Số cá thể hổ hoang dã trên thế giới đã tăng lần đầu tiên trong một thế kỷ qua khi nhiều quốc gia đẩy mạnh những nỗ lực bảo tồn.
Theo số liệu do Quỹ Bảo vệ động vật hoang dã thế giới (WWF) và Diễn đàn Hổ toàn cầu (GTF) công bố ngày 11/4, số lượng hổ hoang dã trên toàn cầu đã tăng lên mức 3.890 con, tăng gần 700 con so với mức thấp kỷ lục 3.200 con được ghi nhận hồi năm 2010.
Trong năm 2014, riêng số cá thể hổ tại Ấn Độ chiếm hơn 1/2 tổng số lượng toàn cầu với 2.226 con sống tại các khu vực bảo tồn tại 18 bang trên cả nước.
Các nước gồm Nga, Bhutan và Nepal cũng ghi nhận số lượng hổ tăng lên trong những cuộc khảo sát gần đây.
Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định mặc dù là tín hiệu đáng mừng, song đây không hẳn là bản thân số hổ tăng mà có thể là do họ đã phát hiện được số cá thể hổ nhiều hơn nhờ phương pháp thu thập dữ liệu tốt hơn, bao gồm việc tiến hành khảo sát tại nhiều khu vực mới, các kỹ thuật khảo sát được cải thiện cũng như những nỗ lực bảo tổn đã được đẩy mạnh.
Mặc dù số lượng hổ tại Ấn Độ, Nga, Nepal và Bhutan tăng lên, song một số nước tại Đông Nam Á lại chứng kiến sự sụt giảm của loài động vật quý hiếm này.
Cụ thể, số lượng hổ tại Indonesia đã giảm mạnh do nạn phá rừng tràn lan để đáp ứng nhu cầu toàn cầu ngày càng tăng trong việc sản xuất dầu cọ, bột giấy và giấy.
Campuchia cũng đang cân nhắc đến ý tưởng đưa loài hổ trở lại danh sách động vật có nguy cơ tuyệt chủng.
Số liệu trên được công bố một ngày trước khi các bộ trưởng đến từ 13 nước gồm Bangladesh, Bhutan, Trung Quốc, Campuchia, Ấn Độ, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Nepal, Nga, Thái Lan và Việt Nam sẽ nhóm họp tại thủ đô New Delhi trong 3 ngày nhằm thảo luận về những nỗ lực bảo tồn loài hổ.
Hồi năm 2010, trước nguy cơ tuyệt chủng của loài hổ trong tự nhiên, các nước trên đã đề ra mục tiêu đến năm 2022 nỗ lực tăng gấp đôi số lượng loài hổ trong tự nhiên./.