Nước Mỹ đánh dấu 15 năm sau vụ khủng bố kinh hoàng 11/9
Nhân viên cứu hộ nỗ lực tìm kiếm các nạn nhân mắc kẹt dưới những đống đổ nát tại Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York, Mỹ. (Nguồn: EPA/TTXVN)
Ngày 11/9, tên của gần 3.000 nạn nhân thiệt mạng trong các vụ tấn công khủng bố đẫm máu nhất lịch sử nước Mỹ cách đây 15 năm một lần nữa được đọc lên tại Khu vực số 0 (Ground Zero), nay là Bảo tàng Tưởng niệm các nạn nhân vụ 11/9 và khu Trung tâm Thương mại Thế giới mới tại thành phố New York.
Lễ tưởng niệm tại New York có 6 phút im lặng, đánh dấu sáu thời khắc kinh hoàng của vụ khủng bố 15 năm trước, bao gồm thời điểm hai máy bay đâm vào tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới, khi hai tòa tháp này sụp đổ, khi Lầu Năm Góc bị tấn công và khi chuyến bay 73 lao xuống một cánh đồng ở Pennsylvania.
Tuy nhiên, 15 năm sau vụ tấn công 11/9/2001, nước Mỹ đang mắc kẹt trong cuộc chiến chống khủng bố và không giành được ưu thế trước chủ nghĩa cực đoan đang truyền cảm hứng cho các nhóm khủng bố như al-Qaeda.
Trả lời phóng viên qua điện thoại ngày 7/9, Chủ tịch Ủy ban 11/9 của Mỹ, ông Thomas Kean, nhận định nước Mỹ đang ở trong thế bế tắc trong cuộc chiến chống khủng bố.
Theo cựu thống đốc bang New Jersey, đúng là nước Mỹ không phải đối mặt với một vụ tấn công nào quy mô như vụ 11/9 trong suốt 15 năm qua song đổi lại phải đương đầu với hàng loạt vụ khủng bố nhỏ lẻ.
Xem thêm tại đây: Nước Mỹ tưởng niệm 6 khoảnh khắc kinh hoàng 15 năm trước
Triều Tiên tuyên bố thực hiện thành công vụ thử hạt nhân lần thứ 5
Bãi thử hạt nhân Punggye-ri tại miền đông bắc Triều Tiên. (Nguồn: Yonhap/TTXVN)
Ngày 9/9, Triều Tiên tuyên bố đã thực hiện thành công vụ thử hạt nhân lần thứ 5.
Trước đó, Hãng thông tấn Yonhap dẫn các nguồn chính phủ Hàn Quốc cho biết Triều Tiên có thể đã thử hạt nhân lần thứ 5, sau khi một trận động đất mạnh 5 độ Richter được ghi nhận sáng 9/9 tại khu vực nơi Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 4 hồi tháng 1 vừa qua.
Theo Reuters, chuyên gia phân tích Jeffrey Lewis thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury có trụ sở ở California (Mỹ) cho rằng sự kiện địa chấn mạnh 5,3 độ richter ở Triều Tiên ngày 9/9, được cho là vụ thử hạt nhân thứ 5 của Bình Nhưỡng, sẽ cho thấy năng lượng được giải phóng từ một thiết bị ở mức ít nhất 20-30 kiloton (đơn vị trọng lượng 1.000 tấn), mức lớn nhất chưa từng có của một thiết bị hạt nhân của Triều Tiên.
Ông Lewis nói: “Đó là vụ thử lớn nhất cho đến nay của Triều Tiên, ít nhất là 20-30 kiloton.”
Xem thêm tại đây: Năng lượng giải phóng từ vụ nổ ở Triều Tiên ở mức chưa từng có
Apple trình làng iPhone 7 và iPhone 7 Plus
Vào lúc 0 giờ giờ 8/9 theo giờ Việt Nam, sự kiện ra mắt iPhone 7 chính thức bắt đầu tại trung tâm hội nghị Bill Graham Auditorium ở San Francisco, Mỹ.
Chiếc iPhone 7, với giá khởi điểm từ 649 USD, sẽ có một máy ảnh 12 megapixel. Trong khi đó, phiên bản "Plus", có giá khởi điểm từ 769 USD, sẽ sở hữu 1 camera ống kính góc rộng và 1 camera ống kính tele.
Cả iPhone 7 và iPhone 7 Plus sẽ có 5 màu sắc: đen, xám, bạc, vàng và vàng hồng, cùng dung lượng 32GB, 128GB và 256GB để khách hàng lựa chọn.
Hai mẫu điện thoại mới sẽ có mặt trên các thị trường quan trọng, trong đó có Mỹ và Trung Quốc, từ ngày 16/9.
Cũng trong sự kiện trên, Apple đã trình làng đồng hồ thông minh Apple Watch Series 2 với khả năng chống nước ở độ sâu 50 mét. Sản phẩm này sẽ ra mắt tại 25 quốc gia từ ngày 16/9.
Xem thêm tại đây: Trực tiếp sự kiện ra mắt iPhone 7, Apple Watch 2 của Apple
Hội nghị Cấp cao ASEAN chính thức khai mạc tại Lào
Lá cờ các nước tham dự hội nghị được treo bên ngoài trung tâm báo chí hội nghị ở Vientiane. (Nguồn: AFP)
Ngày 6/9, Hội nghị Cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 28 và 29 đã chính thức khai mạc tại thủ đô Vientiane của Lào với chủ đề "Biến tầm nhìn thành hiện thực vì một Cộng đồng ASEAN năng động."
Lễ khai mạc được tổ chức tại Trung tâm hội nghị quốc gia Vientiane. Hai Hội nghị Cấp cao diễn ra trong ngày 6/9 và ngày 7/9 với chủ đề chính là những nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN.
Ngày 6/9, các nguyên thủ ASEAN chứng kiến lễ Triển khai Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN 2025 và Sáng kiến Kế hoạch Công tác Hội nhập ASEAN III, và giới thiệu Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN.
Trong các hội nghị liên quan diễn ra trong các ngày 6-8/9, Hội nghị Cấp cao ASEAN+1, Hội nghị Cấp cao về Kỷ niệm 25 năm thành lập quan hệ đối toại ASEAN-Trung Quốc, Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 (với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) và Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) sẽ tập trung vào quan hệ hợp tác của 10 thành viên ASEAN với các nước đối tác đối thoại./.
EU kéo dài lệnh trừng phạt Nga liên quan tới Crimea và Ukraine
Khách hàng lựa chọn hoa quả Thổ Nhĩ Kỳ tại siêu thị ở Moskva (Nga) ngày 29/11. (Nguồn: THX/TTXVN)
Ngày 7/9, Liên minh châu Âu (EU) đã mở rộng một phần các biện pháp trừng phạt Nga liên quan tới việc Moskva sáp nhập bán đảo Crimea và vai trò của Nga trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Giới ngoại giao cho biết các lệnh cấm đi lại và đóng băng tài sản của EU, hết hạn vào ngày 15/9 tới, sẽ được kéo dài thêm 6 tháng và bao gồm khoảng 150 cá nhân cùng 37 thực thể liên quan tới tình hình bất ổn ở Crimea và miền Đông Ukraine.
Các phiến quân cùng một số quan chức, nghị sỹ và chính trị gia của Nga cũng năm trong danh sách trừng phạt của EU - hai thành phần được biết đến là những người từng lên tiếng ủng hộ lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine.
Ngoài ra, các biện pháp trừng phạt cũng nhằm vào Almaz-Antey, nhà sản xuất các thệ thống phòng không của Nga, và một số xí nghiệp ở Crimea, đã được chuyển giao cho ban lãnh đạo mới của Nga quản lý sau khi Moskva sáp nhập bán đảo này hồi tháng 3/2014./.
Sự cố Note 7 kéo cổ phiếu của Samsung rơi xuống "vực sâu"
Mẫu điện thoại Galaxy Note 7 của hãng Samsung được giới thiệu tại Seoul, Hàn Quốc ngày 2/9. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Cổ phiếu của Samsung Electronics Co đã trượt dốc theo phương thẳng đứng ngay trong giờ mở cửa phiên giao dịch đầu tuần ở thị trường chứng khoán Seoul (Hàn Quốc), với mức giảm tới 5,5%.
Samsung, cùng với nhà chức trách nhiều nước mới đây đã yêu cầu người dùng dừng ngay việc sử dụng điện thoại Galaxy Note 7 do nguy cơ cháy.
"Gã khổng lồ" điện tử Hàn Quốc đang tiến hành đợt thu hồi chưa từng có trên toàn thế giới tất cả 2,5 triệu chiếc điện thoại Galaxy Note 7 với chi phí ước tính hơn 1 tỷ USD.
Kể từ khi Samsung tung ra thị trường điện thoại Galaxy Note 7 hồi tháng Tám, nhiều hình ảnh chiếc điện thoại này bị cháy được tung lên mạng xã hội.
Samsung xác nhận pin của điện thoại bị lỗi và họ đang cố gắng đổi thay thế cho các khách hàng những chiếc điện thoại mới với viên pin an toàn.
Theo kế hoạch, Samsung sẽ tiến hành đổi máy Galxy Note 7 mới cho nhiều thị trường, trong đó có thị trường Mỹ và Hàn Quốc, từ ngày 19/9 tới./.
Tiểu hành tinh 17473 được đặt theo tên huyền thoại ban nhạc Queen
Huyền thoại Freddie Mercury. (Nguồn: abc.net.au)
Nhân kỷ niệm 70 năm ngày sinh thành viên trụ cột quá cố ban nhạc Queen huyền thoại, Freddie Mercury, tiểu hành tinh 17473 đã được đặt theo tên ông. Hành tinh này được phát hiện hồi năm 1991, đúng năm Mercury qua đời vì căn bệnh liên quan đến AIDS.
Công bố giấy chứng nhận đặt tên Mercury cho tiểu hành tinh Asteroid 17473, Joel Parker thuộc Viện Nghiên cứu Tây Nam, cho biết tiểu hành tinh này là một sự tán dương đối với Freddie Mercury. Còn tại cuộc gặp gỡ 1.250 người hâm mộ được tổ chức tại Montreux Casino ở Thụy Sĩ, nghệ sĩ guitar của ban nhạc Queen, Brian May cho biết tiểu hành tinh này giờ sẽ được gọi là Asteroid 17473 Freddiemercury.
Tiểu hành tinh Freddie Mercury nằm trong vành đai các tiểu hành tinh giữa quỹ đạo của sao Hỏa và sao Mộc. Đây là một vật thể tối, giống như một hòn than trong không gian. Nhìn bằng mắt từ trái đất nó mờ nhạt hơn 10.000 lần so với nhìn bằng kính thiên văn và đó chính là lý do tại sao đến năm 1991 nó mới được phát hiện.
Việc đặt tên Freddie Mercury cho một tiểu hành tinh mới diễn ra sau một loạt sự kiện mừng kỷ niệm sinh nhật lần thứ 70 của Mercury do Brian May tổ chức hồi cuối tuần qua./.
Bất ngờ tìm thấy robot Philae mắc kẹt hai năm trên sao chổi
Ngày 6/9, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) cho biết, đã tìm thấy robot Philae, sau hai năm mất liên lạc trên sao Chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko. Việc này diễn ra chỉ hai tuần trước khi các nhà khoa học quyết định phá hủy tàu mẹ Rosetta.
Trước đó, các trạm quan sát mặt đất đã nói lời chào lần cuối với tàu thăm dò Philae, trước khi cắt toàn bộ kênh liên lạc sau một năm ngừng hoạt động với robot thăm dò Philae. Robot này từng hạ cánh an toàn xuống Sao Chổi từ phi thuyền Rosetta của Cơ quan Hàng không vũ trụ châu Âu (ESA).
Ngày 27/7, phát biểu với hãng tin AFP từ trạm kiểm soát mặt đất ở Cologne, ông Andreas Schuetz thuộc Cơ quan Hàng không vũ trụ Đức DLR cho biết mọi thông tin liên lạc với tàu thăm dò Philae đã chấm dứt, kết thúc một sứ mệnh thành công đối với giới khoa học.
Theo ông, quyết định cắt mọi nguồn thông tin liên lạc với tàu Philae là nhằm tiết kiệm năng lượng cho "tàu mẹ" Rosetta, đang làm nhiệm vụ bay quanh quỹ đạo Sao Chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko, trong những tuần cuối cùng thực hiện sứ mệnh lịch sử riêng của mình, dự kiến chấm dứt vào ngày 30/9 tới./.
(Vietnam+)