Sri Lanka đàm phán khoản cứu trợ 4 tỷ USD với IMF để tránh vỡ nợ

Bộ trưởng Tài chính Sri Lanka Ali Sabry cho biết Sri Lanka đang xem xét việc đưa ra một số nhân nhượng trước IMF để sớm nhận được khoản tiền cứu trợ khẩn cấp từ 3-4 tỷ USD nhằm ổn định nền kinh tế.
Sri Lanka đàm phán khoản cứu trợ 4 tỷ USD với IMF để tránh vỡ nợ ảnh 1Bộ trưởng Tài chính Sri Lanka Ali Sabry. (Ảnh: Reuters)

Tờ Times of India trích nguồn tin của Bộ trưởng Tài chính Sri Lanka Ali Sabry cho biết Sri Lanka cần từ 3-4 tỷ USD trong năm nay để thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có và có kế hoạch bắt đầu các cuộc đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để được giúp đỡ.

Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg Television, ông Sabry cho biết Sri Lanka đang xem xét việc đưa ra một số nhân nhượng trước IMF để giúp ổn định nền kinh tế.

Các cuộc đàm phán dự kiến bắt đầu tại Washington vào ngày 18/4 và Sri Lanka mong đợi các khoản tiền cứu trợ khẩn cấp một tuần sau đó nếu mọi thứ diễn ra tốt đẹp.

Ông Sabry chỉ ra rằng một số quỹ mà Sri Lanka đang tìm kiếm sẽ đến từ các tổ chức cho vay và chính phủ khác ngoài IMF nhưng không đưa ra thông tin chi tiết.

Ông Sabry, cùng với Thống đốc Ngân hàng trung ương Sri Lanka mới được bổ nhiệm Nandalal Weerasinghe, là thành viên chủ chốt tham gia các cuộc đàm phán về gói cứu trợ với IMF.

Các khoản tiền này đóng vai trò quan trọng đối với sự thành công của quá trình tái cơ cấu nợ do quốc đảo này khởi xướng trong tuần này sau khi tạm dừng một số khoản nợ và lãi chưa thanh toán.

[Sri Lanka tạm dừng thanh toán nợ nước ngoài để tránh vỡ nợ]

Ông Sabry cũng tìm cách trấn an nhà đầu tư về ý định trả nợ, khẳng định rằng "chúng tôi sẽ tôn trọng khoản nợ; cam kết có, mong muốn có, nhưng chúng tôi không có tiền giải ngân ngay lập tức."

Ông Sabry cho biết Sri Lanka đang xem xét các phương án tài trợ và tự tin có thể đảm bảo nhận được viện trợ từ các nước bao gồm Trung Quốc và Ấn Độ. Ông nói rằng nỗ lực đó sẽ đi kèm với cải cách tài khóa, cắt giảm chi tiêu và tăng thu.

Trong bối cảnh nhiều cuộc biểu tình đang diễn ra trước tình trạng lạm phát hai con số do giá mọi mặt hàng gia tăng từ nhiên liệu đến lương thực, và việc cắt điện kéo dài tới 13 giờ, Tổng thống Gotabaya Rajapaksa mới đây đã kêu gọi người dân "đoàn kết và hiểu biết tốt hơn."

Ông Rajapaksa nói: “Chính phủ đang thực hiện các biện pháp để đảm bảo cuộc sống bình thường của người dân trước tình hình phức tạp hiện nay."./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục