Sáng 30/9, tại buổi công bố kết quả nghiên cứu ngành vui chơi có thưởng tại Việt Nam, giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, đây được coi là dự án nghiên cứu hoàn chỉnh và đầy đủ nhất từ trước đến nay về ngành "công nghiệp không khói" này ở Việt Nam, nhằm cung cấp cơ sở khoa học cho Chính phủ và các cơ quan hữu quan xem xét các chính sách phù hợp.
Dự án do Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững vùng phối hợp với các chuyên gia và nghiên cứu viên từ các viện nghiên cứu hàng đầu trong nước thực hiện từ tháng 4/2015.
Bức tranh toàn cảnh
Ở Việt Nam, ngành vui chơi có thưởng nói chung và sòng bài nói riêng được quản lý khá chặt chẽ, được chia thành hai khu vực lớn gồm các hình thức vui chơi có thưởng hợp pháp, được nhà nước cho phép và bảo trợ và các hình thức bất hợp pháp.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, kinh doanh vui chơi có thưởng hợp pháp đóng góp khá lớn cho ngân sách. Chỉ riêng hoạt động kinh doanh xổ số năm 2014 đạt doanh thu 64.000 tỷ đồng, nộp ngân sách gần 20.000 tỷ đồng. Doanh thu của sòng bài đạt hơn 1.300 tỷ đồng, nộp ngân sách 336 tỷ đồng.
Với khu vực bất hợp pháp, theo báo cáo của Bộ Công an, hiện có hơn 200 chủ đề lớn tập trung tại 18 tỉnh, thành phố trọng điểm với số tiền thu được khoảng 500 triệu đến hàng tỷ đồng một ngày đêm.
Chỉ tính riêng năm 2014, số người bị bắt giữ là 345 người với tổng số tiền thu được là gần 3 tỷ đồng và 6.700 USD. Trung bình có khoảng 200 lượt người xuất cảnh sang Campuchia để chơi sòng bài, các ngày thứ Bảy hoặc Chủ nhật lên tới 700-800 lượt người.
Doanh thu ngành sòng bài của Campuchia khoảng 250 triệu USD/năm và đa số người chơi là người Việt Nam.
Theo tiến sỹ Nguyễn Đình Chúc, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững vùng, kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng ngành công nghiệp vui chơi có thưởng và sòng bài hợp pháp có thể mang lại những lợi ích đáng kể về kinh tế như tăng thu ngân sách, tạo công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động tại địa phương, thu hút vốn đầu tư và du lịch, thay thế nhập khẩu dịch vụ, tăng cường trao đổi thương mại và giảm "chảy máu" ngoại tệ ra nước ngoài.
Theo phân tích của nhóm nghiên cứu, nếu đầu tư nước ngoài vào ngành sòng bài tăng thêm khoảng 3 tỷ USD so với hiện tại thì GDP sẽ tăng khoảng 0,58%.
Kết quả nghiên cứu xã hội học cũng chỉ ra những thay đổi trong quan niệm của người dân về ngành vui chơi có thưởng và sòng bài theo hướng thông thoáng, cởi mở hơn.
Có đến 92% số người được hỏi đã từng nghe đến sòng bài, dù chỉ có gần 13% đã từng vào sòng bài; 71% số người được hỏi cho rằng nếu các sòng bài mở cửa cho người dân sẽ thu hút được nhiều người đến chơi; 64,7% ý kiến cho rằng vui chơi có thưởng làm tăng ngân sách nhà nước; 52,6% cho rằng có ảnh hưởng tích cực đến việc hạn chế người Việt Nam ra nước ngoài đánh bạc; 46-47% đánh giá việc tham gia các hình thức vui chơi có thưởng ảnh hưởng tích cực đến tạo việc làm và thu hút đầu tư...
Nghiên cứu cũng đồng thời chỉ ra những tác động tiêu cực là khả năng giảm năng suất lao động, tăng tội phạm có tổ chức và các vấn đề về gia đình, nợ nần, phá sản. Tuy vậy, các ảnh hưởng xã hội này không phải lúc nào cũng được khẳng định và kinh nghiệm quốc tế đã chỉ ra những biện pháp kiểm soát thành công.
Cần thiết xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý và cơ chế quản lý
Tiến sỹ Nguyễn Đình Chúc nhấn mạnh, điểm mới rút ra từ nghiên cứu ở các nước là việc đổi mới tư duy của Nhà nước, thay vì ôm đồm quản lý thì buộc các cá nhân tự chịu trách nhiệm với các hành vi của mình trong giới hạn pháp luật cho phép.
Công tác quản lý ngành vui chơi có thưởng nói chung và ngành sòng bài nói riêng cần được dựa trên khung pháp lý hoàn thiện, bao gồm cả quản lý những hình thức kinh doanh trò chơi có thưởng trực tuyến.
Khả thi cho khung pháp lý cần thí điểm cho phép công dân Việt Nam tham gia một số hình thức vui chơi có thưởng và sòng bài trong các khu nghỉ dưỡng phức hợp, có quy mô lớn tại những địa điểm xa các khu đô thị đông dân cư.
Việc thí điểm nên được áp dụng với các sòng bài đang hoạt động trong khu phức hợp giải trí quy mô lớn, ở những địa điểm tách biệt nhưng không quá xa hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh và có tiềm năng du lịch như Bà Rịa-Vũng Tàu và Phú Quốc.
Các cơ sở kinh doanh này cần có sẵn hệ thống an ninh và quản lý người chơi chặt chẽ, có chương trình đào tạo nhân viên và có kế hoạch phối hợp cùng với chính quyền địa phương trong hoạt động giáo dục và tuyên truyền, nhằm ngăn chặn những ảnh hưởng tiêu cực.
Các quy định đề xuất áp dụng là thu phí vào cửa theo lần chơi hoặc theo năm, công dân phải từ 21 tuổi trở lên, chi tiêu tại sòng bài trong khả năng tài chính. Người thân của người chơi, người phụ thuộc vào người chơi, chủ nợ của người chơi có thể yêu cầu tòa án đưa ra lệnh cấm người chơi vào chơi tại các sòng bài.
Kinh nghiệm của các nước cho thấy việc thành lập cơ quan chuyên trách nhằm quản lý các hoạt động vui chơi có thưởng và sòng bài là cần thiết, là yếu tố quan trọng trong quản lý và phát triển đúng hướng ngành này.
Ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội cho rằng, đây là vấn đề được quan tâm nhiều, trong điều kiện Việt Nam đang cân nhắc có thể mở cửa sòng bài cho người dân hay không.
Hoa Kỳ đại diện cho Trung tâm sòng bài lớn nhất thế giới với hơn 1.000 sòng bài hợp pháp. Quốc gia này cũng là nơi có những quy định phù hợp nhất cho ngành kinh doanh sòng bài, được xây dựng nhằm cân bằng các lợi ích kinh tế, từ việc phát triển du lịch đi kèm với các lợi ích khác, cũng như các tác động tiêu cực.
Cách tốt nhất để kiểm soát các vấn đề đi kèm với ngành kinh doanh sòng bài là hợp pháp hóa nó và quản lý chặt chẽ, để đảm bảo đây chỉ là hình thức giải trí chứ không phải là nguồn gốc của các vấn đề xã hội.
Nhóm nghiên cứu đã có quan niệm đúng đắn khi phân tích những lợi ích có thể đạt được khi cởi mở luật pháp đối với ngành kinh doanh sòng bài, cân nhắc những tác động xã hội và những việc cần làm để bảo vệ xã hội và những giá trị dễ bị tổn thương khi khuôn khổ pháp lý thay đổi.
Việc cho phép công dân Việt Nam tham gia chơi bài hợp pháp trong điều kiện pháp lý chặt chẽ, sẽ là một bước tiến gần hơn nữa trong quá trình hội nhập của Việt Nam với nền kinh tế toàn cầu./.