Số ca mắc sốt xuất huyết và tay chân miệng tại Hà Nội đang tăng vọt

Trong tuần qua Hà Nội ghi nhận 3 ổ dịch sốt xuất huyết mới tại 3 quận, huyện: Đống Đa, Bắc Từ Liêm, Thanh Oai. Cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, thành phố có 7 ổ dịch sốt xuất huyết tại 4 quận, huyện.
Số ca mắc sốt xuất huyết và tay chân miệng tại Hà Nội đang tăng vọt ảnh 1Bệnh nhi điều trị tại Bệnh viện Thanh Nhàn. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Ngày 4/7, tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho hay trong tuần qua, số ca mắc sốt xuất huyết và tay chân miệng đều tăng so với tuần trước.

Dự báo, số ca mắc sốt xuất huyết và tay chân miệng có thể tiếp tục gia tăng trong thời gian tới do đang vào cao điểm mùa dịch.

Một người có thể mắc sốt xuất huyết 4 lần trong đời

Theo Sở Y tế Hà Nội, trong tuần qua (tính từ ngày 27/6 đến 1/7), trên địa bàn thành phố Hà Nội ghi nhận 52 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 24 quận, huyện (tăng 2,3 lần so với tuần trước đó).

Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2022 cho đến nay, Hà Nội đã có 175 ca mắc sốt xuất huyết nhưng chưa ghi nhận trường hợp tử vong (giảm gần 29% so với cùng kỳ năm 2021).

Trong tuần qua Thủ đô ghi nhận 3 ổ dịch sốt xuất huyết mới tại 3 quận, huyện: Đống Đa, Bắc Từ Liêm, Thanh Oai. Cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, thành phố đã có 7 ổ dịch sốt xuất huyết tại 4 quận, huyện: Đống Đa, Bắc Từ Liêm, Thanh Oai, Đan Phượng.

Theo các chuyên gia, sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra với 4 type ký hiệu: D1, D2, D3, D4. Miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ đặc hiệu đối với từng type riêng lẻ. Do đó, một người có thể mắc sốt xuất huyết 4 lần trong đời, với 4 type virus khác nhau.

Kết quả xét nghiệm xác định type virus từ đầu năm 2022 đến nay, Hà Nội ghi nhận 1 trường hợp nhiễm type D2 tại quận Ba Đình và 1 trường hợp nhiễm type D1 tại quận Đống Đa.

Cùng với sốt xuất huyết, trong tuần, thành phố cũng có thêm 139 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng (tăng gần 29% so với tuần trước đó).

Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2022 cho đến nay, thành phố Hà Nội đã có 968 trường hợp mắc tay chân miệng (tăng gấp 5,2 lần so với cùng kỳ năm 2021).

Điều tra xử lý kịp thời ca bệnh

Nhiều bệnh viện lớn trên địa bàn thành phố như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Thanh Nhàn... đã ghi nhận các ca sốt xuất huyết diễn biến trong tình trạng nặng như sốt tăng nặng, kèm lên cơn co giật, cô đặc máu, có tràn dịch màng phổi...

Số ca mắc sốt xuất huyết và tay chân miệng tại Hà Nội đang tăng vọt ảnh 2Sốt xuất huyết nặng có biểu hiện phát ban đỏ toàn thân. (Ảnh: Xuân Triệu/TTXVN)

Tại Bệnh viện Bạch Mai, từ đầu tháng 6 đến nay Trung tâm Bệnh nhiệt đới đã tiếp nhận và điều trị cho hàng chục trường hợp sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo, đa số là do đi du lịch hoặc di chuyển từ khu vực phía Nam ra.

Các chuyên gia dự báo số ca nhập viện sẽ tăng trong thời gian tới, khi tại Hà Nội và miền Bắc, sốt xuất huyết đang bắt đầu vào vụ dịch và đỉnh điểm của dịch dự báo sẽ vào tháng 8.

Theo báo cáo của các địa phương, cuối tháng 6, cả nước ghi nhận khoảng 77.000 ca sốt xuất huyết, trong đó đã có 30 trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết; 21.859 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng (1 trường hợp tử vong).

Để tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng, ngành y tế Hà Nội tiếp tục tăng cường giám sát, điều tra xử lý kịp thời ca bệnh, ổ dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng và các bệnh truyền nhiễm khác.

Ngành y tế Hà Nội cũng yêu cầu các cơ sở y tế giám sát, đánh giá định kỳ các chỉ số côn trùng, giám sát vệ sinh môi trường tại khu vực ổ dịch cũ, ổ dịch phức tạp, từ đó phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch lây lan và bùng phát tại cộng đồng.

Sở Y tế Hà Nội tổ chức hội nghị tập huấn chẩn đoán điều trị bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết cho khối trung tâm y tế quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố. Từ đó, các đơn vị chủ động các biện pháp phòng chống, chẩn đoán, điều trị bệnh tay chân miệng nói riêng, phòng chống dịch sốt xuất huyết và các dịch bệnh mùa hè khác nói chung, không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.

Bên cạnh đó, Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu tăng cường truyền thông các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng để nâng cao nhận thức của cộng đồng nhằm góp phần khống chế và kiểm soát dịch bệnh có hiệu quả./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục