Séc muốn lùi thời hạn phương tiện công cộng không phát thải tới 2035

Chính phủ Séc muốn lùi thời hạn đề xuất của Ủy ban EC về việc tất cả xe buýt mới ở các thành phố trong Liên minh châu Âu (EU) sẽ không có khí thải vào năm 2030 tới năm 2035.
Séc muốn lùi thời hạn phương tiện công cộng không phát thải tới 2035 ảnh 1Ảnh minh họa (Nguồn: AFP)

Theo phóng viên TTXVN tại Praha, ngày 16/10, Bộ trưởng Giao thông Vận tải CH Séc Martin Kupka cho biết theo đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC), tất cả xe buýt mới ở các thành phố trong Liên minh châu Âu (EU) sẽ không có khí thải vào năm 2030, tuy nhiên Chính phủ Séc không nhất trí và muốn lùi thời hạn này tới năm 2035.

Theo Bộ trưởng Kupka, dự thảo mới nhất của EC liên quan đến khí thải của các phương tiện vận tải hạng nặng là "quá tham vọng" đối với Séc và có thể đe dọa đáng kể đến khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp châu Âu, cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng của các hãng vận tải của Séc.

Ông cũng cho rằng việc kéo dài thời hạn đề xuất thêm 5 năm sẽ mang lại không gian cho cả nhà sản xuất, khu vực, các thành phố cũng như các hãng vận tải để đảm bảo các khoản đầu tư cần thiết.

[EU quy định nghiêm ngặt đối với xe chạy bằng nhiên liệu điện tử]

Bộ trưởng Giao thông Vận tải Séc cũng nhấn mạnh rằng quốc gia Trung Âu này hiện mới chỉ có một số ít xe buýt công cộng không phát thải và các thành phố ở nước này đang tìm cách tăng dần số lượng phương tiện giao thông không phát thải, nhưng cần có thêm thời gian để chuẩn bị cho mục tiêu đó.

Đề xuất do EC đưa ra hồi tháng 2/2023 về xe buýt công cộng không phát thải từ năm 2030 là một phần của Thỏa thuận Xanh châu Âu. Theo EC, các phương tiện vận tải hạng nặng gây ra hơn 1/4 lượng phát thải khí nhà kính trong vận tải đường bộ ở EU và hơn 6% tổng lượng phát thải khí nhà kính của toàn EU.

Do đó, là một phần trong chiến lược xanh, ngoài ôtô chở khách, EU còn mong muốn các phương tiện vận tải hạng nặng, trong đó có xe buýt công cộng tại các thành phố, cũng cần hoạt động "sạch" hơn.

Để đi vào hiệu lực, đề xuất này cần được toàn bộ các quốc gia thành viên EU và Nghị viện châu Âu (EP) thông qua./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục