Trước thực trạng tỷ lệ người nghiện thuốc lá trên toàn cầu vẫn ở mức cao, diễn biến các bệnh từ việc hút thuốc gây ra vẫn không thuyên giảm, tỷ lệ người cai nghiện thành công rất thấp, nhiều nghiên cứu đã được thực hiện để phân tích, so sánh thuốc lá điếu và các loại thuốc lá thế hệ mới mà người sử dụng đang có xu hướng lựa chọn để thay thế.
Lý giải cho xu hướng người đang hút thuốc lá điếu chuyển sang sử dụng các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, hay còn gọi là thuốc lá không khói (bao gồm thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử, thuốc lá ngậm), nhiều tổ chức y tế công cộng ở các nước công bố thông tin rằng các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới giúp giảm thiểu phơi nhiễm với các chất độc hại hơn nhiều lần so với thuốc lá điếu thông thường.
Tuy nhiên, về phần Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khuyến cáo được đưa ra vẫn là mọi sản phẩm thuốc lá đều gây hại, do đó cần cần ưu tiên giải pháp cai bỏ thuốc lá.
Thuốc lá điếu và thuốc lá thế hệ mới có gây hại như nhau?
Các nghiên cứu chỉ ra rằng cả thuốc lá điếu và thuốc lá thế hệ mới đều có đặc điểm chung có chứa nicotin, một chất gây nghiện điển hình trong mọi loại sản phẩm thuốc lá.
Do vậy, tất cả các sản phẩm thuốc lá dù dưới hình thức nào, đều không được phép tiếp cận đến những đối tượng như trẻ em, phụ nữ mang thai, những người không nghiện hoặc đã cai thuốc lá thành công.
Trên thực tế, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới không có phản ứng cháy và được gọi là thuốc lá không khói. Còn thuốc lá điếu cần phải đốt cháy, tạo ra khói và người hút thuốc hít làn khói này để thu nạp nicotin.
Theo các kết quả nghiên cứu khoa học, khói do đốt điếu thuốc lá ngoài nicotin còn có hơn 6000 chất hóa học khác và có đến 100 chất trong số đó là tác nhân gây ra các bệnh liên quan đến hút thuốc lá điển hình như COPD (viêm phổi tắc nghẽn mạn tính), tim mạch và ung thư.
Một số chất hóa học gây hại thường được các chuyên gia y tế nhắc đến có trong khói thuốc lá là hắc ín (tar), carbon monoxide, nitrosamine. Đây đều là những chất gây ung thư điển hình ở bệnh nhân hút thuốc lá.
['Ứng xử' với thuốc lá thế hệ mới: Nhu cầu cấp thiết vẫn bị ách tắc]
Đối với thuốc lá thế hệ mới, người hút có thể hấp thụ nicotin theo nhiều hình thức khác nhau, không có phản ứng đốt cháy. Người sử dụng sẽ hít nicotin từ nguyên liệu thuốc lá thông qua khí hơi aerosol mà sản phẩm này tạo ra.
Trong văn bản chính thức công bố trên trang web của mình, Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã dùng tên gọi để phân biệt giữa thuốc lá điếu - gọi thuốc lá điếu là Thuốc lá đốt cháy (Combusted Cigarettes) - và thuốc lá làm nóng - gọi là Thuốc lá không đốt cháy (Non-Combusted Cigarettes).
Tuy nhiên, những sản phẩm thuốc lá thế hệ mới có sử dụng nhiệt độ để lấy nicotin như thuốc lá điện tử hay thuốc lá làm nóng vẫn tạo ra một số chất gây hại hàm lượng thấp hơn do mức nhiệt sử dụng thấp hơn.
Tại Đức, nghiên cứu năm 2018 với sự tham gia của Viện Đánh giá Nguy cơ Liên bang Đức (BfR) cho kết quả thuốc lá làm nóng tạo ra lượng aldehyde giảm 80-95% và các hợp chất dễ bay hơi giảm 97-99% so với thuốc lá điếu.
Xu hướng sử dụng các sản phẩm không khói trên toàn cầu hiện nay ra sao?
Một số nước như Mỹ, Anh, Nhật, Hy Lạp, NewZealand... khuyến khích người hút thuốc lá điếu, nếu không thể cai thuốc thành công, chuyển đổi sang các sản phẩm không khói. Các quốc gia này cũng thực hiện quản lý, kiểm soát đầy đủ các sản phẩm thay thế thuốc lá điếu.
Theo thống kê của WHO, có hơn 346 triệu người trưởng thành sử dụng các sản phẩm không khói trên toàn cầu. Trong đó phần lớn là các nước Đông Nam Á, chiếm khoản 86%. Cũng theo báo cáo của tổ chức này tại cuộc họp Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá (FCTC) lần thứ 7, thị trường toàn cầu của các sản phẩm thuốc lá điện tử có và không có chứa nicotin vào năm 2015 ước tính là gần 10 tỷ USD.
Khoảng 56% thị phần thuộc về Hoa Kỳ và 12% là Anh Quốc. Có 21% thị phần được phân chia giữa Trung Quốc, Pháp, Đức, Ý và Ba Lan (3-5% mỗi quốc gia).
Trước xu thế này, cũng tại cuộc họp Công ước Khung FCTC nói trên, WHO đã nhấn mạnh tính cần thiết của việc quản lý các sản phẩm mới.
WHO cho biết việc để cho các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới thâm nhập vào các quốc gia trong điều kiện không có cơ chế quản lý sẽ có thể đe dọa các chiến lược kiểm soát thuốc lá, cũng như có thể làm suy yếu nỗ lực của Công ước FCTC trong việc bảo vệ quy tắc không bình thường hóa hành vi hút thuốc lá.
Gần đây nhất, New Zealand và Philippines đang xúc tiến thông qua chính sách đưa thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử trở thành một phần của chính sách y tế công, và các quốc gia này khẳng định điều này phù hợp với Công ước quốc tế FCTC mà WHO đã thiết lập cho các quốc gia thành viên./.