Sẽ nâng cấp nhiều luồng hàng hải, kêu gọi vốn đầu tư các bến cảng biển

Bộ Giao thông Vận tải tính toán tới năm 2030, tổng nhu cầu đầu tư hạ tầng hàng hải khoảng 351.500 tỷ đồng, góp phần nâng cao năng lực hàng hóa, hành khách qua các cảng biển.

Cảng biển Đà Nẵng tiếp nhận cả tàu khách và tàu hàng hóa. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Cảng biển Đà Nẵng tiếp nhận cả tàu khách và tàu hàng hóa. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bộ Giao thông Vận tải vừa trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo dự báo tại Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, sản lượng hàng hóa và hành khách thông qua cảng biển Việt Nam đều tăng so với Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cụ thể, hàng container, điều chỉnh tăng khoảng 7,3-8,3 triệu Teu. Với hàng khô, điều chỉnh tăng khoảng 145 -170 triệu tấn. Riêng với hàng trung chuyển quốc tế, bổ sung nhu cầu hàng hóa trung chuyển quốc tế thông qua bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ khoảng 3,6 triệu Teu năm 2030 và bổ sung nhu cầu hàng hóa trung chuyển quốc tế thông qua khu bến Liên Chiểu khoảng 0,5 triệu Teu năm 2030.

Các cảng biển khác có chức năng trung chuyển container quốc tế quy hoạch theo hướng mở phát triển khi có nhu cầu như Lạch Huyện, Nam Đồ Sơn (Hải Phòng), Vân Phong (Khánh Hòa), Cần Giờ (Hồ Chí Minh), Cái Mép (Bà Rịa-Vũng Tàu)... khối lượng hàng trung chuyển container quốc tế sẽ được xác định cụ thể khi quyết định chủ trương đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư tham gia dự án.

Quy hoạch cũng điều chỉnh tăng dự báo tổng lượt hành khách thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam từ 7,3-8,5 triệu lượt khách/năm. Dự báo hành khách thông qua cảng biển đến năm 2030 đạt từ 17,4-18,8 triệu lượt hành khách, tăng trưởng 14,3-15,4%/năm giai đoạn 2022-2030.

Bộ Giao thông Vận tải cũng tính toán tới năm 2030, tổng nhu cầu đầu tư hạ tầng hàng hải khoảng 351.500 tỷ đồng. Trong số đó, giai đoạn đến 2025 cần khoảng 123.689 tỷ đồng, gồm nhu cầu vốn đầu tư cho hạ tầng hàng hải công cộng khoảng 10.246 tỷ đồng và nhu cầu vốn đầu tư cho bến cảng khoảng 113.443 tỷ đồng (chỉ gồm các bến cảng kinh doanh dịch vụ xếp dỡ hàng hóa).

Giai đoạn 2026-2030, vốn đầu tư hạ tầng hàng hải cần khoảng 227.811 tỷ đồng, gồm nhu cầu vốn đầu tư cho hạ tầng hàng hải công cộng khoảng 66.616 tỷ đồng và nhu cầu vốn đầu tư cho bến cảng khoảng 161.195 tỷ đồng.

Cụ thể, hệ thống hạ tầng hàng hải sẽ ưu tiên đầu tư nâng cấp tuyến luồng hàng hải Vũng Tàu-Thị Vải phục vụ tàu đến 200.000 tấn giảm tải (18.000 Teu); Dự án luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu-giai đoạn 2 cho tàu đến 20.000 tấn giảm tải; nâng cấp luồng vào Cảng Nghi Sơn cho tàu đến 50.000 tấn, luồng Thọ Quang cho tàu đến 10.000 tấn, luồng Quy Nhơn cho tàu đến 50.000 tấn và các tuyến luồng khác…

Đối với các bến cảng biển, ưu tiên đầu tư và đưa vào khai thác các bến từ số 3-8 tại khu bến Lạch Huyện; khởi động tại khu bến Liên Chiểu, các bến cảng chính thuộc cảng biển loại 1; các bến khách quốc tế gắn với các vùng động lực phát triển du lịch; các bến cảng quy mô lớn gắn trung tâm điện lực than, khí, xăng dầu, luyện kim; các bến phục vụ khu kinh tế ven biển.

Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải sẽ kêu gọi đầu tư các bến cảng tại các cảng biển tiềm năng Vân Phong và Trần Đề; đầu tư khu bến Nam Đồ Sơn (Hải Phòng), các bến cảng tại khu vực Cái Mép Hạ và hạ lưu Cái Mép Hạ, bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (Thành phố Hồ Chí Minh) và khu bến Trần Đề (Sóc Trăng)./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục