Sinh viên Việt Nam đoạt giải nhì cuộc thi D&AD New Blood Quickfire

Ý tưởng phần mềm sửa chữa điện thoại giúp kết nối các cửa hàng sửa chữa điện thoại nhỏ lẻ với hãng sản xuất của nhóm sinh viên Đại học RMIT đã giành giải nhì cuộc thi D&AD New Blood Quickfire năm 2021
Sinh viên Việt Nam đoạt giải nhì cuộc thi D&AD New Blood Quickfire ảnh 1Nhóm sinh viên đoạt giải. (Ảnh: PV)

Với ý tưởng kết nối các cơ sở sửa chữa điện thoại nhỏ với các hãng sản suất, nhóm sinh viên ngành Truyền thông Đại học RMIT đã giành giải á quân tại cuộc thi toàn cầu D&AD New Blood Quickfire 2021. Đây là lần đầu tiên có đội thi đến từ Việt Nam chiến thắng tại cuộc thi này. Thông tin vừa được Đại học RMIT cho biết hôm nay, 23/12.

Ý tưởng từ chiếc điện thoại hỏng

Đề tài của cuộc thi là thiết kế sản phẩm hoặc dịch vụ số cho ngành thời trang, thực phẩm hoặc điện tử. Sản phẩm phải tìm hiểu xem làm thế nào một trong những ngành này có thể tự tạo nên nền kinh tế tuần hoàn của riêng mình, lấy bền vững làm trọng tâm và dùng những công nghệ mới nhất.

Đội ba sinh viên RMIT gồm Nguyễn Lê Duy, Phạm Quang Vinh và Quách Tấn An đã đưa ra ý tưởng IBM Smart Repair - một ứng dụng giúp sửa chữa điện thoại và giảm rác thải điện tử. 

Nguyễn Lê Duy cho biết ý tưởng này hình thành khi một thành viên của nhóm bị hỏng điện thoại và phải mang đi sửa. Khi đó, nhóm chợt nhận thấy tâm lý chung khi đi sửa điện thoại của các khách hàng là có phần nghi ngờ nào đó về năng lực của các cửa hàng, chất lượng của linh kiện thay thế và nhiều lần họ ra về mà không hài lòng. Tâm lý này càng tăng lên với khách hàng ở các cửa hàng nhỏ, lẻ, không thuộc hãng sản xuất.

“Bản thân là những người vô cùng lệ thuộc vào điện thoại thông minh, chúng tôi cũng từng trải qua những trải nghiệm không hay tương tự và cảm thấy cần phải thay đổi để những cửa hàng sửa điện thoại nhỏ lẻ có thể dự phần vào nền kinh tế tuần hoàn tổng thể,” Duy chia sẻ.

Trăn trở với vấn đề này, cả nhóm bắt đầu tìm kiếm tiềm năng của các sản phẩm IBM để xem liệu những sản phẩm này có thể giúp gì được cho các cửa hàng sửa chữa điện thoại địa phương. Mục tiêu hướng đến là tạo ra một hệ thống các cửa hàng sửa chữa điện tử bền vững, giúp việc sửa chữa và tái sử dụng các thiết bị điện tử, dễ tiếp cận hơn với người dùng.

Sinh viên Việt Nam đoạt giải nhì cuộc thi D&AD New Blood Quickfire ảnh 2Ý tưởng đã mang về cho nhóm giải nhì của cuộc thi. (Ảnh: ĐH RMIT)

Theo Duy, số lượng các cửa hàng sửa chữa riêng lẻ lớn hơn các trung tâm sửa chữa chính hãng rất nhiều, đặc biệt là ở những quốc gia đang phát triển, song năng lực kỹ thuật và uy tín của họ lại thấp hơn. “Chính vì vậy, chúng tôi xem việc kết nối các cửa hàng sửa chữa riêng lẻ này với những thương hiệu hàng điện tử để họ có thể nhận được sự hỗ trợ trực tiếp từ nhà sản xuất. Đây là cách để nâng cao năng lực cho các cửa hàng và thúc đẩy tiềm năng còn chưa khai thác đến của họ,” Duy cho biết.

App kết nối thợ sửa chữa và nhà sản xuất

Từ mục tiêu trên, nhóm đã hình thành ý tưởng phần mềm IBM Smart Repair hướng tới kết nối giữa các cửa hàng sửa chữa nhỏ lẻ và hãng hoặc các trung tâm sửa chữa của hãng.

Cụ thể, phần mềm này sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo của IBM để học và phân tích thiết kế của các sản phẩm điện thoại khác nhau và xác định những lỗi có thể xảy ra, từ đó xây dựng được một hệ thống dữ liệu về lỗi và cách sửa chữa, dựa trên thông tin từ chính hãng sản xuất.

Thợ sửa chữa ở các cửa hàng nhỏ lẻ có thể dùng phần mềm này để quét (scan) các điểm lỗi trên thiết bị cần sửa chữa. Sau đó, phần mềm sẽ đưa ra hướng dẫn sửa chữa cho thợ. Tất cả các thông tin sửa chữa được lưu bằng blockchain để đảm bảo tính minh bạch.

[Nữ sinh mồ côi và hành trình chinh phục học bổng toàn phần ĐH RMIT]

Duy cho hay sự kết nối này sẽ cải thiện chất lượng sửa chữa, người tiêu dùng sẽ có được niềm tin và sự hài lòng cao hơn khi sử dụng dịch vụ của các cửa hàng nhỏ lẻ. Việc tập trung hơn vào tái sử dụng và sửa chữa thay vì vứt bỏ thiết bị do lỗi, hỏng sẽ giúp giảm rác thải điện tử, vốn là một vấn đề môi trường đáng lo ngại hiện nay.

Bên cạnh giải thưởng trị giá 250 bảng Anh, đề xuất của nhóm còn có khả năng được nhượng quyền lại hoặc chính các sinh viên có thể được vào làm cho IBM. Tuy nhiên, theo sinh viên Phạm Quang Vinh, đó chưa phải giá trị lớn nhất mà các thành viên của nhóm nhận được.

“Điều ý nghĩa nhất là chúng tôi đã thấy giá trị vô cùng to lớn của việc quan sát: hHãy thật sự xem xét những thứ xung quanh cũng như những người ta trò chuyện một cách sát sao hơn, để có thể lọc ra những giải pháp sáng suốt cho vấn đề họ gặp phải trong cuộc sống,” Vinh chia sẻ./.

D&AD New Blood Quickfire là cuộc thi về Marketing, truyền thông và thiết kế, được tổ chức hằng năm bởi tổ chức British Design & Art Direction (D&AD), một tổ chức giáo dục của Anh, chuyên về thiết kế và quảng cáo, nhằm tìm ra những đề xuất sáng tạo đổi mới. Với sự đồng hành của tập đoàn IBM, thử thách năm 2021 yêu cầu đề xuất những giải pháp kỹ thuật số sử dụng các công nghệ như trí tuệ nhân tạo, blockchain, điện toán đám mây nhằm thúc đẩy tính bền vững trong ngành công nghiệp điện tử, cụ thể hướng đến nền kinh tế tuần hoàn.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục