Trong bối cảnh thị trường hàng không Việt Nam tiếp tục tăng trưởng, cơ sở hạ tầng cảng hàng không/sân bay chưa được cải thiện nhiều nhưng sáu tháng vừa qua, theo đánh giá của Cục Hàng không Việt Nam, các hãng hàng không đều nỗ lực để giảm tỷ lệ chuyến bay chậm, hủy chuyến xuống thấp hơn so với cùng kỳ năm trước đó.
[Các hãng hàng không gia tăng bất thường việc chậm, hủy chuyến bay]
Theo báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải), sáu tháng của năm qua, các hãng hàng không thực hiện 136.400 chuyến bay, tăng 6,2% so với cùng kỳ 2016.
Tuy nhiên, các hãng hàng không cũng còn 14.000 chuyến chậm chiếm tỷ lệ chậm là 12,2% giảm 3,6 điểm so với cùng kỳ 2016; 585 chuyến hủy chiếm tỷ lệ hủy là 0,4% giảm 0,2 điểm so với cùng kỳ năm trước đó.
Cá biệt, trong sáu tháng qua, toàn khu vực miền Bắc có 70 chuyến bay bị chậm, hủy được các hãng hàng không thực hiện bồi thường cho hành khách theo Thông tư số 14/2015/TT-BGTVT ngày 27/4/2015 của Bộ Giao thông Vận tải.
[Chậm, hủy chuyến bay vẫn là chuyện dài kỳ của ngành hàng không]
Chỉ ra các nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm, hủy chuyến bay, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam đưa ra các yếu tố như trang thiết bị và dịch vụ tại cảng 5,9%; quản lý, điều hành bay 1,5%; hãng hàng không 19,2%; thời tiết 1,5%; tàu bay về muộn 70,2%; ý do khác 1,7%.
“Trong khi số lượng chuyến bay và sản lượng vận chuyển hành khách tăng, cơ sở hạ tầng Cảng hàng không/sân bay chưa được cải thiện nhiều, các đơn vị trong ngành hàng không đã có rất nhiều nỗ lực trong công tác phục vụ, đảm bảo hoạt động khai thác. Đặc biệt, các hãng đều nỗ lực để giảm tỷ lệ chuyến bay chậm, hủy chuyến xuống thấp hơn giai đoạn sáu tháng của năm 2016,” lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam nhìn nhận.
Tính riêng trong tháng Sáu vừa qua, số chuyến bay các hãng hàng không thực hiện là hơn 24.600 chuyến, với 3.371 chuyến bay bị chậm, chiếm tỷ lệ 15%. Con số này tăng hơn so với tháng Năm nhưng lại giảm so với cùng kỳ đợt cao điểm hè tháng 6/2016.
Cục Hàng không cho rằng, nguyên nhân do biến động thời tiết ở 2 sân bay căn cứ Nội Bài và Tân Sơn Nhất gây chậm chuyến dây chuyền. Đây cũng là lý do chủ yếu khiến máy bay về muộn.
Là hãng hàng không chiếm tới gần 50% thị phần nội địa, đại diện hãng hàng không Vietjet Air cho biết, hãng đã triển khai rất nhiều biện pháp, giải pháp để nâng cao hơn nữa chỉ số đúng giờ (OTP), nâng cao chất lượng phục vụ hành khách.
Đơn cử như Vietjet đã triển khai quyết liệt chương trình rút ngắn thời gian quay đầu máy bay khi chỉ mất 27 phút với A320 và 32 phút với tàu bay A321. Nhờ đó, theo báo cáo của Cục Hàng không, OTP của Vietjet trong sáu tháng của năm 2017 đạt 85,6%, tăng 2 điểm so với cùng kỳ năm 2016.
Để phục vụ giai đoạn cao điểm Hè, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, ngoài các tàu bay mua theo lịch, đại diện Vietjet cho biết, hãng đã bổ sung thêm 5 tàu bay A320 thuê ướt nâng tổng số tàu bay khai thác trong dịp cao điểm Hè lên khoảng 46 tàu bay. Với đội bay trẻ (tuổi trung bình khoảng 3,5), Vietjet hoàn toàn chủ động đảm bảo nguồn lực phục vụ kế hoạch khai thác.
Ngoài ra, Vietjet đã bổ sung đầy đủ lực lượng phi công, tiếp viên và đã báo cáo Cục Hàng không phê chuẩn trong các phương án thuê tàu bay; bổ sung đầy đủ kho vật tư, khí tài dự phòng các tình huống hỏng hóc, kỹ thuật phát sinh…
[Hàng không tăng trưởng “nóng,” các sân bay căn cứ đều quá tải]
Để giảm tỷ lệ chậm, hủy chuyến, Cục Hàng không Việt Nam đã chỉ đạo các Cảng hàng không bố trí đủ nhân lực, phương tiện bảo đảm công tác an ninh, soi chiếu người, hành lý trong các khung giờ cao điểm đồng thời yêu cầu Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất bố trí hợp lý mặt bằng nhà ga hành khách, bảo đảm lưu thông tại các khu vực làm thủ tục trong nhà ga, bố trí hệ thống máy soi chiếu an ninh.
Cục Hàng không cũng yêu cầu các hãng hàng không bố trí 10% năng lực số lượng máy bay khai thác làm dự phòng, ứng phó với các tình huống bất thường gây chậm, hủy chuyến./.