Sớm tháo gỡ vướng mắc liên quan đến quy hoạch mỏ bauxite tại Đắk Nông

Theo lãnh đạo tỉnh Đắk Nông, hiện có 6/8 huyện của tỉnh vướng quy hoạch mỏ bauxite trong quá trình triển khai các dự án đầu tư công, các dự án thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia.

Khai thác quặng bauxite phục vụ chế biến alumin tại Công ty Nhôm Đắk Nông. (Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN)
Khai thác quặng bauxite phục vụ chế biến alumin tại Công ty Nhôm Đắk Nông. (Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN)

Ngày 12/3, Đoàn Công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường do ông Đặng Quốc Khánh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường dẫn đầu đã có buổi làm việc với tỉnh Đắk Nông về công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên-môi trường.

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông khẳng định tỉnh đang vướng mắc trong thu hồi khoáng sản bauxite.

Thực trạng này đang khiến các dự án tái định cư, đầu tư công… trong khu vực quy hoạch mỏ phải tạm dừng. Việc tận thu, vận chuyển quặng bauxite tại hầu hết các dự án không hiệu quả do chi phí cao. Trong khi đó, với đặc thù địa hình, việc đào đắp “hậu” tận thu quặng bauxite sẽ phát sinh thêm nhiều chi phí.

Đắk Nông gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc khai thác vật liệu xây dựng thông thường (cát, đá, sỏi, đất san lấp) trong vùng quy hoạch mỏ bauxite.

Toàn tỉnh hiện có hơn 80 mỏ thuộc diện này. Địa phương gặp khó khăn trong sử dụng đất, triển khai các dự án ổn định, tái định cư, định canh cho dân di cư không theo quy hoạch trong bối cảnh tổng diện tích đất lâm nghiệp của toàn tỉnh gần 293.000ha (chiếm khoảng 47% tổng diện tích tự nhiên).

Các vấn đề liên quan đến đánh giá tổng thể tình trạng sạt lở bờ sông Krông Nô; kinh phí số hóa cơ sở dữ liệu địa chính; kinh phí cho dự án đo đạc, cấp đất từ các nông lâm trường… cũng đang gặp khó khăn. Đắk Nông kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ, tháo gỡ.

Tỉnh là địa phương có trữ lượng bauxite lớn với hơn 1,3 tỷ tấn quặng tinh. Đây được coi là động lực, lợi thế cạnh tranh để Đắk Nông phát triển. Tuy nhiên, nếu không khai thác nhanh, bền vững thì đây lại là rào cản đối với địa phương.

Theo ông Hồ Văn Mười, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông, hiện có 6/8 huyện của tỉnh vướng quy hoạch mỏ bauxite trong quá trình triển khai các dự án đầu tư công, các dự án thuộc ba Chương trình Mục tiêu Quốc gia…

Toàn tỉnh hiện có hơn 1.000 công trình, dự án đầu tư công vướng quy hoạch bauxite. Việc quy hoạch, cấp phép các mỏ đất làm vật liệu xây dựng thông thường rất khó khăn. Nguyên nhân một phần do chồng lấn quy hoạch mỏ bauxite, phần do quy định tận thu quặng.

Trước thực tế nêu trên, tỉnh kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn liên quan đến mỏ bauxite; đồng thời sớm có các chính sách, cơ chế phù hợp để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng cho khai thác quặng bauxite phục vụ các dự án đã triển khai hoặc đã quy hoạch trong giai đoạn từ nay đến năm 2030.

Địa phương kiến nghị Bộ điều chỉnh báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án để sử dụng quỹ đất đã khai thác hết quặng bauxite hiệu quả hơn…

bauxite_dak nong 2.jpg
Khu vực tuyển, rửa quặng bauxite của Nhà máy Alumin Nhân Cơ. (Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN)

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh khẳng định Đắk Nông là tỉnh giàu tiềm năng để phát triển, nhất là trữ lượng bauxite dồi dào, đất đai màu mỡ, khí hậu mát mẻ, ôn hòa…

Bộ trưởng giao cho các đơn vị trực thuộc Bộ phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông khảo sát, tổng hợp và báo cáo, đề xuất các nội dung liên quan đến các khó khăn, vướng mắc trong quy hoạch mỏ bauxite với quá trình thực hiện các công trình, dự án đầu tư công để trình cấp có thẩm quyền xử lý phù hợp.

Liên quan đến việc sử dụng đất sau khai thác bauxite tại dự án alumin Nhân Cơ, Bộ trưởng cho rằng vấn đề này cần trao đổi kỹ lưỡng và ưu tiên sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai.

Diện tích đã khai thác xong bauxite, đủ điều kiện đóng cửa mỏ thì phải đóng ngay, bàn giao cho địa phương.

Trong quá trình thu hồi đất để phục vụ khai thác quặng bauxite, bên cạnh việc tái định cư cho dân, địa phương cần chú trọng vấn đề đất sản xuất, đảm bảo ổn định đời sống người dân và phát triển hài hòa, bền vững./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục