Các nghiên cứu mới nhất cho thấy tồn tại mối liên hệ hóa học của lớp địa tầng phát triển sau hàng triệu năm với sự hình thành của các lớp trầm tích giàu khoáng sản trên Trái Đất.
Trong công trình nghiên cứu do Viện Địa chất và khoa học hạt nhân New Zealand (GNS Science) công bố ngày 26/9, các nhà khoa học đã phân tích 40 mẫu đá thu thập từ đáy biển Kermadec Arc (Bắc New Zealand) và đã xây dựng được mô hình hoàn chỉnh hơn tái hiện quá trình hình thành của lớp địa tầng ở khu vực Thái Bình Dương, sau khi bị sụt lún, tạo thành lớp đá nhão trong lòng đất hoặc các lớp trầm tích giàu khoáng sản.
Theo các chuyên gia đến từ New Zealand, Australia, Đức và Anh, Hikurangi Plateau, lớp địa tầng giàu chất lỏng dày khoảng 20km trong cấu tạo địa tầng Thái Bình Dương đã hoàn toàn biến mất khi nó lún xuống bên dưới địa tầng Australia phía Đông của đảo Bắc.
Sự sụt lún của địa tầng Trái Đất giàu chất lỏng như Hikurangi Plateau khiến các loại đá dễ nóng chảy hơn, từ đó hình thành các chuỗi núi lửa thường xuyên hoạt động và tạo ra rất nhiều vật chất núi lửa dưới đáy đại dương.
Thật đáng ngạc nhiên khi mà các đặc tính hóa học của tầng Hikurangi Plateau và các rặng ngầm dưới đáy đại dương tại tầng này vẫn có thể được lưu trữ trong những mẫu đá dưới đáy đại dương ngày nay sau hàng triệu năm bị sụt lún.
Điều này giúp các nhà khoa học xác định chính xác địa điểm và cách thức mà tầng Hikurangi Plateau sụt xuống bên dưới địa tầng Australia trong suốt 10 triệu năm qua.
Kết quả nghiên cứu này giúp các nhà khoa học có cái nhìn thấu đáo hơn về quá trình dịch chuyển kiến tạo địa tầng của Trái Đất hàng triệu năm qua cũng như sự hình thành các lớp trầm tích giàu khoáng sản dưới đáy đại dương.
Ngoài ra, nghiên cứu cũng cung cấp một dấu hiệu quan trọng giúp nhận biết các thảm họa núi lửa dưới đáy đại dương cũng như chỉ ra các triển vọng kinh tế có thể khai thác được từ lớp trầm tích giàu khoáng sản hình thành từ sự hoạt động của chuỗi núi lửa này./.