Sự giúp đỡ của quân tình nguyện Việt Nam trong việc lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot tất yếu phải diễn ra tại một thời điểm lịch sử, địa chính trị của hai nước. Quân tình nguyện Việt Nam đã giúp hồi sinh Campuchia.
Giám đốc Trung tâm Tư liệu Campuchia Youk Chhang đã khẳng định như vậy trong cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Phnom Penh.
Theo ông Youk Chhang, sự giúp đỡ của Quân đội Việt Nam tất yếu phải diễn ra trong một thời điểm đặc biệt của lịch sử và địa chính trị vì Pol Pot đã tàn sát đẫm máu người dân Campuchia.
Những người chạy lánh nạn sang Thái Lan đã thông báo với thế giới về thảm họa diệt chủng, nhưng không có nước nào ở các khu vực khác can thiệp.
[Campuchia phát triển mạnh mẽ sau 40 năm thoát khỏi chế độ Pol Pot]
Vì thế, ông Youk Chhang khẳng định sự hiện diện của Quân đội Việt Nam là điểm gỡ nút thắt quan trọng để chấm dứt chế độ Pol Pot, không thể bằng đàm phán mà phải dùng biện pháp quân sự.
Ông cho biết đã thu thập được một số tư liệu về việc Tổ chức Ân xá Quốc tế từng nỗ lực đàm phán với Pol Pot vào khoảng năm 1976, nhưng đã thất bại.
Vì thế, ông khẳng định vấn đề diệt chủng phải có sự can thiệp bằng quân sự và chỉ duy nhất Quân đội Việt Nam ở chính khu vực này mới có thể giải quyết được vấn đề này.
Theo ông, đây là sự đáp trả đối với thảm họa diệt chủng và nếu không có sự giúp đỡ của quân tình nguyện Việt Nam, Campuchia có thể đã trở thành một quốc gia độc tài.
Do vậy, sự hiện diện của quân tình nguyện Việt Nam đã xoay chuyển lịch sử của Campuchia đến ngày hôm nay, đem lại sự hồi sinh cho nhân dân Campuchia.
Về phán quyết án tù chung thân ra ngày 16/11 của Tòa án đặc biệt tại Tòa án Campuchia (ECCC) đối với hai cựu lãnh đạo Pol Pot là Nuon Chea và Khieu Samphon, ông Youk Chhang cho rằng đây là việc chấm dứt chế độ Pol Pot về mặt pháp lý.
Theo ông, điều quan trọng là với sự giúp đỡ của quân tình nguyện Việt Nam, Campuchia đã chấm dứt được trang sử đẫm máu, thoát họa diệt chủng Pol Pot bằng hành động can thiệp quân sự, và hiện nay là bằng con đường pháp lý.
Nhiệm vụ tiếp theo là chấm dứt bằng con đường giáo dục, điều mà ông cho là có ý nghĩa rất lớn và cực kỳ quan trọng đối với người dân Campuchia để hướng đến tương lai, nhưng vẫn không quên nhìn lại những bài học của quá khứ.
Đồng thời, đây cũng là sự chia sẻ những bài học về những khó khăn, gian khổ mà Campuchia từng gánh chịu, trải qua và nay đã hồi sinh cho những nước trong khu vực và thế giới.
Về quan hệ Campuchia-Việt Nam hiện nay, ông Youk Chhang nhận định rằng hai nước cần xây dựng một mối quan hệ rất đặc biệt. Hai nước đã có sự liên hệ về lịch sử lâu dài, nhưng nhân dân hai nước vẫn chưa có sự tìm hiểu cặn kẽ về nhau.
Đặc biệt là hai nước cần có sự tương hỗ lẫn nhau, nếu có mâu thuẫn thì cần cùng nhau giải quyết.
Trong tương lai, quan hệ giữa hai nước sẽ phát triển ngày một tốt hơn trong bối cảnh Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang không ngừng củng cố, phát triển và các nước ngày càng có sự liên kết chặt chẽ với nhau hơn về khoa học-kỹ thuật và kinh tế.
Vì thế, theo ông, không chỉ hai chính phủ mà nhân dân hai nước cũng phải cần đến mối quan hệ hữu nghị này, đồng thời người dân cần tìm hiểu cặn kẽ về lịch sử quan hệ hai nước, cũng như cùng hợp tác nghiên cứu.
Ông Youk Chhang cho biết bản thân đã đến Việt Nam từ năm 1998 để tìm hiểu, nghiên cứu về Việt Nam và quan hệ Việt Nam-Campuchia.
Vì thế, ông hiểu được quan điểm của người lính Việt Nam thông qua các cuộc gặp gỡ trò chuyện và bước tiếp theo trong quan hệ hai nước là cần giáo dục cho người dân hiểu rõ về vấn đề Pol Pot.
Giám đốc Trung tâm Tư liệu Campuchia Youk Chhang là một nạn nhân dưới thời Pol Pot, may mắn sống sót nhờ chạy được sang trại tỵ nạn dọc biên giới Thái Lan giáp Campuchia, trước khi trở thành công dân và định cư ở Mỹ.
Trở lại Campuchia hơn 3 thập kỷ qua, ông mong muốn thành quả công việc của mình đem lại công lý cho những nạn nhân của chế độ diệt chủng và những ai đã góp phần lật đổ chế độ tàn bạo này, hàn gắn vết thương dân tộc qua việc soi rọi trang đau thương nhất trong lịch sử dân tộc Campuchia.
Những thành quả của Trung tâm Tư liệu Campuchia dưới sự điều hành của ông Youk Chhang đã góp phần rất quan trọng trong việc phán xét các tội trạng của các nhân vật đầu sỏ của chế độ diệt chủng tại phiên tòa xét xử.
Ông cũng đồng thời là tác giả của nhiều bài báo, cuốn sách về chế độ diệt chủng, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên của nhiều trung tâm nghiên cứu, đại học trên thế giới.
Ông Youk Chhang đã được nhiều tổ chức vinh danh, trong đó ông là một trong 60 và 100 cá nhân có ảnh hưởng đối với đương thời do báo Time chọn trong các năm 2006 và 2007./.