Sự kiện quốc tế 12-18/12: Nhiều tín hiệu vui trong tuần

Aleppo của Syria, Sirte của Libya được quân chính phủ giải phóng khỏi tay IS, những thành tựu y học kỳ diệu là những điểm sáng mang lại hy vọng cho bức tranh thế giới tuần qua.
Quân chính phủ Syria giành được quyền kiểm soát Aleppo
Ngày 13​/12, một nguồn tin quân đội Syria cho biết quân đội nước này cùng các lực lượng đồng minh đã giành được quyền kiểm soát hoàn toàn đối với tất cả các quận trong thành phố Aleppo do phiến quân bỏ lại sau khi rút đi.

Truyền hình nhà nước Syria cũng đưa tin các lực lượng chính phủ và đồng mình hiện đã kiểm soát 99% các khu vực do quân nổi dậy chiếm giữ ở Aleppo.

Trong 1 tháng qua, quân đội chính phủ Syria đã tiến hành chiến dịch tấn công quy mô lớn ở Aleppo, khiến hơn 800 người đã thiệt mạng và khoảng 3.500 người bị thương.

Aleppo được xem là thành phố lớn nhất và là trung tâm thương mại, công nghiệp quan trọng nhất, là chiến trường quyết định, bên nào chiến thắng sẽ chiếm ưu thế rất lớn trên bàn đàm phán, định đoạt các điều kiện để giải quyết cuộc khủng hoảng tại Syria.

Sau khi quân đội Syria kiểm soát được thành phố Aleppo, công tác sơ tán dân thường đã được thực hiện ngay khi thỏa thuận ngừng bắn tại thành phố Aleppo được nối lại và bắt đầu có hiệu lực vào sáng 15​/12.

Tính đến cuối ngày 15​/12, hơn 3.000 dân thường và hơn 40 người bị thương, bao gồm cả trẻ em đã được sơ tán.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn 50.000 người mắc kẹt ở Aleppo, bao gồm 40.000 dân thường.

Theo đặc phái viên Liên hợp quốc về Syria, Staffan de Mistura cảnh báo trong 10.000 người còn lại bao gồm khoảng từ 1.500 đến 5.000 tay súng và gia đình họ sẽ được đưa đến thành phố Idlib miền Bắc Syria.

Ông cho rằng Liên hợp quốc cần cho phép bổ sung lực lượng quan sát viên tới Syria để đảm bảo tiến trình sơ tán và hoạt động cứu trợ diễn ra suôn sẻ, không xảy ra bất cứ cuộc trả đũa nào.

Mặc dù việc quân đội Chính phủ Syria kiểm soát được hoàn toàn các khu vực ở thành phố Aleppo từng rơi vào tay các nhóm đối lập là một dấu hiệu đầy tích cực cho thấy chiến thắng vang dội của quân đội nước này, nhưng theo nhận định của các chuyên gia phân tích chắc chắn tình hình tại Aleppo nói riêng và Syria nói chung vẫn sẽ diễn biến cực kỳ phức tạp.

Sự hiện diện cùng lúc của nhiều cường quốc hậu thuẫn các phe khác nhau tại Syria đang làm dấy lên những lo ngại về một lộ trình hướng tới hòa bình không mấy suôn sẻ.

Ngay tại thời điểm này, quan điểm của Nga và Mỹ vẫn có những khác biệt cơ bản.

Trong khi Nga khẳng định, chỉ có việc hỗ trợ chính quyền Syria mới có thể giúp lực lượng của Tổng thống Al-Assad đánh bại được IS thì Mỹ và các nước phương Tây lại chỉ trích chiến lược cứng rắn của quân đội Chính phủ Syria gây ra nhiều thù hận và mở đường cho IS trỗi dậy.

Sự kiện quốc tế 12-18/12: Nhiều tín hiệu vui trong tuần ảnh 1Người dân ở phía Đông Aleppo chờ sơ tán ngày 16/12. (Nguồn: AP/TTXVN)
FED lần đầu tiên tăng lãi suất trong năm 2016
Sau nhiều lần trì hoãn, ngày 14​/12, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED, Ngân hàng trung ương) đã công bố quyết định nâng lãi suất cơ bản thêm 25 điểm phần trăm, từ biên độ 0,25-0,5% lên 0,5-0,75%.

Đây là lần đầu tiên FED nâng lãi suất trong vòng 1 năm qua, lần duy nhất trong năm 2016 và là lần tăng thứ hai trong gần một thập kỷ qua của FED.

Đây là điều đã được dự báo từ trước trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ đã có nhiều khởi sắc và phục hồi mạnh mẽ thời gian qua. Thêm vào đó là những cam kết của tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đưa ra nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đã cho phép FED lạc quan để tăng lãi suất cơ bản thêm 25%.

Các quan chức của FED cho biết họ dự kiến sẽ tiến hành ba đợt tăng lãi suất trong năm 2017, theo đó sẽ nâng lãi suất lên mức 1,4% vào cuối năm sau, sau đó sẽ tăng tiếp lên 2,1% vào cuối năm 2018.

Quyết định tăng lãi suất của FED được coi là một tín hiệu khả quan, cho thấy các điều kiện tài chính của nền kinh tế đầu tàu thế giới đã ổn định sau cuộc suy thoái 2007-2008.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng cho rằng động thái nâng lãi suất của ngân hàng trung ương Mỹ có thể sẽ gây áp lực cho các nền kinh tế đang phát triển, đặc biệt là các nền kinh tế vốn vay mượn quá nhiều bằng đồng bạc xanh.

Bởi khi FED nâng lãi suất sẽ khiến thế giới thiếu đồng USD và nền kinh tế sẽ suy giảm tính thanh khoản.

Các quốc gia khác sẽ gặp phải những rủi ro khác nhau liên quan đến việc đồng USD tăng giá, tùy thuộc hoàn cảnh từng nước căn cứ trên các yếu tố như dự trữ ngoại tệ, nợ công bằng đồng USD, cán cân tài khoản vãng lai, tổng sản lượng của từng nước.

Do đó, điều quan trọng bây giờ là ngân hàng trung ương các nước cần tiếp tục có những điều chỉnh chính sách để phù hợp với những cam kết của chính quyền Tổng thống đắc cử Donald Trump về cắt giảm thuế, tăng cường chi tiêu vào cơ sở hạ tầng và bãi bỏ một số quy định nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Mỹ.

Xem thêm tại đây: Tác động từ quyết định của Fed tới các nền kinh tế đang phát triển

Sự kiện quốc tế 12-18/12: Nhiều tín hiệu vui trong tuần ảnh 2Quang cảnh bên ngoài trụ sở FED ở thủ đô Washington ngày 2/4/2009. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Nga-Nhật khai thông bế tắc về tranh chấp chủ quyền lãnh thổ
Ngày 15 và 16​/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin​ đã có chuyến thăm Nhật Bản. Đây là chuyến thăm chính thức Nhật Bản đầu tiên của một tổng thống Nga trong 11 năm qua.

Chuyến thăm lẽ ra được thực hiện trong năm 2014 nhưng đã nhiều lần bị hoãn do các mối quan hệ giữa Nga với Nhóm các nền kinh tế phát triển G7 (mà Nhật Bản là một thành viên) trở nên xấu đi sau sự kiện bán đảo Crimea​ sáp nhập Crimea vào Liên bang Nga.

Tại đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin​ đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng nước chủ nhà Shinzo Abe. Nhật Bản và Nga đã nhất trí tiến hành đàm phán về các hoạt động chung trên các hòn đảo tranh chấp hiện do Nga kiểm soát và gọi là Nam Kuril trong khi Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc.

Việc bắt đầu đàm phán về những hoạt động kinh tế chung của hai nước là một "bước tiến quan trọng" hướng tới việc ký kết một hiệp ước hòa bình.

Hai nhà lãnh đạo đều có cùng quan điểm cho rằng các hoạt động kinh tế chung sẽ không làm tổn hại lập trường của mỗi nước liên quan đến hiệp ước này.

Ngoài ra, hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí khôi phục các cuộc tiếp xúc quân sự vốn bị đóng băng, cũng như các cuộc tiếp xúc theo thể thức "2+2."

Giữa Nga và Nhật Bản đã tồn tại tranh chấp chủ quyền đối với 4 hòn đảo mà Nga gọi là Nam Kuril hiện do Nga kiểm soát, còn Nhật Bản thì gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc.

Những tranh chấp này đã cản trở hai bên ký hiệp ước hòa bình sau Chiến tranh Thế giới thứ II.

Việc tìm ra được giải pháp cho những bất đồng về lịch sử vốn tồn tại giữa hai nước trong chuyến thăm Nhật Bản của Tổng thống Nga Putin lần này cho thấy nỗ lực của hai nước nhằm sớm bình thường hóa quan hệ.

Xem thêm tại đây: Người dân Nhật Bản "thất vọng" về cuộc gặp thượng đỉnh Abe-Putin

Sự kiện quốc tế 12-18/12: Nhiều tín hiệu vui trong tuần ảnh 3Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (phải) trong cuộc họp báo ở Tokyo ngày 16/12. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Libya chính thức tuyên bố giải phóng Sirte
Ngày 17/12, nhà lãnh đạo chính phủ đoàn kết Libya, Fayez al-Sarraj đã chính thức tuyên bố kết thúc chiến dịch quân sự tại Sirte, sau khi giải phóng thành trì chiến lược cuối cùng này của các tay súng thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Sarraj cũng cảnh báo điều này không có nghĩa cuộc chiến chống IS đã kết thúc.

Phát biểu trên truyền hình hai tuần sau thông báo lực lượng trung thành chính phủ đã kiểm soát Sirte, ông Sarraj tuyên bố chính thức chấm dứt chiến dịch quân sự và việc giải phóng thành phố duyên hải này khoảng 8 tháng sau khi bắt đầu chiến dịch chống IS tại đây.

Tuy nhiên, ông cảnh báo dù trận chiến tại Sirte đã kết thúc, song cuộc chiến chống khủng bố ở Libya chưa chấm dứt, nhấn mạnh đến sự cần thiết phải hợp nhất các lực lượng quân sự khác nhau thành một "quân đội duy nhất."

Việc để Sirte thất thủ là một bước lùi lớn của IS, vốn đang phải đối mặt với một loạt thất bại quân sự tại Syria và Iraq.

Hiện Chính phủ đoàn kết dân tộc (GNA) của ông Sarraj là tâm điểm hy vọng của các nước phương Tây trong việc ngăn chặn sự trỗi dậy của lực lượng thánh chiến tại Libya cũng như ngăn chặn dòng người di cư trái phép vượt Địa Trung Hải, khiến hàng nghìn người thiệt mạng./.

Sự kiện quốc tế 12-18/12: Nhiều tín hiệu vui trong tuần ảnh 4Lực lượng trung thành với Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya đóng chốt tại quận Al-Giza Al-Bahriya, thành phố Sirte. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Phát hiện thành phố cổ 2.500 năm tuổi ở Hy Lạp
Nhóm các nhà khảo cổ thuộc trường Đại học Gothenburg (Thụy Điển) và Bournemouth (Anh) vừa phát hiện một thành phố cổ 2.500 năm tuổi ở làng Vlochos, cách thủ đô Athens của Hy Lạp 300 km về phía Bắc.

Các nhà khảo cổ học đã bất ngờ phát hiện thành phố cổ trên khi tiến hành khai quật một phần di tích được phát hiện tại làng Vlochos.

Thành phố cổ được phát hiện nằm trên 1 ngọn đồi, trong đó các nhà khảo cổ đã tìm thấy một quảng trường, một mạng lưới đường sá, nhiều ngọn tháp, tường và cổng thành trên đỉnh và sườn đồi. Khu vực bên trong tường thành rộng khoảng 40 ha, cho thấy đây là một thành phố lớn thời cổ đại.

Trong 2 tuần đầu tiến hành khai quật, nhóm khảo cổ cũng tìm thấy đồ gốm và nhiều đồng tiền xu cổ có niên đại khoảng năm 500 Trước Công Nguyên​ tại ngọn đồi này.

Ông Robin Ronnlund​ - trưởng nhóm khảo cổ trên cho biết thành phố này từng phát triển thịnh vượng từ thế kỷ 4 đến thế kỷ 3 trước công nguyên, trước khi người dân rời khỏi đây, có thể do bị người La Mã xâm chiếm.

Theo ông Ronnlund, hiện có rất ít thông tin về các thành phố cổ ở khu vực này, theo đó dự án nghiên cứu và khai quật của nhóm sẽ giúp bổ sung những thông tin quan trọng khác.

Dự kiến, giai đoạn 2 của dự án khai quật sẽ được tiến hành vào tháng 8/2017.​

Sự kiện quốc tế 12-18/12: Nhiều tín hiệu vui trong tuần ảnh 5Thành phố cổ được phát hiện. (Nguồn: livescience)
Hy vọng mới cho những bà mẹ sinh con từ mô buồng trứng đông lạnh
Sau 1 năm cấy ghép lại buồng trứng được bảo quản đông lạnh từ khi mới 9 tuổi, chị Moaza Al Matrooshi, bà mẹ 24 tuổi ở Anh, ngày 13/12 đã hạ sinh một bé trai khỏe mạnh.

Đây cũng là ca sinh con thành công đầu tiên trên thế giới từ mô buồng trứng được bảo quản đông lạnh khi người mẹ chưa đến tuổi dậy thì.

Theo thông báo của trường Đại học Leeds, nơi bảo quản mô buồng trứng của chị Moaza Al Matrooshi, từ năm 9 tuổi, chị đã phải phẫu thuật cắt buồng trứng phải để tránh những tổn thương do việc điều trị hóa chất chữa bệnh rối loạn máu nghiêm trọng, và bộ phận cơ quan sinh sản này đã được đông lạnh.

Năm 2015, chị Moaza Al Matrooshi đã được cấy ghép lại mô buồng trứng này và kết quả theo dõi sau đó cho thấy nồng độ hoóc môn trong cơ thể Moaza Al Matrooshi bắt đầu trở lại bình thường, kéo theo hiện tượng rụng trứng.

Qua kiểm tra, các bác sỹ khẳng định khả năng sinh sản của Moaza Al Matrooshi đã hoàn toàn phục hồi.

Năm ngoái, một phụ nữ Bỉ cũng đã sinh nở thành công sau khi cấy ghép lại mô buồng trứng được bảo quản đông lạnh.

Tuy nhiên, khác với trường hợp của chị Moaza Al Matrooshi, buồng trứng của người phụ nữ này được cắt và bảo quản ở tuổi 13, tức là đã trải qua giai đoạn dậy thì.

Theo đánh giá của giới chuyên môn, sự kiện này là một bước tiến lớn trong lĩnh vực bảo quản các bộ phận của cơ quan sinh sản, mang lại hy vọng giúp nhiều phụ nữ trẻ mắc bệnh hiểm nghèo có cơ hội làm mẹ trong tương lai.

Xem thêm tại đây: Một phụ nữ Anh sinh con sau khi cấy ghép mô buồng trứng đông lạnh

Sự kiện quốc tế 12-18/12: Nhiều tín hiệu vui trong tuần ảnh 6Moaza Al Matrooshi và đứa con mới sinh. (Nguồn: Telegraph)
EU gia hạn lệnh trừng phạt Nga tới 31/7/2017
Ngày 15/12, lãnh đạo các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí kéo dài các biện pháp trừng phạt kinh tế chống lại Nga thêm 6 tháng nhằm gia tăng sức ép với Moskva liên quan tới các vấn đề Ukraine​ và Syria.

Quyết định trên được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh cuối cùng của lãnh đạo 28 nước thành viên EU trong năm 2016 diễn ra tại Brussels (Bỉ) và các thủ tục để kéo dài lệnh trừng phạt chính thức sẽ được triển khai vào đầu tuần tới.

Theo đó, EU sẽ duy trì các biện pháp trừng phạt nhằm vào các lĩnh vực quốc phòng, năng lượng và tài chính của Nga tới ngày 31/7/2017.

Tuy nhiên, quyết định trên lại gây ra sự chia rẽ trong nội bộ EU. Ba Lan là một trong số các nước mong muốn lệnh trừng phạt Nga được kéo dài nhất, còn Italy lại là nước đi đầu trong việc kêu gọi khối EU tái thiết lập quan hệ thương mại với "xứ sở Bạch dương." 

Động thái trên của EU cũng phát đi một tín hiệu kém lạc quan cho quan hệ EU-Mỹ, khi Tổng thống mới đắc cử của Mỹ Donald Trump, người sẽ chính thức nhậm chức vào ngày 20/1 tới, cam kết sẽ nỗ lực để hàn gắn quan hệ với Nga.

Tuy vậy, Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh: "Việc kéo dài thời gian trừng phạt Nga phải dựa vào tình hình hiện tại thay vì phải thăm dò các động thái sắp tới của tổng thống đắc cử Mỹ." 

EU bắt đầu áp đặt các biện pháp trừng phạt chống Nga sau khi nước này sáp nhập bán đảo Crimea vào tháng 7/2014 và sau đó gia tăng các biện pháp bổ sung với cáo buộc Moskva ủng hộ lực lượng đòi độc lập ở miền Đông Ukraine.

Nhưng phía Nga luôn bác bỏ mọi cáo buộc. Các biện pháp trừng phạt hiện tại sẽ hết hiệu lực vào ngày 31/1/2017.

Sự kiện quốc tế 12-18/12: Nhiều tín hiệu vui trong tuần ảnh 7Ảnh minh họa. (Nguồn: globalresearch.ca)
Italy: Ca cấy ghép thận vào vị trí lá lách đầu tiên trên thế giới
Các bác sỹ Italy vừa thực hiện thành công ca ghép thận vào vị trí lá lách của một bé gái 6 tuổi. Đây được coi là thành tựu y học đầu tiên trên thế giới về việc ghép thận vào vị trí lá lách của bệnh nhân.

Thông báo của Bệnh viện Molinette ở Turin cho biết bệnh nhi 6 tuổi trước đó đã phải chạy thận nhân tạo kể từ khi mới sinh do dị tật hiếm thấy ở thận và những bất thường đối với hệ thống mạch máu ở ổ bụng.

Bé gái được giấu tên này đã không thể uống nước và tiểu tiện trong suốt 6 năm qua.

Bệnh viện Molinette cho biết để tạo không gian cần thiết cho quả thận mới, một kỹ thuật mang tính cách mạng và sáng tạo đã được áp dụng, với việc loại bỏ lá lách của bé gái. Sức khỏe của bệnh nhân hiện tiến triển tốt. Cô bé đã có thể đi tiểu tiện ngay lập tức sau khi được ghép thận và cuối cùng có thể uống nước sau 6 năm qua.

Xem thêm tại đây: Italy: Ca cấy ghép thận vào vị trí lá lách đầu tiên trên thế giới

Sự kiện quốc tế 12-18/12: Nhiều tín hiệu vui trong tuần ảnh 8Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục