu trọng điểm.

Đồng thời, có 25% các dịch vụ kết nối thị trường được tổ chức trên nền tảng kết nối, hỗ trợ 100.000 lượt doanh nghiệp và 25% số lượng hội chợ, triển lãm được tổ chức trên môi trường số.

Tất cả các tổ chức xúc tiến thương mại và trên 100.000 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được tập huấn, hướng dẫn, hỗ trợ các nội dung về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại và bảo đảm an toàn thông tin.

Ngoài ra, 100% các tổ chức xúc tiến thương mại và trên 100.000 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh sử dụng, khai thác, vận hành các nền tảng dùng chung và chia sẻ dữ liệu với hệ sinh thái xúc tiến thương mại số.

Tất cả thủ tục hành chính lĩnh vực xúc tiến thương mại đủ điều kiện được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia với 90% doanh nghiệp hài lòng về kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

Đến năm 2030, phấn đấu hoàn thiện, phát triển hệ sinh thái xúc tiến thương mại số; 75% các tổ chức xúc tiến thương mại và doanh nghiệp được cấp tài khoản thường xuyên hoạt động, tìm kiếm, cung cấp, chia sẻ thông tin trên hệ sinh thái xúc tiến thương mại số; 50% các dịch vụ kết nối thị trường của doanh nghiệp được thực hiện trên Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số, hỗ trợ 1.000.000 lượt doanh nghiệp.

Cùng đó, cơ sở dữ liệu chuyên ngành xúc tiến thương mại và 20 ngành hàng xuất khẩu chủ lực được hoàn thiện, mở rộng kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu của 20 thị trường xuất khẩu trọng điểm; 60% số lượng hội chợ, triển lãm được tổ chức trên môi trường số.

Bên cạnh đó, 100% các tổ chức xúc tiến thương mại và trên 1 triệu lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được tập huấn, hướng dẫn, hỗ trợ các nội dung về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, công nghệ, nền tảng số và bảo đảm an toàn thông tin; 100% các tổ chức xúc tiến thương mại và trên 500.000 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh sử dụng, khai thác, vận hành các nền tảng dùng chung và chia sẻ dữ liệu với hệ sinh thái xúc tiến thương mại số.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, theo bà Nguyễn Thị Minh Thúy, đề án đưa ra 3 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu gồm: xây dựng và phát triển hệ sinh thái xúc tiến thương mại số; hoàn thiện cơ chế chính sách; nâng cao nhận thức, năng lực; trong đó, xây dựng, phát triển và tích hợp các nền tảng dùng chung, phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại hiệu quả.

Đáng lưu ý, điểm nhấn và cũng là trọng tâm của đề án đó là thiết kế, xây dựng và vận hành hiệu quả hệ sinh thái xúc tiến thương mại số./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục