Nhằm thích ứng với “trạng thái bình thường mới,” những người làm du lịch và kinh doanh dịch vụ đều xác định thị trường nội địa chính là đòn bẩy để phục hồi và phát triển, là hướng tích cực để duy trì hoạt động của ngành trong bối cảnh mối nguy COVID-19 vẫn luôn rình rập và Việt Nam hiện vẫn phải “cửa đóng then cài” với quốc tế.
Xác định rõ mục tiêu rồi, nhưng làm thế nào cho đúng, cho trúng cũng là câu chuyện không dễ dàng...
Sống chung với “lũ”
Báo cáo tại diễn đàn Du lịch nội địa toàn quốc 2021 với chủ đề: “Du lịch nội địa-Động lực khôi phục Du lịch Việt Nam trong bối cảnh bình thường mới,” vừa diễn ra tại Ninh Bình, đại diện Viện Nghiên cứu và phát triển du lịch Việt Nam cho biết, du lịch nội địa có vị trí, vai trò rất lớn với phát triển du lịch Việt Nam thời gian qua.
Đặc biệt, giai đoạn 2011-2019 khách nội địa tăng trưởng tích cực, đóng góp quan trọng vào tổng thu toàn ngành. Năm 2015, khách nội địa mới chỉ đóng góp 158.000 tỷ đồng thì đến năm 2019 con số này đã tăng lên 334.000 tỷ đồng (tương đương 14,5 tỷ USD), tăng 2,1 lần, tăng trưởng bình quân đạt khoảng 20,5%/năm.
Nếu như năm 2011 khách nội địa chỉ đạt 30 triệu lượt thì đến năm 2019 con số này đã tăng lên 85 triệu lượt (gấp hơn 2,8 lần), tốc độ tăng trưởng bình quân đạt khoảng 15%/năm. Mốc tăng trưởng mạnh nhất của khách nội địa là năm 2015, với 57 triệu lượt khách, tăng 50% so với năm 2014 và tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong các năm tiếp theo.
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 cũng khẳng định vị trí, vai trò của du lịch nội địa trong quan điểm, mục tiêu và định hướng, giải pháp với quan điểm: “Phát triển đồng thời du lịch quốc tế và du lịch nội địa; đẩy mạnh xuất khẩu tại chỗ thông qua du lịch; tăng cường liên kết nhằm phát huy lợi thế tài nguyên tự nhiên và văn hóa; phát triển đa dạng sản phẩm du lịch, mở rộng thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam.”
Đại dịch COVID-19 như cơn cuồng phong chưa từng có trong lịch sử, “quét” qua khắp thế giới trong đó có Việt Nam, khiến du lịch và hàng không là hai ngành bị thiệt hại nặng nề nhất. Du lịch Việt - một ngành đang tăng trưởng bốn năm liên tục ở mức 2 con số, đóng góp trực tiếp gần 10% GDP, đóng góp lan tỏa trên 18% GDP - nay suy thoái nghiêm trọng. Hàng chục nghìn doanh nghiệp bị phá sản hoặc ngừng kinh doanh, hàng triệu lao động phải nghỉ việc toàn bộ hay từng phần.
Việt Nam hiện vẫn phải “cửa đóng then cài” với thị trường quốc tế. Do đó, ngành du lịch đã xác định “sống chung với lũ,” thích ứng nhanh trong “trạng thái bình thường mới.” Trong bối cảnh đó, thị trường nội địa trở thành là đòn bẩy để phục hồi và phát triển nền kinh tế xanh, là hướng tích cực để duy trì hoạt động của ngành.
Giải pháp cho thị trường nội địa
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Nguyễn Văn Hùng thừa nhận thời gian qua, ngành du lịch đã luôn lấy con số thị trường quốc tế làm thước đo thành công và hiệu quả, cũng như luôn đánh giá cao du khách khách quốc tế dựa trên chi tiêu so với du khách trong nước.
“Chính vì quan niệm này mà ngành du lịch đã bỏ lỡ một ‘trận địa’ quan trọng là thị trường trong nước. Phải đến khi COVID-19 gây khủng hoảng nghiêm trọng ngành du lịch mới giật mình nhìn lại và nhận thấy cả sản xuất, kinh doanh đến quản trị, quản lý ngành du lịch chưa thực sự đi bằng hai chân,” tân Bộ trưởng khẳng định.
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã xác định mục tiêu, đến năm 2025, ngành du lịch phục vụ ít nhất 120 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân từ 6-7%/năm; đến năm 2025 ngành du lịch phục vụ khoảng 160 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân từ 5-6%/năm.
Nếu duy trì được tỷ lệ 41-45% đóng góp doanh thu từ khách nội địa trong cơ cấu tổng thu toàn ngành thì đến năm 2025, nguồn thu từ khách du lịch nội địa sẽ đạt khoảng 740.000-810.000 tỷ đồng và đến năm 2030 sẽ là 1.310-1.440 tỷ đồng.
Do đó, để tiếp tục thúc đẩy phát triển du lịch nội địa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo Tổng cục Du lịch yêu cầu các Vụ chức năng xây dựng cơ chế, chính sách riêng biệt và cụ thể đối với thị trường khách nội địa; khuyến khích phát triển sản phẩm du lịch mới, đặc biệt tại những khu vực còn khó khăn nhưng có tiềm năng du lịch; nâng cao năng lực tổ chức quản lý điểm đến, tuyên truyền và hỗ trợ cộng đồng nhằm đảm bảo lợi ích công bằng cho cộng đồng địa phương trong việc cung ứng các dịch vụ an toàn; cần thiết lập, kết nối mạng lưới trong thúc đẩy du lịch nội địa; đẩy mạnh công tác nghiên cứu thị trường, xác định các phân khúc thị trường theo vùng, miền, theo độ tuổi, đặc điểm nhân khẩu, theo nghề nghiệp, thu nhập bình quân... để có cơ sở trong phát triển sản phẩm và xúc tiến quảng bá phù hợp.
Để xây dựng ngành du lịch vững mạnh trong bối cảnh mới, theo lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, giải pháp đầu tiên là các doanh nghiệp du lịch đặc biệt là lữ hành cần sớm cơ cấu lại, có giải pháp để quản lý về nhân lực, nguồn lực; nghiên cứu lại thị trường nội địa, cơ cấu lại thị trường khách để điều tiết thị trường, xây dựng sản phẩm đúng với nhu cầu và chiến lược phải được tính toán lâu dài cho vấn đề phát triển thị trường du lịch nội địa.
Tiếp theo, liên kết du lịch phải dựa trên những sản phẩm du lịch có tính đặc biệt, đặc trưng, có tính thu hút cao và tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến, xây dựng thương hiệu sản phẩm, kết nối các giá trị và lan tỏa những giá trị của sản phẩm để khơi lên nhu cầu du lịch của du khách. Cuối cùng là phải gắn du lịch, sản phẩm du lịch với yếu tố văn hóa./.