Sự kiện quốc tế 7-13/11: Thế giới "loạn nhịp" vì Donald Trump

Những diễn biến của thế giới tuần qua, cả về chính trị, xã hội và kinh tế, đều ít nhiều có sự ảnh hưởng từ kết quả đầy ngờ của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Nước Mỹ và thế giới sẽ ra sao khi Donald Trump làm tổng thống Mỹ

Sự kiện quốc tế 7-13/11: Thế giới "loạn nhịp" vì Donald Trump ảnh 1Tổng thống mới đắc cử Donald Trump (phải) phát biểu sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tại New York. (Nguồn: EPA/ TTXVN)

Trái với dự đoán của giới chuyên gia, tỷ phú Donald Trump đã bất ngờ giành thắng lợi vang dội trước cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

Chiến thắng bất ngờ và áp đảo của ông Donald Trump với 290 phiếu đại cử tri tính đến thời điểm hiện tại, áp đảo con số 232 phiếu của bà Hillary Clinton, đã gây sửng sốt cho toàn thế giới.

Theo nhận định ban đầu của giới phân tích, có một số nguyên nhân chủ quan và khách quan đã mang lại chiến thắng thuyết phục cho ông trùm bất động sản này trước cựu Đệ nhất phu nhân.

Về chủ quan, có thể nói rằng khí chất cứng cỏi và bản lĩnh của ứng cử viên Đảng Cộng hòa, một doanh nhân rất thành đạt trên thương trường, đã thuyết phục được cử tri Mỹ.

Ông đắc cử khi đã đánh trúng tâm lý của cử tri mong muốn có một sự thay đổi, một luồng gió mới sau 8 năm đất nước dưới sự lãnh đạo của đảng Dân chủ.

Nhiều cử tri bỏ phiếu cho ông không phải vì họ thích ông, cũng không phải vì họ tin vào cương lĩnh tranh cử của ông. Điều đơn giản là họ muốn có sự thay đổi.

Khẩu hiệu “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” đã thực sự đánh thức lòng tự hào dân tộc của nhiều cử tri. Những cử tri ủng hộ ông Trump không hẳn yêu thích con người ông, mà họ ủng hộ ông vì những mối lo như vấn đề người nhập cư, việc làm, bản sắc...

Điều này hoàn toàn trái với chủ trương “cứng rắn” của bà Clinton như cam kết đẩy mạnh chiến dịch quân sự tại Syria, thắt chặt quan hệ với các đồng minh truyền thống, thúc đẩy chính sách “xoay trục” sang châu Á-Thái Bình Dương... 

Ngày 13/11, trong cuộc trả lời phỏng vấn trên chương trình "60 phút" của hãng tin tức CBS News, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tuyên bố rằng các ứng cử viên ông chỉ định làm thẩm phán Tòa án Tối cao sẽ ủng hộ việc cấm nạo phá thai và bảo vệ quyền hiến định về sở hữu súng đạn của người dân.

Phát biểu trong chương trình này, ông Trump khẳng định các thẩm phán Tòa án Tối cao sẽ “bảo vệ Tu chính án số 2 của Hiến pháp Mỹ” về quyền sở hữu súng đạn.

Ngoài ra, ông Trump cũng nói rằng sẽ không tìm cách đảo ngược vấn đề hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính tại Mỹ.

Ông cũng tuyên bố có kế hoạch trục xuất ngay lập tức 2-3 triệu người nhập cư không có giấy tờ cư trú hợp pháp tại nước này.

Đây được coi là những tuyên bố nhất quán với quan điểm từng được ông Trump đưa ra trong chiến dịch tranh cử tổng thống vừa qua.

Chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ cũng khiến nhiều quốc gia băn khoăn về chính sách đối ngoại của nước Mỹ trong tương lai.

Tờ The Conversation của Australia vừa có bài phân tích và dự báo 5 thách thức mà ông Trump sẽ đối mặt trên thế giới.

Thách thức thứ nhất là ở Trung Đông. Người Mỹ xem tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng là mối đe dọa bên ngoài lớn nhất, dù vị thế của tổ chức này ở cả Iraq và Syria đang suy yếu.

Thách thức thứ hai đến từ Nga. Tỷ phú Trump từng nói một cách đầy ngưỡng mộ về Tổng thống Nga Vladimir Putin, vì vậy, có thể thấy ông Trump và Putin có thể sẽ xích lại gần nhau.

Thách thức thứ ba là châu Âu. Ông Trump không được lòng người châu Âu ở mức độ chưa từng có tiền lệ. Chỉ có 15% người dân ở lục địa già này tin tưởng vào khả năng lãnh đạo của tổng thống đắc cử Mỹ, trái với 85% dành cho Tổng thống Barack Obama.

Đại diện các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) hôm 13/11 đã nhóm họp tại Brussels (Bỉ) để bàn về cách thức đối phó với Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump, tuy nhiên Ngoại trưởng hai nước Anh và Pháp sẽ không tham dự.

Thách thức thứ tư đến từ Trung Quốc.
Mọi tổng thống Mỹ, từ thời Richard Nixon đều cố gắng kết hợp 3 chiến lược về Trung Quốc: can dự về mặt ngoại giao - chủ yếu để lôi kéo Trung Quốc khỏi Nga; làm mọi thứ có thể để khuyến khích phát triển tầng lớp trung lưu đông đảo ở Trung Quốc với hy vọng họ sẽ đòi các cải cách dân chủ; kiềm chế Trung Quốc trở thành cường quốc quân sự khu vực bằng cách bố trí các lực lượng ở châu Á và củng cố liên minh với các cường quốc châu Á khác. Ông Obama làm cả ba điều này, nhưng ông Trump có thể sẽ đi ngược lại.

Thách thức thứ năm là về các thỏa thuận thương mại tự do. Từ năm 2008, nhiều người Mỹ đã từ bỏ quan điểm rằng toàn cầu hóa đem lại lợi ích cho Mỹ. Họ cho rằng đó là nguồn gốc của sự bất an công việc, chứ không phải giải pháp cho nó.

Với những tác động về kinh tế, Báo Wall Street Journal (WSJ) của Mỹ có bài viết cho rằng chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đã giáng đòn mạnh vào tâm trạng lạc quan ở các thị trường đang phát triển, song Nga lại là một trường hợp ngoại lệ.

Theo WSJ, cho đến nay, các thị trường đang phát triển vẫn là những đối thủ năng động nhất trong năm 2016. Tuy nhiên, hiện tình hình của các thị trường này trở nên phức tạp trong bối cảnh ông Trump đã đưa ra những phát biểu chống toàn cầu hóa.

Ngày 11/11, các phương tiện truyền thông tại Mỹ đưa tin Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) đã đình chỉ các nỗ lực nhằm thông qua Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tại Quốc hội nước này trước khi Tổng thống Barack Obama rời nhiệm sở vào tháng 1/2017.

Tuy nhiên, cứ sau mỗi cuộc bầu cử tổng thống, xã hội Mỹ lại bị xé toang với những vết rạn nứt sâu sắc.

Nước Mỹ với cuộc bầu cử vừa khép lại cũng vậy, và có lẽ chưa bao giờ trong lịch sử bầu cử, nước Mỹ phải chứng kiến sự chia rẽ sâu sắc như thế khi làn sóng biểu tình dâng cao tại nhiều thành phố lớn trên khắp cả nước, phản đối Tổng thống đắc cử Donald Trump.

Câu hỏi đặt ra lúc này là Tổng thống đắc cử Trump sẽ thực hiện những thay đổi đó như thế nào. Và liệu những thay đổi đó có đúng như kỳ vọng của cử tri - những người đã đặt cược niềm tin của mình vào ông hay không?

Xem thêm tại đây: Trách nhiệm hàn gắn nước Mỹ của Tổng thống đắc cử Donald Trump
Một năm trôi qua, "bóng ma" khủng bố vẫn ám ảnh nước Pháp

Sự kiện quốc tế 7-13/11: Thế giới "loạn nhịp" vì Donald Trump ảnh 2Tổng thống Pháp Francois Hollande đặt vòng hoa tưởng niệm ở Paris ngày 13/11. (Nguồn: Reuters)

Tròn một năm xảy vụ thảm sát đêm 13/11/2015 ở thủ đô Paris, nhiều hoạt động tưởng niệm đã được tổ chức tại Paris và vùng phụ cận để tưởng niệm các nạn nhân xấu số.

Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thị trưởng thành phố Paris Anne Hidalgo đã tham dự lễ khai trương các tấm biển tưởng niệm các nạn nhân tại các quán rượu và nhà hàng, mục tiêu tấn công của các tay súng Hồi giáo cách đây đúng một năm.

Lễ tưởng niệm cuối cùng diễn ra tại Nhà hát Bataclan tại Paris, nơi xảy ra vụ bắt cóc con tin khiến 90 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương.

Trước đó, Nhà hát Bataclan đã mở cửa trở lại vào tối 12/11 với buổi trình diễn của ca sỹ nổi tiếng người Anh Sting.

Loạt vụ tấn công khủng bố tại thủ đô Paris vào đêm 13/11 đã xảy ra đồng loạt tại 6 địa điểm, gồm Nhà hát Bataclan, sân vận động Stade de France, phố Charonne, phố Alibert, phố Fontaine au Roi và Đại lộ Voltaire, làm 130 người thiệt mạng và hơn 350 người bị thương.

Bảy kẻ khủng bố đã bị tiêu diệt hoặc chết do đánh bom tự sát.​

Tuy nhiên, dù một năm đã trôi qua, bóng đen khủng bố vẫn là nỗi ám ảnh bao trùm nước Pháp, trở thành thách thức đối với các lực lượng an ninh và mối đe dọa thường trực đối với người dân Pháp.

Mặc dù chính phủ Pháp ngay lập tức có những động thái mạnh tay nhằm thắt chặt an ninh nội địa bằng việc tuyên bố tiến hành “cuộc chiến không khoan nhượng chống khủng bố”, ban bố “tình trạng khẩn cấp”, đồng thời tăng cường quân số cho lực lượng cảnh sát và quân đội, nhưng từ đầu năm đến nay, nước Pháp vẫn liên tục là mục tiêu của khủng bố, tiếp tục hứng chịu đau thương trong nhiều vụ tấn công với những hình thức biến tấu khác nhau nhưng đều mang “dấu ấn” của tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng.

Xem thêm tại đây: Một năm vụ tấn công đẫm máu ở Pháp: "Bóng ma" khủng bố vẫn ám ảnh
Lần đầu tiên trong lịch sử Hàn Quốc, một tổng thống đương nhiệm có thể bị thẩm vấn

Sự kiện quốc tế 7-13/11: Thế giới "loạn nhịp" vì Donald Trump ảnh 3Tổng thống Park Geun-hye. (Nguồn: AP/TTXVN)

Ngày 13/11, phóng viên TTXVN tại Seoul dẫn nhiều nguồn tin từ cơ quan công tố Hàn Quốc cho biết Tổng thống Park Geun-hye có thể sẽ bị thẩm vấn, sớm nhất là vào tuần sau, về vai trò của bà trong vụ bê bối tham nhũng nói trên.

Nếu cuộc thẩm vấn được thực hiện, đây sẽ là lần đầu tiên trong lịch sử Hàn Quốc một vị tổng thống đương nhiệm bị các công tố viên thẩm vấn. Hiến pháp Hàn Quốc không cho phép tổng thống đương nhiệm bị truy tố, nhưng nhiều quan chức cao cấp cho rằng việc thẩm vấn để phục vụ cho một cuộc điều tra lớn hơn là hoàn toàn có thể.

Hiện Tổng thống Park Geun-hye đang phải đối phó với vụ bê bối vì đã tiết lộ nhiều bài phát biểu và tài liệu cho bà Choi Soon-Sil, người bạn thân với nữ tổng thống trong 40 năm qua. Bà Choi bị nghi ngờ lợi dụng mối quan hệ này để can thiệp vào các công việc quốc gia, trong đó có một số vấn đề chính sách nhạy cảm.

Bà Choi cũng đang bị điều tra việc lợi dụng quan hệ thân thiết với Tổng thống để gây ảnh hưởng lên các doanh nghiệp lớn, khiến họ phải quyên góp tiền vào 2 quỹ phi lợi nhuận do bà lập nên. Ước tính số tiền đóng góp vào các quỹ này vào khoảng 50 tỷ won (tương đương 44 triệu USD).

Xem thêm tại đây: Tổng thống Hàn Quốc nhất trí gặp lãnh đạo đảng Dân chủ đối lập
Kỷ niệm 75 năm Cuộc duyệt binh lịch sử của Hồng quân Liên Xô

Sự kiện quốc tế 7-13/11: Thế giới "loạn nhịp" vì Donald Trump ảnh 4Cuộc duyệt binh trên Quảng trường Đỏ ở thủ đô Moskva. (Nguồn: Sputnik)

Ngày 7/11, tại Nga đã diễn ra nhiều hoạt động long trọng nhân kỷ niệm 75 năm cuộc duyệt binh huyền thoại của Hồng quân Liên Xô (7/11/1941-7/11/2016).

Hơn 5.000 người đã diễu hành trên Quảng trường Đỏ ở thủ đô Moskva để kỷ niệm Ngày Vinh quang chiến s​ỹ, ngày diễn ra cuộc duyệt binh huyền thoại cách đây 75 năm.

Cuộc diễu hành gồm có 2 phần, phần diễu hành của các quân nhân trong quân phục năm 1941 và phần tái hiện các giai đoạn quan trọng trong cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại của nhân dân Liên Xô trước đây. Hòa trong tiếng nhạc của bài hát "Cuộc chiến tranh thần thánh" (The Sacred War), những quân nhân tham gia diễu hành phất cao cờ của các lực lượng đã bảo vệ Moskva cách đây 75 năm, mở đầu cho cuộc diễu hành long trọng này.

Sau đó, các binh sỹ trong quân phục năm 1941 đã tham gia diễu hành và tái hiện lại các giai đoạn trong cuộc chiến bảo vệ Moskva trong tiếng nhạc của các bài hát thời chiến. Ngoài ra, các phương tiện kỹ thuật chiến đấu cũng được đưa ra diễu hành dọc Quảng trường Đỏ và trưng bày tại đây đến 5 giờ chiều (giờ địa phương), trong đó có xe tăng T-34, T-38. T-37 hay T-60.

Trước đó, tại Nga cũng đã diễn ra các hoạt động kỷ niệm khác, bắt đầu với lễ đặt vòng hoa tưởng niệm và ghi công tại Mộ Chiến s​ỹ vô danh. Đến dự buổi lễ có các cựu chiến binh, những người đã tham gia cuộc duyệt binh lịch sử năm 1941, cuộc duyệt binh mừng ngày Chiến thắng năm 1945, cùng đại diện các hội cựu chiến binh, hội thanh niên và chính quyền các thành phố.

Xem thêm tại đây: Duyệt binh huyền thoại 75 năm trước của Hồng quân đã diễn ra thế nào?
Palestine: Đã điều tra được thủ phạm gây ra cái chết của ông Arafat

Sự kiện quốc tế 7-13/11: Thế giới "loạn nhịp" vì Donald Trump ảnh 5Cố lãnh đạo Palestine Yasser Arafat. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 10/11, phát biểu trong buổi lễ kỷ niệm 12 năm ngày mất của ông Arafat, tổ chức tại thành phố Ramallah thuộc khu Bờ Tây, Tổng thống Abbas khẳng định đã biết thủ phạm gây ra cái chết của ông Arafat, nhưng hiện chưa có đủ bằng chứng thuyết phục để đưa ra các cáo buộc.

Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas cho biết cuộc điều tra nguyên nhân cái chết của cố lãnh đạo Chính quyền dân tộc Palestine (PNA) Yasser Arafat đang có những tiến triển mới.

Ủy ban điều tra sẽ tiếp tục tìm thêm chứng cớ và kết quả điều tra sẽ được công bố sớm nhất đến toàn dân sau khi có kết luận chính thức.

Xem thêm tại đây: Palestine: Đã điều tra được thủ phạm gây ra cái chết của ông Arafat
Chính phủ Anh bắt đầu soạn thảo luật rời khỏi Liên minh châu Âu

Sự kiện quốc tế 7-13/11: Thế giới "loạn nhịp" vì Donald Trump ảnh 6Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Chính phủ Anh bắt đầu soạn thảo một dự luật về quy trình nước này rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), trong bối cảnh Thủ tướng Theresa May bày tỏ tin tưởng có thể đảo ngược phán quyết của tòa án có thể làm trì hoãn tiến trình Brexit này.

Tuần trước, Tòa Thượng thẩm Anh đã ra phán quyết Chính phủ Anh cần phải nhận được sự phê chuẩn của Quốc hội để kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon khởi động tiến trình rời khỏi "mái nhà chung" EU kéo dài 2 năm.

Chính phủ Anh cho rằng điều này có thể trì hoãn vô thời hạn việc kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon khi mà hầu hết các nghị s​ỹ Anh muốn nước này ở lại EU.

Trong khi đó, Thủ tướng May quyết tâm thực hiện điều mà bà cho là "ý nguyện của người dân," theo đó thời hạn chót tháng 3/2017 khởi động các cuộc đàm phán về việc Anh rời khỏi EU vẫn sẽ không thay đổi. Theo người phát ngôn của Thủ tướng May, chính phủ tập trung vào việc kháng cáo thành công phán quyết trên của Tòa thượng thẩm vào tháng sau.

Theo Sky News, dự luật chính phủ đang soạn thảo sẽ phải được xem xét tại cả hai viện quốc hội và đây có thể là một tiến trình dài./.
Người dân Ấn Độ tức giận vì ATM hết tiền mặt khi tiền 500 và 1.000 rupee bị thu hồi

Sự kiện quốc tế 7-13/11: Thế giới "loạn nhịp" vì Donald Trump ảnh 7Các cây ATM đông kín người tại Ấn Độ. (Nguồn: thehindu.com)

Trong một động thái bất ngờ nhằm chống nạn trốn thuế và tham nhũng, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi​ ngày 8/11 tuyên bố tiền giấy mệnh giá 500 rupee (tương đương 7,5 USD) và 1.000 rupee bị rút khỏi hệ thống tài chính của nước này.

Các tờ giấy bạc 2 mệnh giá này sẽ không còn giá trị lưu thông kể từ nửa đêm 8/11.

Gần một nửa số cây ATM ở Ấn Độ đã dừng hoạt động vào ngày 11/11 và những máy hoạt động thì nhanh chóng hết tiền khi hàng trăm nghìn người quây kín.

Người dân phải đứng xếp hàng ngoài các ngân hàng ngày thứ ba liên tiếp để đổi tiền mệnh giá 500 rupee (7,5 USD) và 1.000 rupe, sau khi Thủ tướng Narendra Modi thông báo những tờ tiền này sẽ không còn được lưu thông hợp pháp, biện pháp mới nhất trong nỗ lực chống tham nhũng và trốn thuế.

Xem thêm tại đây: Người dân Ấn Độ tức giận vì hơn 50% số máy ATM hết tiền mặt
Người Trung Quốc lập kỷ lục mua sắm trực tuyến trong Ngày Độc thân

Sự kiện quốc tế 7-13/11: Thế giới "loạn nhịp" vì Donald Trump ảnh 8Các dịch vụ vận chuyển ở Trung Quốc quá tải trong Ngày Độc thân. (Nguồn: Reuters)

Khi đồng hồ điểm nửa đêm ngày thứ Sáu 11/11, Alibaba đã công bố doanh thu cuối cùng của mình trong Singles Day 2016 (Ngày Độc thân) với con số kinh ngạc tới: 17,7 tỷ USD giá trị tổng số lượng hàng hóa (GMV).

Alibaba khởi xướng “Singles Day” lần đầu tiên vào năm 2009 như phiên bản “Black Friday” của Trung Quốc, đã nhanh chóng trở thành một cơ hội cho các công ty thương mại điện tử của nước này cạnh tranh về thị phần.

Singles Day là dịp mua sắm lớn nhất thế giới, và con số doanh thu của Alibaba năm nay đã làm lu mờ các con số bán hàng 2,74 tỷ USD trong ngày Black Friday và 3,07 tỷ USD trong ngày Cyber ​​Monday ở Mỹ diễn ra vào cuối tháng này.

Singles Day lần đầu tiên được tổ chức vào những năm 1990 cho những người trẻ độc thân Trung Quốc như một sự kiện chống ngày Valentine. Năm 2009, Alibaba bắt đầu sử dụng sự kiện này để thúc đẩy giảm giá hàng hóa của các nhà bán lẻ trên nền tảng thương mại điện tử của hãng, và như một phương tiện để thúc đẩy doanh thu trong giai đoạn mảng bán hàng truyền thống ở Trung Quốc vốn yên tĩnh trước khi nghỉ Tết Nguyên đán.

Xem thêm tại đây: Alibaba phá vỡ kỷ lục, thu về tới 17,7 tỷ USD trong Singles Day
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục