Sếp công ty bị ngừng hợp đồng mà không hay biết

Một lần lĩnh lương tại cơ quan, Phó Giám đốc Nguyễn Minh Đạo ngã ngửa vì biết rằng mình đã bị... chấm dứt hợp đồng tự bao giờ.
Gần 3 năm chờ đợi mặc dù đã có trong tay quyết định của cả thanh tra Sở và Bộ, nhưng cho tới nay, ông Trần Minh Đạo vẫn loay hoay đi tìm lại quyền lợi hợp pháp của mình.

Bản chất của vấn đề là tranh chấp tiền lương giữa Phó Giám đốc Nguyễn Minh Đạo và Công ty Cổ phần Du lịch Mỹ Kinh (Hà Nội). Sự việc trở nên phức tạp hơn nhiều khi các quyết định của thanh tra để hai bên tự thỏa thuận mà không đưa ra cách giải quyết đi đến tận gốc vấn đề.

Quyết định không rõ ràng

Sau nhiều lần làm việc với các bên, ngày 23/1/2009, Thanh tra Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nội đã có Quyết định số 24-QĐ-Ttr về việc giải quyết khiếu nại của ông Trần Minh Đạo do Chánh thanh tra Sở Pham Văn Tuấn ký.

Quyết định có nêu: “Ông Trần Minh Đạo khiếu nại công ty không thực hiện thanh toán tiền lương từ 10/2007, không tham gia đóng Bảo hiểm xã hội cho ông từ tháng 1/2008 đến nay có phần đúng. Công ty và ông Đạo có trách nhiệm thỏa thuận về việc làm theo nội dung đã ghi trong quyết định 06/QĐ-MK ngày 18/7 của công ty. Từ ngày 1/8/2008 việc trả lương và tham gia Bảo hiểm xã hội cho ông Đạo thực hiện theo kết quả thỏa thuận giữa các bên.”

Sự việc xảy ra vào cuối năm 2007, khi một lần lĩnh lương tại cơ quan, ông Đạo mới ngã ngửa vì biết rằng mình đã bị chấm dứt hợp đồng lao động trong Quyết định 124 (không ghi rõ ngày, tháng, năm) do Giám đốc Nguyễn Đình Tích ký mà không nhận được bất cứ văn bản nào thông báo quyết định kể trên.

Sau này, để tìm quyết định chấm dứt hợp đồng lao động của mình, ông Đạo đã phải xin Liên đoàn Lao động quận Hoàn Kiếm [kèm theo xác nhận cung cấp tài liệu của Liên đoàn lao động quận - PV]

Sang năm 2008, Mỹ Kinh có thay đổi nhân sự lãnh đạo, bà Lâm Ngọc Ly làm giám đốc nhưng vẫn không có tên ông Đạo là phó giám đốc.

Sau nhiều lần kiến nghị, khiếu nại, Mỹ Kinh đã có Quyết định 06 hủy Quyết định 124 được phía Mỹ Kinh cho là “chưa phù hợp với quy định của pháp luật.”

Quyết định 06 nêu rõ: Trong thời gian 5 ngày kể từ ngày nhận được quyết định này, yêu ông Trần Minh Đạo có mặt tại công ty để thỏa thuận làm việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động theo các quy định hiện hành.

Trao đổi với phóng viên, ông Đạo cho rằng: “Mỹ Kinh cố tình hất tôi ra khỏi công ty. Tôi là Phó Giám đốc hợp pháp. Khi hủy bỏ quyết định cũ thì đương nhiên phải khôi phục hoàn toàn quyền lợi của tôi với công ty trước kia chứ không thỏa thuận làm việc.”

Trở lại với quyết định của Thanh tra Sở, trong quyết định không nêu rõ trường hợp các bên không thỏa thuận được với nhau sẽ xử lý theo hướng nào.

Không đồng tình với quyết định của Thanh tra Sở, ông Đạo đã làm đơn khiếu nại lên Thanh tra cấp Bộ.

Ngày19/3/2009 Thanh tra Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ra Quyết định 24/QĐ-TTr về việc giải quyết khiếu nại lao động. Quyết định của Thanh tra Bộ nêu rõ, giữ nguyên kết luận tại Quyết định của Thanh tra Sở.

Có thể dễ dàng nhận thấy, Thanh tra Sở và Bộ có cùng hướng giải quyết giống nhau trong sự việc này. Nghĩa là, kể từ ngày 1/8/2008, việc giải quyết tranh chấp do hai bên tự thỏa thuận trong khi thực tế phía ông Đạo-người lao động, đã không thể tìm được tiếng nói chung với phía lãnh đạo Công ty Mỹ Kinh, ở đây là bà Ly.

Quyết định này đã khiến ông Đạo vô cùng bất bình và thất vọng, bởi ngay cả thanh tra bộ cũng không thể đưa ra một kết luận cụ thể bên nào đúng-sai. Và hậu quả là sự việc kéo dài đã gần 3 năm vẫn không có hồi kết.

Quyền lợi hợp pháp bị “phớt lờ”

Trao đổi với Vietnam+ về việc khiếu nại công ty của ông Đạo, bà Lâm Ngọc Ly, Giám đốc Mỹ Kinh khẳng định, ông Đạo hiện tại vẫn là lao động hợp pháp của công ty. Tuy nhiên, thay đổi nhân sự ban giám đốc từ công ty sở hữu vốn nhà nước chuyển đổi thành doanh nghiệp cổ phần thì trong danh sách nhân viên không có tên ông Đạo.

Vì thế, bà Ly đưa ra hướng giải quyết hai bên sẽ chấm dứt hợp đồng lao động. Bên cạnh đó, những tháng lương, chế độ, bảo hiểm xã hội mà ông Đạo chưa được nhận từ trước 1/8/2008 sẽ được thanh toán đầy đủ. Còn từ sau 1/8/2008 tới nay sẽ do hai bên tự thỏa thuận.

Trường hợp hai bên tự thỏa thuận không thành, phía công ty và Thanh tra Sở cũng chưa đưa ra giải pháp cụ thể.

Ông Nguyễn Đức Khoa, Thanh tra viên Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nội, người trực tiếp thụ lý vụ việc cho rằng Sở vẫn yêu cầu tiếp tục thỏa thuận. Ông Khoa nhấn mạnh sỡ dĩ vụ việc kéo dài thời gian lâu quá mức là do 2 bên không hợp tác được với nhau.

Về phần truy lĩnh từ ngày 1/8/2008 tới nay, ông Khoa cho rằng không thể trả lời được rõ ràng do có rất nhiều yếu tố liên quan như yêu cầu việc làm của lao động và nhu cầu tuyển dụng của công ty và các thỏa thuận bất đồng về cách tính tiền bồi thường, hỗ trợ của 2 bên.

Nhận xét về hướng giải quyết vấn đề của thanh tra các cấp, luật sư Trần Minh Cường, Văn phòng Luật sư miền Bắc cho hay, khi Thanh tra Sở là cơ quan quản lý nhà nước vào cuộc thì có trách nhiệm phát hiện lỗi vi phạm và phải có chính kiến rõ ràng về quyền lợi hợp pháp của các bên có liên quan.

“Trường hợp này khi 2 bên không tự thỏa thuận được nhưng Thanh tra cũng không đưa ra hướng giải quyết cụ thể là thể hiện việc thiếu trách nhiệm. Hai bên không thỏa thuận được với nhau thì phía Thanh tra phải đưa ra chế tài xử lý hành chính với bên sai và có cam kết theo dõi vụ việc tới cùng,” ông Cường nói.

“Thực tế, trên Luật Lao động cũng như các Nghị định ban hành đều đã quy định rất rõ từng trường hợp cụ thể để giải quyết các vấn đề tranh chấp lao động. Đó là hành lang pháp lý chặt chẽ để cơ quan Thanh tra có thể giải quyết được tận gốc vấn đề. Tuy nhiên để sự việc kéo dài quá lâu gây bức xúc cho cá nhân lao động và ảnh hưởng tới niềm tin của lao động vào cơ quan nhà nước là trách nhiệm thuộc về phía thanh tra,” ông Cường đưa ra nhận định.

Trong Điều 3 của Quyết định Thanh tra Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nêu rõ ngoài việc hai bên tự thỏa thuận việc trả lương và bảo hiểm xã hội từ 1/8/2008 thì Quyết định này là Quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng.

Theo luật sư Cường, sự việc nêu trên có thể giải quyết bằng 2 con đường là khiếu nại hành chính và tố tụng qua tòa án. Theo luật, người bị vi phạm quyền lợi chỉ có thể chọn một trong 2 hướng giải quyết nêu trên.

“Vậy nên, một tranh chấp kéo dài tới 3 năm, và càng kéo dài thời gian thì sự việc giải quyết càng khó hơn. Khi đó, quyền lợi hợp pháp của lao động có thể bị các cấp thanh tra lãng quên,” ông Cường nhấn mạnh./.

QĐ 124 không ghi rõ thời gian của Công ty Mỹ Kinh buộc thôi việc bất hợp pháp lao động đối với ông Đạo.

Ngày18/7/2008 QĐ 06/QĐ-MK, Công ty Mỹ Kinh hủy bỏ quyết định 124.


Ngày 23/1/2009, QĐ số 24/QĐ-TTr của Chánh Thanh tra Sở quyết định xảy ra tranh chấp 2 bên tự thỏa thuận.


Ngày 19/3/2009, QDD24/QĐ-TTr Thanh Tra Bộ tương tự với QĐ của Thanh tra Sở và khẳng định đây là Quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng.


Ngày 30/12/2009, QĐ 08/QĐ-MK, Công ty Mỹ Kinh lại tiếp tục đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với ông Đạo.


Sự việc kéo dài tới nay vẫn chưa có kết quả cuối cùng.

Yên Viên (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục