Làng Rạch, xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định, vốn được biết đến là một trong những phường rối nước nổi tiếng và lâu đời. Trải qua bao thăng trầm, phường rối làng Rạch vẫn sống động trong mỗi tích trò, bởi người dân nơi đây luôn có ý thức giữ gìn, phát huy loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo được cha ông lưu truyền từ đời này sang đời khác.
10 thế kỷ phường rối nước Nam Chấn
Nghệ thuật múa rối nước không đơn thuần chỉ là một môn nghệ thuật biểu diễn mà còn thể hiện khả năng tìm tòi, sáng tạo của người dân.
Múa rối nước cũng là loại hình nghệ thuật rất được ưa chuộng bởi tính đại chúng và mang bản sắc riêng. Ra đời vào khoảng 10 thế kỷ trước ở vùng châu thổ sông Hồng, đây là loại hình nghệ thuật đặc sắc mang tính chất bản địa.
Phường rối làng Rạch (trước đây là làng Bàn Thạch) cũng được hình thành và phát triển từ rất lâu đời với tên gọi là phường rối nước Nam Chấn.
Thời xa xưa, làng Rạch nổi tiếng với nghề sơn mài và tạc tượng cho đình chùa. Đây cũng là một trong những lý do khiến múa rối nước ở đây phát triển mạnh do các nghệ nhân ở đây có thể tự làm ra được những con rối bằng tay nghề tài hoa của mình.
Theo lời ông Phạm Văn Yêm (thôn Rạch) thì trước đây phường rối thường diễn các tích trò ở ao làng để phục vụ các lễ hội lớn của làng. Buồng trò là các buồng tre nứa, mành che bằng vải xanh thêu bốn chữ “Quốc Trung Hữu Thánh” tức là trung với nước và cung phụng thánh.
Tới năm 1987, làng đã xây dựng được đình múa rối nước, gọi là thủy đình rộng 2.080m2 để thuận tiện cho việc biểu diễn.
Ngoài thủy đình được xây dựng ở ao đình ra, sau này các nghệ nhân cũng có sáng kiến làm thủy đình di động để tiện trong việc đi biểu diễn ở những nơi xa.
Thủy đình được xây dựng ở gần đình làng. Bên cạnh thủy đình là một nhà trưng bày và bảo quản các con trò. Khách tham quan có thể tận mắt được nhìn những sản phẩm từ đôi bàn tay khéo léo của người nghệ nhân tại đây.
Theo tập tục từ lâu đời của các nghệ nhân phường rối, trước và sau mỗi buổi biểu diễn, khi hạ trò và cất con trò đi, họ đều phải làm lễ tạ, gọi là ổi rỗi để xin Thành Hoàng làng linh ứng giúp cho buổi diễn hôm đó diễn ra tốt đẹp, các con rối không bị hỏng hóc, bị gãy hay bị nổi.
Con trò cũng có nhiều loại và phụ thuộc vào từng tích trò khác nhau như chú tễu, cô tiên, con ếch, con rồng... Với mỗi tích trò, những con trò lại được tạo nên với những hình dáng khác nhau phù hợp với tích trò đó.
Người dân nơi đây rất có ý thức trong việc truyền nghề cho con, cháu. Ttrước đây, nghề này không được truyền cho con gái. Theo các cụ cao niên, con gái không được theo nghề này do nhiều yếu tố như đặc thù công việc luôn phải ngâm mình dưới nước; bên cạnh đó con gái lớn sẽ phải theo chồng, phường rối không muốn bị chia sẻ bí quyết nghề làng mình đi những nơi khác.
Tuy nhiên giờ đây quan niệm trên đã thay đổi, múa rối nước đã được truyền cho cả con gái, trong phường rối của làng hiện cũng có nữ giới tham gia vào việc hát thoại.
Thổi hồn vào các tích trò
Theo ông Đặng Văn Khuể, phường rối hiện có khoảng gần 1.000 con trò với hơn 40 tích trò khác nhau. Các tích trò này phần lớn từ xa xưa truyền lại. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều tích trò là do các nghệ nhân trong làng nghiên cứu, dàn dựng lại sao cho phù hợp và tăng thêm phần đặc sắc, hấp dẫn.
Một số tích thường được diễn nhiều ở phường rối như tích Trưng Trắc-Trưng Nhị, tích Trần Hưng Đạo, tích Khởi nghĩa Lam Sơn, tích Đánh đồn bốt (Thời kỳ kháng chiến chống Pháp), tích Bắn máy bay và tích Bắt giặc lái (Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ)...
Mỗi thời kỳ, giai đoạn lịch sử, đều được các nghệ nhân sáng tác ra các tích trò khác nhau nhằm tái hiện lại những giờ phút lịch sử huy hoàng, những chiến thắng oai hùng của dân tộc.
Bên cạnh đó là các tích trò cổ như Kéo cá dâng hoa, Dệt vải, Xay thóc giã gạo, Tế thần, Tiên leo cầu, Múa công, Cáo bắt vịt, Câu ếch, Múa sư tử, Đánh đu, Đánh vật, Lân tranh cầu, Đua thuyền...
Phường rối Nam Chấn hiện có 20 người, trong đó người cao tuổi nhất là cụ Phan Văn Niệm (83 tuổi), ba người trẻ nhất đều ở độ tuổi 17. Ban nhạc của phường gồm năm người sử dụng các loại nhạc cụ gồm trống, chiêng, nhị, sáo và hát lời thoại.
Trước đây, lời thoại thường do các nghệ nhân điều khiển con trò hát, song sau này phát triển lên thì có một ban nhạc riêng để hát lời thoại và chơi nhạc cụ.
Mỗi buổi biểu diễn thường phải có 12 người xuống nước để điều khiển con trò và hai người trên bờ có nhiệm vụ sắp con trò. Mỗi tích trò có thời gian khoảng từ 10-15 phút. Thời gian diễn các tích trò không được kéo dài vì nó sẽ khiến tích trò kém phần sinh động, các con trò không được nhanh và linh hoạt.
Hiện làng Rạch còn có một xưởng tạo hình chuyên làm các con trò để phục vụ việc biểu diễn của phường rối nước. Xưởng đồng thời cũng là nơi chế tác các con trò cho các phường rối lân cận như phường rối Nguyên Xá (Thái Bình) hay Nhà hát múa rối nước Việt Nam.
Ở làng Rạch có gia đình ông Phan Văn Ngải đã bảy đời đi theo nghiệp múa rối nước và làm các con trò. Ông Ngải nằm trong là lớp nghệ nhân đầu tiên của Nhà hát múa rối nước Việt Nam ngay từ khi thành lập.
Năm 1964, Nhà hát đã cử một đoàn về làng Rạch để học hỏi cách thức hoạt động, biểu diễn của phường rối Nam Chấn. Đến năm 1967, Nhà hát đã mời ông Ngải về làm việc cho Nhà hát múa rối nước.
Năm 1984, lần đầu tiên Nhà hát Múa rối Việt Nam đưa rối nước sang Pháp, Ý, Hà Lan biểu diễn và đã thu được rất nhiều thành công. Bộ môn nghệ thuật này đã làm cho khán giả quốc tế hết sức thích thú và kinh ngạc.
Nghệ nhân Phan Văn Ngải chia sẻ, làm con trò không phải đơn giản chỉ cần sự khéo léo hay ti mỉ mà thành được. Thường chỉ có nghệ nhân trực tiếp điều khiển con trò mới có thể làm ra những con trò có hồn và có thể sử dụng linh hoạt khi biểu diễn.
Hiện nay, phường rối nước Nam Chấn thường biểu diễn phục vụ các lễ hội lớn trong làng, trong tỉnh, cũng như các tỉnh lân cận và tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.
Múa rối nước làng Rạch đã trải qua nhiều thăng trầm và có giai đoạn tưởng chừng bị lụi tàn. Song với lòng nhiệt tình, yêu nghề và ý thức giữ gìn một nét đẹp văn hóa của địa phương, rối nước Nam Chấn không những không bị mai một mà vẫn vững bước cùng các nghệ nhân để đến với người dân mọi miền.
Từng ngày, bằng niềm đam mê, nhiệt huyết với nghề múa rối nước, các nghệ nhân nơi đây vẫn hông ngừng tìm tòi, sáng tạo, cải tiến các tích trò, cố gắng gìn giữ, truyền lại cho các thế hệ mai sau một di sản văn hóa quý giá.
Tuy nhiên rối nước làng Rạch hiện cũng đang gặp nhiều khó khăn trong vấn đề kinh phí nhằm duy trì hoạt động và rất cần sự quan tâm hơn nữa từ xã hội để có thể bảo tồn và phát huy môn nghệ thuật truyền thống đặc sắc này./.
10 thế kỷ phường rối nước Nam Chấn
Nghệ thuật múa rối nước không đơn thuần chỉ là một môn nghệ thuật biểu diễn mà còn thể hiện khả năng tìm tòi, sáng tạo của người dân.
Múa rối nước cũng là loại hình nghệ thuật rất được ưa chuộng bởi tính đại chúng và mang bản sắc riêng. Ra đời vào khoảng 10 thế kỷ trước ở vùng châu thổ sông Hồng, đây là loại hình nghệ thuật đặc sắc mang tính chất bản địa.
Phường rối làng Rạch (trước đây là làng Bàn Thạch) cũng được hình thành và phát triển từ rất lâu đời với tên gọi là phường rối nước Nam Chấn.
Thời xa xưa, làng Rạch nổi tiếng với nghề sơn mài và tạc tượng cho đình chùa. Đây cũng là một trong những lý do khiến múa rối nước ở đây phát triển mạnh do các nghệ nhân ở đây có thể tự làm ra được những con rối bằng tay nghề tài hoa của mình.
Theo lời ông Phạm Văn Yêm (thôn Rạch) thì trước đây phường rối thường diễn các tích trò ở ao làng để phục vụ các lễ hội lớn của làng. Buồng trò là các buồng tre nứa, mành che bằng vải xanh thêu bốn chữ “Quốc Trung Hữu Thánh” tức là trung với nước và cung phụng thánh.
Tới năm 1987, làng đã xây dựng được đình múa rối nước, gọi là thủy đình rộng 2.080m2 để thuận tiện cho việc biểu diễn.
Ngoài thủy đình được xây dựng ở ao đình ra, sau này các nghệ nhân cũng có sáng kiến làm thủy đình di động để tiện trong việc đi biểu diễn ở những nơi xa.
Thủy đình được xây dựng ở gần đình làng. Bên cạnh thủy đình là một nhà trưng bày và bảo quản các con trò. Khách tham quan có thể tận mắt được nhìn những sản phẩm từ đôi bàn tay khéo léo của người nghệ nhân tại đây.
Theo tập tục từ lâu đời của các nghệ nhân phường rối, trước và sau mỗi buổi biểu diễn, khi hạ trò và cất con trò đi, họ đều phải làm lễ tạ, gọi là ổi rỗi để xin Thành Hoàng làng linh ứng giúp cho buổi diễn hôm đó diễn ra tốt đẹp, các con rối không bị hỏng hóc, bị gãy hay bị nổi.
Con trò cũng có nhiều loại và phụ thuộc vào từng tích trò khác nhau như chú tễu, cô tiên, con ếch, con rồng... Với mỗi tích trò, những con trò lại được tạo nên với những hình dáng khác nhau phù hợp với tích trò đó.
Người dân nơi đây rất có ý thức trong việc truyền nghề cho con, cháu. Ttrước đây, nghề này không được truyền cho con gái. Theo các cụ cao niên, con gái không được theo nghề này do nhiều yếu tố như đặc thù công việc luôn phải ngâm mình dưới nước; bên cạnh đó con gái lớn sẽ phải theo chồng, phường rối không muốn bị chia sẻ bí quyết nghề làng mình đi những nơi khác.
Tuy nhiên giờ đây quan niệm trên đã thay đổi, múa rối nước đã được truyền cho cả con gái, trong phường rối của làng hiện cũng có nữ giới tham gia vào việc hát thoại.
Thổi hồn vào các tích trò
Theo ông Đặng Văn Khuể, phường rối hiện có khoảng gần 1.000 con trò với hơn 40 tích trò khác nhau. Các tích trò này phần lớn từ xa xưa truyền lại. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều tích trò là do các nghệ nhân trong làng nghiên cứu, dàn dựng lại sao cho phù hợp và tăng thêm phần đặc sắc, hấp dẫn.
Một số tích thường được diễn nhiều ở phường rối như tích Trưng Trắc-Trưng Nhị, tích Trần Hưng Đạo, tích Khởi nghĩa Lam Sơn, tích Đánh đồn bốt (Thời kỳ kháng chiến chống Pháp), tích Bắn máy bay và tích Bắt giặc lái (Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ)...
Mỗi thời kỳ, giai đoạn lịch sử, đều được các nghệ nhân sáng tác ra các tích trò khác nhau nhằm tái hiện lại những giờ phút lịch sử huy hoàng, những chiến thắng oai hùng của dân tộc.
Bên cạnh đó là các tích trò cổ như Kéo cá dâng hoa, Dệt vải, Xay thóc giã gạo, Tế thần, Tiên leo cầu, Múa công, Cáo bắt vịt, Câu ếch, Múa sư tử, Đánh đu, Đánh vật, Lân tranh cầu, Đua thuyền...
Phường rối Nam Chấn hiện có 20 người, trong đó người cao tuổi nhất là cụ Phan Văn Niệm (83 tuổi), ba người trẻ nhất đều ở độ tuổi 17. Ban nhạc của phường gồm năm người sử dụng các loại nhạc cụ gồm trống, chiêng, nhị, sáo và hát lời thoại.
Trước đây, lời thoại thường do các nghệ nhân điều khiển con trò hát, song sau này phát triển lên thì có một ban nhạc riêng để hát lời thoại và chơi nhạc cụ.
Mỗi buổi biểu diễn thường phải có 12 người xuống nước để điều khiển con trò và hai người trên bờ có nhiệm vụ sắp con trò. Mỗi tích trò có thời gian khoảng từ 10-15 phút. Thời gian diễn các tích trò không được kéo dài vì nó sẽ khiến tích trò kém phần sinh động, các con trò không được nhanh và linh hoạt.
Hiện làng Rạch còn có một xưởng tạo hình chuyên làm các con trò để phục vụ việc biểu diễn của phường rối nước. Xưởng đồng thời cũng là nơi chế tác các con trò cho các phường rối lân cận như phường rối Nguyên Xá (Thái Bình) hay Nhà hát múa rối nước Việt Nam.
Ở làng Rạch có gia đình ông Phan Văn Ngải đã bảy đời đi theo nghiệp múa rối nước và làm các con trò. Ông Ngải nằm trong là lớp nghệ nhân đầu tiên của Nhà hát múa rối nước Việt Nam ngay từ khi thành lập.
Năm 1964, Nhà hát đã cử một đoàn về làng Rạch để học hỏi cách thức hoạt động, biểu diễn của phường rối Nam Chấn. Đến năm 1967, Nhà hát đã mời ông Ngải về làm việc cho Nhà hát múa rối nước.
Năm 1984, lần đầu tiên Nhà hát Múa rối Việt Nam đưa rối nước sang Pháp, Ý, Hà Lan biểu diễn và đã thu được rất nhiều thành công. Bộ môn nghệ thuật này đã làm cho khán giả quốc tế hết sức thích thú và kinh ngạc.
Nghệ nhân Phan Văn Ngải chia sẻ, làm con trò không phải đơn giản chỉ cần sự khéo léo hay ti mỉ mà thành được. Thường chỉ có nghệ nhân trực tiếp điều khiển con trò mới có thể làm ra những con trò có hồn và có thể sử dụng linh hoạt khi biểu diễn.
Hiện nay, phường rối nước Nam Chấn thường biểu diễn phục vụ các lễ hội lớn trong làng, trong tỉnh, cũng như các tỉnh lân cận và tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.
Múa rối nước làng Rạch đã trải qua nhiều thăng trầm và có giai đoạn tưởng chừng bị lụi tàn. Song với lòng nhiệt tình, yêu nghề và ý thức giữ gìn một nét đẹp văn hóa của địa phương, rối nước Nam Chấn không những không bị mai một mà vẫn vững bước cùng các nghệ nhân để đến với người dân mọi miền.
Từng ngày, bằng niềm đam mê, nhiệt huyết với nghề múa rối nước, các nghệ nhân nơi đây vẫn hông ngừng tìm tòi, sáng tạo, cải tiến các tích trò, cố gắng gìn giữ, truyền lại cho các thế hệ mai sau một di sản văn hóa quý giá.
Tuy nhiên rối nước làng Rạch hiện cũng đang gặp nhiều khó khăn trong vấn đề kinh phí nhằm duy trì hoạt động và rất cần sự quan tâm hơn nữa từ xã hội để có thể bảo tồn và phát huy môn nghệ thuật truyền thống đặc sắc này./.
Thùy Dung (TTXVN/Vietnam+)