"Siêu Mặt Trăng" thứ ba của mùa Hè xuất hiện đêm Trung Thu

Đêm nay (8/9), Trăng rằm Trung Thu sẽ tỏa sáng trên bầu trời đêm và mang theo một điều thú vị. Theo NASA, Trăng tròn tháng 9 năm nay sẽ là "siêu Mặt Trăng" thứ ba trong mùa Hè ở bán cầu Bắc.
"Siêu Mặt Trăng" thứ ba của mùa Hè xuất hiện đêm Trung Thu ảnh 1Trăng mùa thu hoạch. (Nguồn: yahoo.com)

Đêm nay (8/9), Trăng rằm Trung Thu sẽ tỏa sáng trên bầu trời đêm và mang theo một điều thú vị. Theo NASA, Trăng tròn tháng 9 năm nay sẽ là "siêu Mặt Trăng" thứ ba trong mùa Hè ở bán cầu Bắc.

Mặt Trăng sẽ to và sáng nhất khi nó xuất hiện trên bầu trời ở vị trí đối diện với Mặt Trời vào lúc 1h38' giờ GMT. Trăng Trung Thu xuất hiện gần nhất với thu phân trong tháng 9, do đó còn có tên gọi là Trăng mùa thu hoạch.

Mặc dù trăng rằm Trung Thu thường được gắn với mùa Thu, nhưng thực tế đây lại là lần Trăng tròn cuối cùng của mùa Hè. Trăng mùa thu hoạch có thể mọc sớm như năm nay, nhưng cũng có thể tới tận tháng 10 mới mọc.

Tính trung bình, Trăng mùa thu hoạch mọc tháng 10 chỉ diễn ra khoảng 4 năm/lần. Lần gần đây nhất là năm 2009, nhưng lần kế tiếp sẽ phải tới tận năm 2017. Sau năm 2017, chúng ta lại chỉ cần 3 năm nữa để lại thấy trăng mùa thu hoạch mọc vào tháng 10.

Mặt Trăng sẽ xuất hiện đêm nay cũng là "siêu Mặt Trăng" thứ ba trong mùa hè này. Hai lần siêu Mặt Trăng xuất hiện trước đó là vào tháng 7 và tháng 8, khi Mặt Trăng có quỹ đạo gần Trái Đất nhất, và lần này cũng vậy.

Nhiều người cho rằng Trăng mùa thu hoạch sẽ ở lại trên bầu trời lâu hơn bất cứ lần trăng tròn khác nào trong năm, nhưng đây chỉ là một truyền thuyết. Thực tế, mỗi ngày Mặt Trăng mất khoảng 50 phút để đạt được độ cao giống như hôm trước, nhưng Trăng mùa thu hoạch lại cần ít thời gian hơn do nó di chuyển với quỹ đạo rất gần Trái Đất, do đó người nông dân có thêm thời gian có ánh sáng để gặt hái.

Sự chênh lệch thời gian Trăng mọc mỗi ngày là do Mặt Trăng di chuyển song song với một phần của đường hoàng đạo (đường di chuyển của Mặt Trời trên bầu trời) và tạo ra góc rất nhỏ với chân trời phía đông khi nhìn từ các vĩ độ Bắc.

Càng về phía Bắc, hiệu ứng Trăng mùa thu hoạch càng lớn. Ngược lại, với những người sống ở bán cầu Nam, đường hoàng đạo xuất hiện gần như vuông góc với chân trời phía đông, do đó độ trễ của thời gian trăng lên mỗi ngày là nhiều hơn 50 phút.

Ở Sydney (Australia), sự khác biệt này lên tới 70 phút. Tuy nhiên những người sống ở gần vòng Bắc Cực lại thấy Trăng mùa thu hoạch mọc vào cùng thời điểm mỗi ngày, và càng sống xa về phía Bắc người ta lại càng thấy trăng mọc sớm hơn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục