Singapore có thể là trung tâm khí hóa lỏng khu vực

Singapore có thể trở thành trung tâm khí hóa lỏng thiên nhiên (LNG) chính của khu vực vì nước này sắp vận hành cảng LNG đầu tiên.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nhận định rằng so với các nước khác ở châu Á, Singapore có nhiều tiềm năng nhất để trở thành trung tâm khí hóa lỏng thiên nhiên (LNG) chính của khu vực.

Theo chuyên gia của IEA, cơ quan thường tư vấn cho 28 nước thành viên về chính sách phát triển năng lượng, cho dù Trung Quốc có tham gia vào cuộc chạy đua thì Singapore vẫn có nhiều tiềm năng hơn cả vì đến quý Hai năm nay, Singapore sẽ đưa vào vận hành cảng LNG đầu tiên.

Công trình trên trị giá 1,7 tỷ USD được xây trên đảo nhân tạo Jurong ở phía tây nam Singapore. Sau khi hoàn thành, đây là cảng đầu tiên trên thế giới hội tụ cả hai chức năng nhập khẩu và xuất khẩu LNG.

Lâu nay, các cảng trên thế giới chỉ đảm nhiệm một trong hai công đoạn hóa lỏng ở đầu xuất hay tái khí hóa ở đầu nhập. Đây cũng sẽ là cảng LNG đầu tiên ở châu Á có khả năng tiếp cận với nước thứ ba.

Dự án của Singapore là sau khi giai đoạn một của công trình cảng LNG với một cầu cảng và hai bồn chứa có khả năng xử lý 3,5 triệu tấn khí/năm được đưa vào sử dụng trong quý 2/2013, giai đoạn hai sẽ có thêm hai cầu cảng và một bồn chứa, nâng công suất toàn bộ công trình lên 9 triệu tấn khí/năm vào năm 2017.

Singapore đang cân nhắc xây cảng LNG thứ hai để hiện thực hóa tham vọng không chỉ nhập khẩu LNG đáp ứng nhu cầu nội địa mà còn chế biến và tái xuất sang các nước.

Hiện tại, Singapore cũng đang cung cấp kho chứa cho các công ty kinh doanh, đây là điểm quan trọng để tăng cường thị trường cạnh tranh.

Một chuyên gia khác của IEA, ông Warner ten Kate, cho rằng vào thời điểm hiện tại, Singapore không có đối thủ nào có thể cạnh tranh để trở thành trung tâm LNG của khu vực.

Theo ông Kate, Chính phủ Singapore đã đưa ra những dấu hiệu để đảm bảo một thị trường ổn định tại đảo quốc này. Singapore cũng là một trung tâm kinh doanh xăng dầu lớn với nhiều công ty mang tầm cỡ toàn cầu hoạt động, việc này sẽ giúp thị trường khí của Singapore phát triển.

Các chuyên gia cho rằng  Singapore có điểm khởi đầu tốt nhất và việc duy nhất mà đất nước này cần phải làm là có chính sách rõ ràng và có cơ quan chuyên trách cho ngành công nghiệp này.

Theo IEA, sự ra đời của một trung tâm kinh doanh LNG có thể làm giảm đáng kể giá thành LNG và như vậy các cơ sở sử dụng khí làm nguồn nhiên liệu sẽ được hưởng lợi nhiều.

IEA cho rằng giá LNG hiện nay đang đứng ở mức cao giả tạo do có quá nhiều hợp đồng dài hạn được ký với số lượng cao hơn nhu cầu thực tế và do chỉ số giá xăng dầu liên tục tăng cao.

Các chuyên gia của IEA cũng cho rằng một thị trường tự do hơn sẽ tăng tính cạnh tranh và tất nhiên là giá sẽ giảm, giúp việc sử dụng LNG tại châu Á ổn định hơn trong một thời gian dài.

Châu Á có thể phải gánh chịu mức giá LNG cao nhất cho tới khi một trung tâm kinh doanh LNG được xây dựng tại khu vực này.

Một đặc điểm của ngành kinh doanh khí thiên nhiên tại châu Á-Thái Bình Dương là lượng khí được cung cấp qua hệ thống ống dẫn khí bị hạn chế và do đó khu vực này ngày càng phụ thuộc vào hệ thống cung cấp LNG toàn cầu. Châu Á đang tiêu thụ 80% lượng LNG toàn cầu./.

Kim Yến (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục