Ngày 15/8, lãnh đạo của đảng Dân tộc Scotland ( SNP) tại Anh, bà Nicola Sturgeon, cho biết đảng của bà và 35 nghị sỹ của đảng này sẽ xem xét bất kỳ lựa chọn nào nhằm ngăn chặn tiến trình đưa Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, tại Quốc hội.
Phát biểu với hãng truyền thông BBC, bà Sturgeon nêu rõ: "Chúng tôi sẽ làm việc với bất kỳ ai và xem xét bất kỳ lựa chọn nào để ngăn chặn Brexit." Bà cho biết SNP không loại trừ khả năng ủng hộ lãnh đạo Công đảng đối lập Jeremy Corbyn, nhưng nhấn mạnh chính khách này phải đưa ra quan điểm rõ ràng về Brexit.
Trước đó, ngày 14/8, ông Corbyn đã hối thúc Quốc hội Anh bãi nhiệm Thủ tướng Boris Johnson trước khi nhà lãnh đạo mới của Anh thực hiện Brexit mà không kèm thỏa thuận.
Trong thư gửi các nghị sỹ hàng đầu thân EU và có quan điểm ôn hòa, ông Corbyn lưu ý tới hậu quả kinh tế của kịch bản Brexit không thỏa thuận gây ra sự hỗn loạn, đồng thời kêu gọi tiến hành bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với chính phủ của ông Johnson và chỉ định một người thay thế.
[Thủ tướng Anh nhận định người dân muốn rời EU, không muốn bầu cử]
Phản ứng trước tuyên bố của lãnh đạo Công đảng, người phát ngôn Văn phòng Thủ tướng Anh cho rằng đề xuất của ông Corbyn là sự "phủ nhận" kết quả cuộc trưng cầu ý dân năm 2016 về Brexit và gây tổn hại cho kinh tế nước này.
Cùng ngày 15/8, nhật báo kinh doanh Handelsblatt của Đức trích dẫn tài liệu của Bộ Tài chính Đức cho rằng, chính phủ nước này dự đoán Anh sẽ rời EU vào ngày 31/10 tới mà không có một thỏa thuận về mối quan hệ tương lai giữa hai bên.
Theo báo trên, Chính phủ Đức nhận định một Brexit hỗn loạn "nhiều khả năng" sẽ diễn ra do Thủ tướng Anh Boris Johnson đã đề nghị loại điều khoản "rào chắn" liên quan vấn đề đường biên giới Ireland, vốn đã được người tiền nhiệm của ông nhất trí với EU hồi tháng 11/2018, khỏi ''thỏa thuận ly hôn.''
Trong tài liệu này, Bộ Tài chính Đức viết rõ, EU không có lựa chọn nào ngoài việc từ chối đề nghị này, trong khi ông Johnson ít có khả năng thay đổi quan điểm của mình./.