Theo số liệu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, số người tham gia bảo hiểm xã hội tính đến hết 31/7 ước đạt hơn 18,51 triệu người, tăng 7,87% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó bảo hiểm xã hội bắt buộc là hơn 16,78 triệu người (tăng 6,55% so với cùng kỳ năm 2023) và bảo hiểm xã hội tự nguyện là 1,73 triệu người (tăng 22,48% so với năm 2023).
Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp cũng tăng 7,29% so với năm 2023, ước đạt hơn 15 triệu người. Tính đến 31/7, số người tham gia bảo hiểm y tế ước đạt hơn 92,55 triệu người, tăng 1,36% so với năm 2023.
Về thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, toàn ngành ước đạt 282.809 tỷ đồng, tăng 24.698 tỷ đồng (tương đương 9,57%) so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, chỉ riêng tháng 7/2024 số tiền thu là 42.386 tỷ đồng.
Bổ sung chế độ trợ cấp mới để hình thành hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng
Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu hay người lao động không có lương hưu đều sẽ có cơ hội nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội theo quy định mới.
Để đảm bảo công tác thu và phát triển đối tượng, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các tỉnh, thành phố tham mưu các cấp ủy, chính quyền địa phương có chính sách hỗ trợ thêm mức đóng cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình.
Cơ quan bảo hiểm xã hội cũng linh hoạt các hình thức kiểm tra, thanh tra chuyên ngành đối với các doanh nghiệp chưa đăng ký đóng, đóng chưa đầy đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm, kịp thời lập hồ sơ để khởi tố theo quy định.
Đặc biệt, cơ quan bảo hiểm xã hội cũng đã chú trọng kiểm tra việc thu tiền đóng của các tổ chức dịch vụ thu, ngăn chặn, phát hiện kịp thời các trường hợp nhân viên nộp tiền chậm làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế./.