Số ca nhiễm tăng mạnh, Nga gia hạn cấm người nước ngoài nhập cảnh

Thủ tướng Mikhail Mushustin cho biết đã ký một quyết định chính phủ về việc gia hạn lệnh cấm người nước ngoài nhập cảnh đến khi cuộc chiến chống dịch kết thúc và tình hình dịch tễ được cải thiện.
Nhân viên xịt khử khuẩn cho hành khách tại sân bay Kazan, Nga nhằm ngăn dịch COVID-19 lây lan, ngày 21/4/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)
Nhân viên xịt khử khuẩn cho hành khách tại sân bay Kazan, Nga nhằm ngăn dịch COVID-19 lây lan, ngày 21/4/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 29/4, Nga đã gia hạn lệnh cấm người nước ngoài nhập cảnh, nhằm kiềm chế sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong bối cảnh nước này ghi nhận số ca nhiễm mới tăng mạnh.

Sắc lệnh cấm người nước ngoài nhập cảnh đã được ban bố từ giữa tháng Ba vừa qua, và sẽ hết hiệu lực ngày 29/4. Thủ tướng Mikhail Mushustin cho biết sắc lệnh này sẽ được gia hạn cho đến khi Nga kiểm soát được dịch.

Phát biểu tại một cuộc họp các quan chức nhằm thảo luận cách ứng phó với dịch, ông Mushustin nêu rõ: "Tôi đã ký một quyết định chính phủ về việc gia hạn (sắc lệnh) đến khi cuộc chiến chống dịch kết thúc và tình hình dịch tễ được cải thiện."

Theo Thủ tướng Mushustin, lệnh cấm sẽ không áp dụng với các chuyên gia có nhiệm vụ bảo trì các thiết bị nhập khẩu.

Quyết định trên được thông báo trong bối cảnh giới chức y tế Nga thông báo số ca nhiễm mới tăng mạnh với 5.841 ca trong ngày 29/4, nâng tổng số ca nhiễm từ đầu mùa dịch lên 99.399 ca, trong đó có 972 ca tử vong.

Tổng thống Vladimir Putin ngày 28/4 cảnh báo Nga vẫn chưa đạt đỉnh dịch, đồng thời gia hạn các biện pháp phong tỏa trong nước thêm hai tuần.

Đức gia hạn khuyến cáo xuất cảnh

Cùng ngày, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho biết nước này đã gia hạn cảnh báo việc đi ra nước ngoài cho đến ngày 14/6 do diễn biến dịch COVID-19 trên thế giới vẫn phức tạp. Đức đã đưa 240.000 công dân bị mắc kẹt ở nhiều nơi về nước.

[Dịch COVID-19: Chính phủ Đức thay đổi chiến lược xét nghiệm hàng loạt]

Ngoại trưởng Maas cho biết thêm rằng: "Chúng tôi sẽ không làm tương tự trong mùa Hè tới."

Đến nay, Đức đã ghi nhận 160.059 ca nhiễm, trong đó 6.314 ca tử vong.

Pháp siết chặt quy định về đầu tư nước ngoài

Trong khi đó, Pháp đã quyết định sẽ siết chặt việc xem xét lại đầu tư nước ngoài nhằm bảo vệ các công ty trong nước đang chật vật chống chọi với các tác động của dịch bệnh.

Trả lời phỏng vấn trên truyền hình, Bộ trưởng Tài chính Bruno Le Maire cho biết chính phủ sẽ xem xét lại việc một nhà đầu tư không thuộc châu Âu có thể nắm 10% cổ phần tại các công ty lớn của Pháp.

Trước đó, từ tháng Một, Pháp đã giảm mức phải xem xét đầu tư, từ 33% cổ phần xuống còn 25% tại một số ngành được coi là chiến lược, như quốc phòng, năng lượng, hàng không vũ trụ và vận tải. Tuy nhiên, Bộ trưởng Le Maire cho biết ngành công nghệ sinh học cũng sẽ được thêm vào danh sách trên.

Theo ông Le Maire, trong thời dịch, một số công ty trở nên dễ bị tổn thương và có thể bị các đối thủ cạnh tranh nước ngoài mua lại với giá rẻ. Ông khẳng định: "Tôi sẽ không để điều đó xảy ra."

Số ca nhiễm tăng mạnh, Nga gia hạn cấm người nước ngoài nhập cảnh ảnh 1Cảnh vắng vẻ trên đường phố tại Paris, Pháp trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. (Ảnh: THX/TTXVN)

Cùng ngày, Thủ tướng Pháp Eduard Phillipe cho biết sẽ trình dự luật gia hạn tình trạng khẩn cấp đến ngày 23/7. Hiện Pháp ghi nhận 165.911 ca nhiễm và 23.660 ca tử vong.

Trong một diễn biến khác, Tổng thống Romania Klaus Iohannis ngày 29/4 cho biết hiện còn quá sớm để quyết định có nên tổ chức cuộc bầu cử quốc hội năm 2020 như dự kiến hay không. Ông khẳng định sẽ không đồng ý tiến hành cuộc bỏ phiếu nếu số ca nhiễm tăng cao.

Trước đó, ngày 28/4, ông Iohannis đã thông báo tổng tuyển cử dự kiến cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12 có thể không diễn ra trong năm nay nếu chưa thể kiềm chế dịch. Đến nay, Romania đã ghi nhận 11.978 ca nhiễm và 681 ca tử vong./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục