Theo một báo cáo mới từ Hãng xếp hạng tín nhiệm toàn cầu S&P Global Ratings, tỷ lệ phần trăm các công ty vỡ nợ hơn một lần đã chạm mức cao thứ hai kể từ năm 2008.
Khoảng 35% tổng số vụ vỡ nợ trên toàn cầu trong năm 2023 là của các công ty đã từng vỡ nợ trước đó, một phần vì sự gia tăng trong số công ty bị xếp hạng tín nhiệm B- trở xuống nhưng lại có mức nợ cao.
Ông Nicole Serino, Giám đốc nghiên cứu tín dụng của S&P cho biết kiểu cơ cấu vốn này được tạo ra trong thời kỳ lãi suất thấp và triển vọng lãi suất thấp.
Lạm phát tiêu dùng cao hơn dự đoán đã làm giảm những dự báo về số lần Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất trong năm nay.
Môi trường lãi suất được duy trì ở mức cao trong thời gian lâu hơn như vậy sẽ khiến cho các công ty vay nợ nhiều càng khó khăn hơn, nhất là những công ty đã từng vỡ nợ trước đó.
Tình trạng tái vỡ nợ nói trên gia tăng trong bối cảnh xu hướng vỡ nợ có chọn lọc (selective default) ngày càng phổ biến.
Vỡ nợ có chọn lọc xảy ra khi một công ty không thể đáp ứng nghĩa vụ thanh toán một số trái phiếu của công ty mình nhưng vẫn đáp ứng được nghĩa vụ thanh toán với các trái phiếu khác.
Theo phân tích của S&P, phần lớn các công ty vỡ nợ có chọn lọc là những công ty được xếp hạng CCC+ nhiều hơn một lần. CCC+ là mức xếp hạng cho thấy công ty có khả năng cao vỡ nợ lần nữa.
Báo cáo của S&P cũng chỉ ra rằng các nhà đầu tư thường bị lỗ nhiều hơn với những khoản đầu tư vào các công ty đã vỡ nợ nhiều lần, nhất là khi mua những loại trái phiếu không đảm bảo.
Trong những trường hợp này, tỷ lệ thu hồi vốn thường giảm từ khoảng 60% xuống khoảng 40%./.
S&P Global Ratings cảnh báo tốc độ vỡ nợ doanh nghiệp trên toàn cầu
S&P Global Ratings cho biết số vụ vỡ nợ doanh nghiệp đã tăng lên 29 vụ kể từ đầu năm nay, con số cao nhất vào thời điểm này trong một năm kể từ năm 2009.