Là một trong những công cụ hiện đại, hỗ trợ cho nền kinh tế phát triển, tạo mối liên kết giữa sản xuất, chế biến, tiêu thụ hàng hóa của các doanh nghiệp, các địa phương, các quốc gia hiện nay, kinh tế số là kênh kết nối hiệu quả, rút ngắn khoảng cách không gian, tiết kiệm thời gian trong các giao dịch, trao đổi hợp đồng.
Nhận thấy hiệu quả tối ưu của chuyển đổi số trong phát triển kinh tế, tỉnh Sóc Trăng đã khởi động triển khai chuyển đổi, phát triển một nền kinh tế số trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa.
Nhiều cơ chế hỗ trợ phát triển kinh tế số
Với đặc điểm kinh tế đa dạng từ nông nghiệp đến công nghiệp chế biến các mặt hàng nông sản, công nghiệp sản xuất điện…, việc đưa chuyển đổi số vào ngành công nghiệp vừa giúp các doanh nghiệp có thể quản lý nhà máy, nguồn hàng, đơn hàng, tiếp cận khách hàng, kiểm tra chất lượng hàng hóa trên diện rộng, chi tiết… một cách nhanh chóng nhất.
Đơn cử như trong thời gian 19 tỉnh phía Nam đồng loạt thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội ứng phó dịch COVID-19, những doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân sử dụng số hóa sẽ thuận tiện hơn trong việc thu mua thực phẩm, nguyên liệu cung ứng cho sản xuất, chế biến, vận chuyển đến khách hàng, việc chốt đơn hàng cũng dễ dàng hơn so với việc chỉ thực hiện các thao tác giao dịch thủ công.
[Đà Nẵng dẫn đầu các tỉnh, thành phố về chuyển đổi số năm 2020]
Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng đã chỉ đạo nhanh chóng triển khai chuyển đổi số sâu rộng trên địa bàn tỉnh. Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã triển khai các giải pháp hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hiệp hội, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất, kinh doanh và các thành phần kinh tế khác đẩy nhanh ứng dụng công nghệ số vào tổ chức quản lý doanh nghiệp, cũng như ứng dụng công nghệ số vào phương thức hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh kết nối toàn cầu; hình thành nên chuỗi giá trị từ khâu thu mua vật tư đầu vào đến khâu chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Để có thể vận hành công nghệ số tại các đơn vị, doanh nghiệp nhỏ, tỉnh Sóc Trăng có kế hoạch thành lập và đưa vào vận hành Trung tâm công nghệ số của tỉnh để hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp.
Ông Lâm Văn Mẫn, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, cho biết tỉnh Sóc Trăng tăng cường quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của tỉnh với các nhà đầu tư để có thể thu hút các nhà đầu tư công nghệ số vào tỉnh, hỗ trợ các doanh nghiệp, các nhà đầu tư thông quan môi trường số.
Bên cạnh đó, tỉnh có chính sách phát triển thị trường thương mại điện tử có tính cạnh tranh lành mạnh và phát triển bền vững, góp phần kết nối giao thương hàng hóa trong khu vực và trên thế giới. Sóc Trăng tập trung phát triển mạnh mẽ sàn giao dịch điện tử bảo đảm kết nối cung cầu, nhất là chuỗi giá trị nông sản, du lịch, tiểu thủ công nghiệp trực tuyến.
Ngoài ra, tỉnh Sóc Trăng tạo điều kiện thuận lợi, ưu đãi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp ứng dụng công nghệ số, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, khuyến khích các doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng các sản phẩm công nghệ mới trên nền tảng số, nhằm cung cấp dịch vụ số trên nền tảng dữ liệu mở, thúc đẩy thương mại điện tử, sản xuất thông minh.
Đối với ngành nông nghiệp - một lĩnh vực thế mạnh trong phát triển kinh tế của Sóc Trăng cũng đang được hướng đến chuyển đổi số để sản xuất và tiêu thụ hàng hóa bền vững.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng tổ chức chuỗi chương trình xúc tiến phát triển kinh tế số đối với các ngành hàng, lĩnh vực đặc trưng, thế mạnh của tỉnh gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng cũng đã hỗ trợ đưa sản phẩm, hàng hóa các hộ sản xuất, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã, tổ hợp tác lên sàn thương mại điện tử, tăng cường việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm.
Công cụ quyết định trong thời kỳ hội nhập
Những năm trước đây, khi chưa xảy ra đại dịch COVID-19, việc ứng dụng, chuyển đổi công nghệ số chưa thực sự được các cấp lãnh đạo, cũng như người dân tỉnh Sóc Trăng chú trọng. Chỉ có những đơn vị, doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh tiêu thụ hàng hóa mới chú ý đến những tiện ích trong công nghệ số bởi thông qua công nghệ số, các sản phẩm được người tiêu dùng biết đến rộng khắp.
Ngày 12/9/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 119/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về phạm vi, đối tượng áp dụng hóa đơn điện tử, được coi là cơ sở hành lang pháp lý quan trọng thúc đẩy tiến trình hóa đơn điện tử tại Việt Nam. Đây là bước mở đầu cho việc áp dụng công nghệ số vào việc thanh toán thuế, hoàn thuế, giao dịch thương mại của nền kinh tế nói chung.
Không những vậy, khách hàng quốc tế cũng khắt khe hơn trong các hợp đồng giao thương, tiêu thụ hàng hóa thông qua các mã (code) truy xuất nguồn gốc sản phẩm đối với đơn vị sản xuất. Điều này giúp cho các quốc gia bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng của nước sở tại thông qua công nghệ số.
Một điển hình có thể thấy rõ hiệu quả, lợi ích từ công nghệ số chính là, thông qua công nghệ số, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng, toàn ngành nông nghiệp có thể giúp nông dân tiêu thụ nông sản khi đến mùa thu hoạch, nhưng lại gặp nhiều khó khăn trong khâu tiếp cận khách hàng do giãn cách xã hội ứng phó dịch bệnh.
Theo ông Nguyễn Văn Đắc, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cù Lao Dung, trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát mạnh, tỉnh Sóc Trăng phải thực hiện Chỉ thị 16, toàn bộ người dân “ở đâu thì ở yên chỗ đó,” gây khó khăn cho quá trình sản xuất, tiêu thụ nông sản của huyện. Vì vậy, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cù Lao Dung đã đưa ra nhiều phương án kết nối tiêu thụ cho nông dân như thành lập nhóm zalo tiêu thụ nông sản; tuyên truyền, vận động hỗ trợ thu mua trên các trang thông tin điện tử của huyện Cù Lao Dung, trang thông tin điện tử Hợp tác xã của tỉnh Sóc Trăng do Sở Kế hoạch và Đầu tư đăng tải.
Đồng thời, huyện Cù Lao Dung cũng phát huy mạnh mẽ các công cụ mạng xã hội như facebook, nhóm zalo của các đơn vị liên quan, cũng như kết nối thông qua Tổ 970 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn để kết nối, liên kết và quảng bá, giới thiệu tiêu thụ nông sản, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trên các sàn giao dịch điện tử để tiêu thụ sản phẩm.
Cũng thông qua công nghệ số, các doanh nghiệp có thể quản lý doanh nghiệp từ xa trong giai đoạn giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Ông Võ Quan Huy, Chủ tịch Hiệp hội tôm Mỹ Thanh, chia sẻ trong giai đoạn giãn cách xã hội, quản lý doanh nghiệp không thể có mặt tại đơn vị để giám sát các hoạt động sản xuất nhưng thông qua sự phát triển công nghệ số, doanh nghiệp vẫn có thể quản lý được doanh số bán hàng, quá trình sản xuất, chất lượng sản phẩm, cũng như tiến hành các giao dịch để ký hợp động khi ứng phó được dịch COVID-19.
Có thể thấy, việc tập trung triển khai các nền tảng số, ứng dụng công nghệ tiên tiến của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 chính là phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế tập thể, hộ gia đình, hỗ trợ nông dân trực tiếp trao đổi sản phẩm, hàng hóa nông sản, thanh toán trực tuyến trên môi trường mạng, giúp cho nền kinh tế năng động hơn và hội nhập sâu hơn./.