Sẽ nổ ra cuộc chiến về năng lượng hạt nhân giữa Nga và Mỹ?

Câu hỏi đặt ra là ngành hạt nhân của Nga vượt trội so với Mỹ ở điểm nào và tại sao người Mỹ lại sợ ngành nguyên tử của Trung Quốc?
Sẽ nổ ra cuộc chiến về năng lượng hạt nhân giữa Nga và Mỹ? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/Getty Images)

Báo Quan điểm (VZGLYAD) của Nga đã đăng bài viết với tiêu đề "Mỹ tuyên bố chiến tranh năng lượng mới với Nga" của tác giả Olga Samofalova.

Bài viết phân tích chiến lược cùng những toan tính của Mỹ trong cuộc cạnh tranh kiềm chế ảnh hưởng của Moskva ở lĩnh vực năng lượng hạt nhân.

Dưới đây là nội dung bài viết.

Mỹ từng thừa nhận rằng họ đã bị tụt hậu khá xa so với Nga và thậm chí so với cả Trung Quốc trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân.

Tuy nhiên, Washington muốn bằng mọi giá phải khôi phục vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực nguyên tử.

Điều này có nghĩa là cuộc chiến năng lượng giữa Mỹ và Nga sẽ không chỉ giới hạn trong khuôn khổ dự án đường ống dẫn khí "Dòng chảy phương Bắc" (North Stream), mà câu hỏi đặt ra là ngành hạt nhân của Nga vượt trội so với Mỹ ở điểm nào và tại sao người Mỹ lại sợ ngành nguyên tử của Trung Quốc?

Mỹ đánh mất vị thế nhà lãnh đạo toàn cầu về năng lượng hạt nhân

Một báo cáo gần đây của Bộ Năng lượng Mỹ cho biết: "Mỹ đã mất đi lợi thế cạnh tranh của một nhà lãnh đạo toàn cầu về năng lượng hạt nhân trong số các tập đoàn nhà nước trên thế giới. Nga và Trung Quốc, cùng với các quốc gia khác, đang chủ động nỗ lực để vượt qua đất nước chúng ta."

Như vậy, Washington đã chính thức thừa nhận sự thất bại của mình trong ngành công nghiệp hạt nhân. Việc mất đi vai trò lãnh đạo sẽ đe dọa lợi ích quốc gia và an ninh của đất nước.

Do đó, Bộ Năng lượng Mỹ đã đề xuất một chiến lược nhằm khôi phục vai trò lãnh đạo của Mỹ trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân.

Chiến lược này bao gồm một số biện pháp nhằm khắc phục tình trạng tụt hậu này.

Nga và Trung Quốc được Mỹ coi là các quốc gia cần phải lưu tâm, bởi vì Nga trong lĩnh vực hạt nhân từ lâu đã vượt qua Mỹ nếu xét trên một số mục tiêu, trong khi Trung Quốc chỉ trong "chớp mắt" cũng có thể có bước nhảy về phía trước khiến Mỹ không thể bắt kịp.

Trên thực tế, không phải đến ngày hôm nay Mỹ mới tụt hậu so với Nga trong lĩnh vực hạt nhân.

Hai năm rưỡi trước, hai công ty chuyên sản xuất uranium của Mỹ là Energy Fuels và Ur-Energy đã bắt đầu gióng lên hồi chuông cảnh báo.

Tỷ lệ uranium của Mỹ ngay tại thị trường trong nước đã giảm từ 49% xuống còn 5%.

Theo đó, hai công ty này đã yêu cầu Tổng thống Donald Trump đặt ra hạn ngạch 25% cho uranium có nguồn gốc từ Mỹ, trong khi áp đặt thuế (đặc biệt) đối với uranium từ nước ngoài.

Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ đã từ chối áp đặt các hạn chế mà thay vào đó thành lập một nhóm làm việc về nhiên liệu hạt nhân.

Nhóm này được giao nhiệm vụ chuẩn bị một báo cáo chiến lược về vai trò lãnh đạo của Mỹ trong ngành công nghiệp hạt nhân.

Và báo cáo của Bộ Năng lượng Mỹ công bố trước đó chính là kết quả của nhóm làm việc này.

Trước đây, Tổng thống Donald Trump cũng đã được đệ trình một báo cáo (về vấn đề trên) vào năm 2019, nhưng ông đã gửi trả lại với yêu cầu sửa đổi, bổ sung.

Báo Quan điểm dẫn lời Giám đốc Trung tâm Atominfo-Center, Tổng biên tập cổng thông tin Atominfo, ông Alexander Uvarov, cho biết: "Mỹ không chỉ là một nhà lãnh đạo thế giới, mà họ còn là nhà sáng lập ngành năng lượng hạt nhân. Cho đến nay, họ có nhiều lò phản ứng điện hạt nhân nhất (96 lò phản ứng trên tổng số 442 lò trên thế giới). Tuy nhiên, từ giữa những năm 90, họ thực tế đã ngừng xây dựng các nhà máy điện hạt nhân. Từ năm 1996 đến thời điểm hiện nay, chỉ có một tổ hợp năng lượng hạt nhân được xây dựng, nhưng cũng không phải xây từ đầu, mà thực ra là được nâng cấp."

Điều này cho thấy rằng trên thực tế, Mỹ từ lâu đã mất đi năng lực vốn có của mình.

Điều duy nhất Mỹ có thể làm là sản xuất nhiên liệu hạt nhân. Tuy nhiên, họ có vấn đề nghiêm trọng với việc tự sản xuất uranium và quan trọng hơn là với việc làm giàu uranium cũng như tự mình xây dựng các nhà máy hạt nhân mới.

"Cho đến nay, Mỹ không có công nghệ mang tính thương mại để làm giàu uranium. Các nhà máy cũ đã bị đóng cửa, trong khi những nhà máy mới không được xây dựng," ông Alexander Uvarov nói.

Theo thống kê chính thức, kết quả của năm 2018 (dữ liệu của năm 2019 sẽ chỉ được công bố vào tháng 5 năm nay) cho thấy các công ty nước ngoài đang tham gia làm giàu 52% uranium cho Mỹ, 48% còn lại là do một công ty của Mỹ thực hiện. Tuy nhiên, theo ông Alexander Uvarov, đây chỉ là "một thủ thuật thống kê khôn ngoan!"

Bởi công ty Mỹ này thực ra chỉ là vỏ bề ngoài của một nhà máy châu Âu (thuộc Tập đoàn URENCO) được xây dựng trên lãnh thổ Mỹ.

Tất nhiên, nhà máy này hoạt động dưới thương hiệu "URENCO-USA" và theo thống kê, đây có thể được tính như một nhà máy của Mỹ. Nhưng trên thực tế, người Mỹ không có quyền tiếp cận với các công nghệ được lắp đặt tại nhà máy này của châu Âu.

Đã có thời điểm, Tập đoàn Năng lượng nguyên tử quốc gia Liên bang Nga (Rosatom) cũng muốn xây dựng một nhà máy làm giàu (uranium) ở Mỹ. Nếu phương án này được thông qua, theo ông Alexander Uvarov, có lẽ nhà máy đó cũng sẽ được thống kê là nhà máy của Mỹ.

Phụ thuộc vào công nghệ Nga và Trung Quốc

Cần phải hiểu rằng để sản xuất nhiên liệu hạt nhân, chỉ khai thác thôi là chưa đủ và trong trường hợp của Mỹ thì sẽ phải mua uranium. Khai thác uranium tại Mỹ đã giảm mạnh xuống chỉ còn 5% đến 10%.

Quá trình tiếp theo là làm giàu uranium, và công đoạn này tốn kém và phức tạp hơn về mặt công nghệ. Một công ty làm giàu uranium phải có công nghệ và thiết bị tinh vi. Và Nga, không giống như Mỹ, lại có được những công nghệ này.

Hơn nữa, Mỹ đã bắt đầu sử dụng các dịch vụ của Nga để làm giàu uranium gần như ngay lập tức sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Bởi vì công nghệ Nga được cho là tốt hơn và kinh tế hơn công nghệ Mỹ.

Hàng năm, khối lượng xuất khẩu uranium từ Liên bang Nga sang Mỹ liên tục tăng. Trên thực tế, việc Nga xuất khẩu các dịch vụ công nghệ cao này vừa mang lại lợi nhuận cao, lại vừa có uy tín cao.

Trong quá trình sản xuất, uranium sau khi đã làm giàu sẽ được chuyển sang trạng thái phù hợp để có thể chế thành các dạng viên và đưa vào xử lý thành nhiên liệu hạt nhân.

Điều đó có nghĩa là công ty Westinghouse của Mỹ, nơi sản xuất nhiên liệu hạt nhân, lại đang phụ thuộc vào việc xuất khẩu các dịch vụ làm giàu uranium, trong đó có các dịch vụ do phía Nga cung cấp (Công ty Techsnabexport), mặc dù Westinghouse đang cố gắng thay thế nhiên liệu của Nga.

Theo báo cáo năm ngoái (của Bộ Năng lượng Mỹ), hiện nước này gần như hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn cung uranium từ nước ngoài, với phần lớn trong số đó đến từ các công ty con của Rosatom.

Trong khi đó, Mỹ không chỉ đánh mất khả năng tự khai thác/sản xuất uranium và năng lực làm giàu uranium trên quy mô thương mại, mà còn tụt hậu so với Nga trong việc xây dựng các lò phản ứng, đặc biệt là các lò phản ứng nhanh.

"Những kiểu lò như BN-800 (đã được xây dựng xong) hoặc lò BREST-300 và MBIR (đang ở các giai đoạn xây dựng khác nhau) đều do các công ty Nga đảm nhiệm, trong khi Trung Quốc đã xây dựng lò CDFR-600. Cả Ấn Độ cũng tham gia xây dựng các lò phản ứng, nhưng Mỹ về cơ bản lại hoàn toàn không xây dựng," ông Alexander Uvarov cho biết thêm.

Mỹ không có công nghệ thương mại để xây dựng lò phản ứng hạt nhân, họ đã không làm điều này trong một thời gian dài. Đồng thời, các nhà máy điện hạt nhân của họ đang gần kết thúc thời gian sử dụng.

Và điều này có nghĩa là các nhà máy điện này sẽ cần phải được hiện đại hóa và nâng cấp các lò phản ứng, điều sẽ khiến thị trường Mỹ trở thành "miếng mồi ngon" cho các công ty hàng đầu của Nga và châu Âu, thậm chí cả Trung Quốc, nước cũng đang gia tăng sức mạnh trên thị trường này.

Một tờ báo ngành của Rosatom dẫn lời ông Alexei Likhachev, người đứng đầu tập đoàn nhà nước Nga cho biết Moskva đang tích cực xây dựng các nhà máy điện hạt nhân của mình ở các khu vực khác nhau trên thế giới. Danh mục đơn đặt hàng của nước ngoài trong thời gian 10 năm tới đã lên đến 140 tỷ USD.

Ưu điểm chính của Rosatom trên thị trường thế giới là sẵn sàng thực hiện các dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân theo phương thức "chìa khóa trao tay," bắt đầu từ việc xây dựng, tài trợ tín dụng, cung cấp nhiên liệu, đào tạo chuyên gia địa phương, dịch vụ sửa chữa và kết thúc với việc xử lý nhiên liệu hạt nhân cho toàn bộ thời gian hoạt động của lò phản ứng (40-60 năm).

Liên quan đến yêu sách của Mỹ đối với Trung Quốc trong lĩnh vực hạt nhân, giờ đây người Mỹ rõ ràng đang hành động một cách quyết liệt.

Mặc dù Huawei vẫn chưa thể được gọi là Apple, nhưng người Mỹ vẫn lo sợ sự vượt trội về công nghệ của Trung Quốc, nước mà Mỹ không có ý định chấp nhận thua kém (bởi Trung Quốc không phải là Nhật Bản).

Giám đốc Trung tâm "Atominfo-Center," Alexander Uvarov cho biết: "Trước hết, đây là xu hướng chung của cuộc đấu giữa Mỹ với Trung Quốc, không chỉ trong lĩnh vực nguyên tử. Thứ hai, nguyên tử vì mục đích hòa bình ở Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng và theo nhiều hướng khác nhau. Trung Quốc sẽ sớm trở thành đối thủ nguy hiểm (của Mỹ). Trên thực tế, Mỹ hiện đã tụt hậu so với Trung Quốc về khả năng của ngành công nghiệp nguyên tử cũng như khả năng xây dựng nhà máy điện nguyên tử. Trung Quốc đã xây dựng 48 tổ máy, trong đó 45 tổ máy được xây dựng trong thế kỷ này, chính xác là trong 20 năm qua. Và họ không định dừng lại ở đó."

Đối với Nga, người Mỹ từ lâu đã tìm cách kiềm chế các nhà sản xuất nguyên tử của Nga trong "chiếc găng tay đen", ngăn họ chiếm lĩnh hoàn toàn thị trường Mỹ.

Thứ nhất, Rosatom, khác với tập đoàn URENCO của châu Âu, không được phép xây dựng nhà máy làm giàu uranium của riêng mình tại Mỹ.

Thứ hai, Nga từ lâu đã bị hạn chế về khả năng cung cấp uranium đã làm giàu cho Mỹ với hạn ngạch tối đa là 20% nhu cầu của thị trường Mỹ.

Đó là lý do tại sao tập đoàn URENCO của châu Âu đang thực hiện việc làm giàu gần một nửa nhu cầu của người Mỹ (thông qua nhà máy của họ ở Mỹ), trong khi thị phần của Nga chỉ được 20%. Và bây giờ Bộ Năng lượng Mỹ đang yêu cầu cắt giảm hạn ngạch này từ năm 2021, như báo cáo của Bộ này nêu ra.

Điều thú vị nhất là người Mỹ đã đưa ra những hạn chế như vậy từ lâu trước lệnh trừng phạt kinh tế năm 2014 (khi xảy ra cuộc khủng hoảng Ukraine - ND), trong khi chính Mỹ lại theo đuổi chiến lược toàn cầu hóa và tự do hóa thị trường trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Ngay từ đầu những năm 90, người Mỹ đã tiến hành cuộc điều tra cái gọi là chống bán phá giá, và kết quả là Nga chỉ được phép cung cấp lượng uranium làm giàu theo đúng Thỏa thuận liên chính phủ giữa Liên bang Nga và Mỹ (ký kết tại Washington vào ngày 18 tháng 2 năm 1993) về việc tái chế uranium, còn được gọi là "Thỏa thuận uranium làm giàu cao - uranium làm giàu thấp."

Các khối lượng còn lại muốn xuất khẩu sẽ phải chịu thêm hàng rào thuế.

Theo thỏa thuận, Nga đã tái chế uranium làm giàu cấp độ vũ khí thành uranium làm giàu cấp độ thấp và đây chính là nhiên liệu cho các nhà máy điện hạt nhân của Mỹ.

Khi uranium cấp độ vũ khí không còn, Mỹ lại tiến hành một cuộc điều tra chống bán phá giá nhằm vào Nga và áp đặt hạn ngạch 20% đối với việc cung cấp uranium làm giàu từ Nga. Hiệu lực của các hạn ngạch này sẽ kết thúc trong năm 2020.

Ông Alexander Uvarov lưu ý rằng kể từ năm 2021, Nga (về lý thuyết) có thể tăng nguồn cung uranium đã làm giàu cho Mỹ. Nhưng liệu người ta có cho phép Nga làm điều đó hay không, bởi họ đã không cho Nga một cơ hội như vậy kể từ những năm 90 đến nay.

Sẽ nổ ra cuộc chiến về năng lượng hạt nhân giữa Nga và Mỹ? ảnh 2(Nguồn: AFP)

Bộ Năng lượng Mỹ trong báo cáo của mình đã kêu gọi gia hạn hợp đồng với Nga, nhưng lại yêu cầu giảm hạn ngạch của Nga.

Liên quan đến yêu cầu của Bộ Năng lượng Mỹ nhằm cấm cung cấp nhiên liệu hạt nhân từ Nga (và đồng thời từ Trung Quốc), ở đây đề cập đến nhiên liệu thành phẩm, thì đề xuất này có vẻ không thực tế. Bởi vì cả Nga và Trung Quốc đều không cung cấp nhiên liệu hạt nhân thành phẩm cho Mỹ.

Một điểm nữa là Bộ Năng lượng Mỹ lo ngại rằng Rosatom sẽ sớm hoàn thành dự án phát triển các tổ máy nhiên liệu cho các lò phản ứng theo thiết kế của phương Tây, vốn dự kiến sẽ được sử dụng cho các nhà máy điện hạt nhân của Mỹ. Ở đây đang nói về một dự án (sản xuất nhiên liệu hạt nhân của Rosatom) có tên là "TVS-KVADRAT."

Ông Uvarov giải thích rằng đây là dự án nhằm đối phó với các hành động của công ty Westinghouse tại Ukraine (cho phép Ukraine sử dụng công nghệ sản xuất nhiên liệu hạt nhân cho các lò phản ứng-ND). Tạm thời dự án này của Rosatom chưa được thực hiện trên quy mô công nghiệp.

Song, đây chính là điều mà báo cáo của Bộ Năng lượng Mỹ nhắc đến khi họ nói về lệnh cấm "dự kiến" đối với việc nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân được sản xuất tại Nga và sau đó sẽ là Trung Quốc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục