Sinh viên nước đang phát triển chinh phục thế giới

"Sinh viên các nước đang phát triển trên con đường chinh phục thế giới" là bài báo gây chú ý nhất trên tờ Le Monde của Pháp ra ngày 26/9.
"Sinh viên các nước đang phát triển trên con đường chinh phục thế giới" là tựa đề bài báo gây chú ý cho người đọc nhất trong số những chủ đề thời sự nổi cộm đăng trên tờ Thế giới (Le Monde) của Pháp ra ngày 26/9.

Bài báo đề cập đến những tác nhân tương lai của thế giới là sinh viên các nước đang phát triển, đặc biệt là các quốc gia ở châu Á.

Theo tờ Thế giới, số sinh viên tốt nghiệp đại học, có bằng cấp ở các nước đang phát triển, cao hơn ở các quốc gia phương Tây, đặc biệt là ở Trung Quốc, với số lượng tăng ngoạn mục, sinh viên nước này hiện đông bằng toàn bộ số dân ở Canada.

Theo số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), nếu số sinh viên tốt nghiệp ở các nước phát triển năm 2000 đạt 51 triệu, các nước đang phát triển chỉ đạt 39 triệu, thì thống kê năm 2012 cho thấy xu hướng đã đảo ngược.

Số lượng sinh viên các nước phát triển tăng lên đến 69 triệu, nhưng số lượng sinh viên các nước đang phát triển đã tăng vọt lên thành 73 triệu.

Tờ Thế giới nhận định rằng, chất xám đang chuyển dịch sang phía Đông khi đưa ra dự báo vào năm 2020, 40% trên tổng số 204 triệu sinh viên của OCDE và của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) sẽ đến từ hai quốc gia Ấn Độ và Trung Quốc, trong lúc Mỹ và châu Âu chỉ còn chiếm 1/4 tổng số này. Điều này còn được minh chứng rõ hơn khi tờ Thế giới đưa ra bảng xếp hạng 10 nước đứng đầu thế giới về số lượng sinh viên tốt nghiệp trong khoảng thời gian từ năm 2000-2020.

Theo bảng xếp hạng này, Mỹ đứng đầu vào năm 2000, đã tụt xuống vị trí thứ hai trong năm 2010, nhường chỗ lại cho Trung Quốc. Năm 2020, Mỹ sẽ đứng vị trí thứ ba, nhường vị trí thứ hai cho Ấn Độ.

Nga chiếm vị trí thứ ba vào năm 2000 thì trong tương lai sẽ đứng vị trí thứ tư. Nhật Bản từ vị trí thứ tư năm 2000 sẽ tụt xuống thứ sáu, trong khi đó Indonesia vào năm 2020, sẽ vươn lên vị trí thứ năm.

Trong số các nước châu Âu đứng vào top 10 nước hàng đầu, chỉ có Anh từ vị trí thứ 10 lên vị trí thứ 7, trong khi Pháp, Đức từng chiếm vị trí thứ tám và chín trong năm 2000 đã bị loại khỏi bảng này.

Theo OCDE, nguyên nhân dẫn đến xu hướng này là do các nước đang phát triển hội nhập vào nền kinh tế thế giới.

OCDE cho biết bên cạnh việc số lượng sinh viên châu Á đi du học ở nước ngoài, chủ yếu đến Mỹ, châu Âu và Australia, tăng mạnh, châu Á cũng bắt đầu tìm cách thu hút sinh viên từ nơi khác, chẳng hạn Trung Quốc đã đặt ra chỉ tiêu đón 500.000 sinh viên quốc tế mỗi năm, từ nay đến năm 2020./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục