Sự kiện quốc tế 25/6-1/7: Vụ mất tích bí ẩn tại Thái Lan

Một đội bóng thiếu niên mất tích trong hang động tại Thái Lan, động đất mạnh gây thiệt hại nặng cho ngành khoa học, dự kiến về cuộc gặp thượng đỉnh Nga Mỹ nằm trong số những sự kiện nổi bật tuần qua.
Một đội bóng thiếu niên của Thái Lan mất tích trong hang động
Lực lượng cứu hộ Thái Lan đang nỗ lực tìm kiếm một đội bóng thiếu nên cùng huấn luyện viên được cho là mắc kẹt mấy ngày qua trong một hang động ngập nước do mưa lớn ở tỉnh Chiang Rai.

Đội bóng gồm 12 nam thiếu niên, tuổi từ 11 đến 16 cùng huấn luyện viên 25 tuổi mất tích từ tối 23/6.

Lực lượng cứu hộ đã triển khai hoạt động tìm kiếm từ ngày 24/6 sau khi phát hiện xe đạp cùng giày đá bóng của đội bóng này tại miệng hang Tham Luang.

Sáng 1/7, lực lượng cứu hộ đã tiến sâu thêm vào hang động Tham Luang bị ngập nước đem đến hy vọng giải cứu được những người này.

Theo Tỉnh trưởng Narongsak Osottanakorn, nhóm thợ lặn Mỹ đã tới được khu vực điểm giao của hai ngách hang có thể cách đội bóng này khoảng 2km.

Lực lượng cứu hộ Thái Lan đã tới vị trí này hồi giữa tuần nhưng phải quay lại do dòng nước quá mạnh.

Hiện, nỗ lực tìm kiếm đội bóng Thái Lan mất tích trong hang đang được đẩy nhanh sau khi mưa ngớt, nước rút khiến hang bớt ngập.

Trước đó, vì nỗ lực hút nước khỏi hang không thể giải quyết vấn đề, nhà chức trách đã đẩy mạnh tìm kiếm những lỗ thông trên sườn núi có thể dẫn tới các khu vực bị cô lập, nơi nhiều khả năng tìm thấy đội bóng bị kẹt.

Tỉnh trưởng tỉnh Chiang Rai Narongsak Osatanakorn cho biết nhóm cứu hộ thuộc Hải quân Thái Lan trong tối hôm trước đã tiến vào một ngã ba trong hệ thống hang Tham Luang và trong ngày 2/7 sẽ tiến hành kiểm tra nhánh bên trái.

Tuy nhiên, lối đi tại nhánh này quá nhỏ và đội cứu hộ sẽ cần mở rộng để đi qua. Quan chức này cũng cho biết nước lũ đã rút dần trong những ngày gần đây, tạo điều kiện cho đội cứu hộ hoạt động dễ dàng hơn.

Trong khi đó, tại trường Mae Sai Prasitsart, nơi 12 cậu bé mất tích theo học, đã tổ chức buổi cầu nguyện cho sự an toàn của nhóm người mất tích.

Sự kiện quốc tế 25/6-1/7: Vụ mất tích bí ẩn tại Thái Lan ảnh 1Nhóm thợ lặn tìm kiếm các nạn nhân mắc kẹt bên trong hang động Tham Luang ở Chiang Rai, Thai Lan ngày 30/6. (Ảnh: EFE-EPA/TTXVN)
Ông Recep Tayyip Erdogan giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội ở Thổ Nhĩ Kỳ
Ngày 25/6, hãng thông tấn nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu đưa tin, đương kim Tổng thống Recep Tayyip Erdogan và liên minh do đảng Công lý và Phát triển (AKP) của ông đứng đầu đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội nước này diễn ra một ngày trước đó.

Với việc giành được khoảng 52,5% số phiếu bầu, bỏ xa đối thủ chính là ứng cử viên Muharrem Ince - đại diện đảng Nhân dân cộng hòa (CHP), ông Erdogan đã dễ dàng tránh phải đối đầu trong cuộc bầu cử vòng 2.

Chiến thắng của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan và đảng AKP được xem là “bước ngoặt” đánh dấu sự khởi đầu của hệ thống chính trị mới tại quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) này.

Không chỉ được gia tăng quyền lực để đối phó hàng loạt thách thức an ninh và kinh tế, kết quả bầu cử này còn là cơ hội để ông Erdogan cụ thể hóa những thay đổi căn bản trong Hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ, đã được thông qua trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2017, theo đó chuyển từ chế độ chính trị nghị viện sang chế độ tổng thống.

Sau khi tuyên bố đắc cử, Tổng thống Erdogan đã cam kết chính sách đối nội và đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ dành ưu tiên bảo đảm duy trì an ninh và ổn định trong nước, song để bảo đảm vị thế của một quốc gia thành viên NATO có vị trí địa-chính trị chiến lược, trong bối cảnh tình hình khu vực diễn biến phức tạp, các nhà phân tích cho rằng, sẽ còn nhiều khó khăn đang chờ Tổng thống Erdogan ở phía trước.

Sự kiện quốc tế 25/6-1/7: Vụ mất tích bí ẩn tại Thái Lan ảnh 2Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Dự luật Brexit chính thức trở thành Luật
Ngày 26/6, dự luật Anh rút khỏi Liên minh châu Âu (EU) của Chính phủ Anh, hay còn gọi là dự luật Brexit, đã được Nữ hoàng Anh Elizabeth II phê chuẩn, mở đường cho nước Anh rời khỏi EU.

Trước đó, vào ngày 20/6, dự luật Brexit cũng đã được Hạ viện Anh bỏ phiếu thông qua với tỷ lệ 319 phiếu ủng hộ và 303 phiếu chống.

Hạ viện đã bác đề nghị trao quyền cho các nghị sỹ để tránh xảy ra kịch bản nước Anh rời EU mà không đạt được thỏa thuận nào.

Trong khi đó, Thượng viện cũng đã chấp thuận những sửa đổi của chính phủ, trong đó cam kết coi trọng vai trò của nghị viện trong thỏa thuận cuối cùng về Brexit.

Việc ban hành Luật Brexit được đánh giá là một “bước tiến quan trọng” trong hoạt động chuẩn bị của Anh, và là “thời điểm tốt đối với tất cả những ai muốn có cuộc chia tay với EU trong suôn sẻ và có trật tự.” 

Tuy nhiên, thực tế tiến trình đàm phán về Brexit giữa Anh và EU vẫn được nhận định là còn rất nhiều chông gai phía trước.

Hiện những bế tắc giữa hai bên về vấn đề đường biên giới Ireland khiến người ta lo ngại tiến trình “ly hôn” giữa Anh và EU khó đạt được đúng hẹn là vào trước cuối năm 2018.

Sự kiện quốc tế 25/6-1/7: Vụ mất tích bí ẩn tại Thái Lan ảnh 3(Nguồn: rte.ie)
17 bang kiện chính quyền của Tổng thống Trump về chính sách nhập cư
Ngày 26/6, trong nỗ lực gây sức ép để giới chức Mỹ đoàn tụ các gia đình nhập cư bị chia tách tại biên giới Mỹ-Mexico, 17 bang của Mỹ, trong đó có Washington, New York và California, đã gửi đơn kiện chính quyền của Tổng thống Donald Trump lên Tòa án liên bang ở Seattle.

Trong một tuyên bố qua thư điện tử, Bộ trưởng Tư pháp bang New Jersey, ông Gurbir Grewal cho rằng, việc chính quyền Mỹ chia tách trẻ em khỏi gia đình là hành động tàn nhẫn.

Sự kiện trên diễn ra trong bối cảnh những tuần gần đây, chính quyền của Tổng thống Trump bị chỉ trích từ các tổ chức nhân quyền vì đã tách khoảng 2.300 trẻ khỏi cha mẹ tại khu vực biên giới với Mexico, trong một chiến lược nhằm ngăn chặn vấn đề nhập cư bất hợp pháp của Mỹ.

Trước sự phản đối của dư luận Mỹ cũng như quốc tế về chính sách di trú gây tranh cãi, ngày 21-6 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phải ký sắc lệnh hủy bỏ quy định chia tách trẻ em trong các gia đình nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ với bố mẹ chúng ngay tại khu vực biên giới.

Theo đó, tuy trẻ em trong những nhóm gia đình di cư vượt biên trái phép sẽ không bị chia tách khỏi cha mẹ nữa, song các gia đình này sẽ vẫn bị giam giữ trong thời gian chờ tòa xét xử và thời gian các cơ quan chức năng Mỹ xét duyệt đơn xin nhập cư.

Sự kiện quốc tế 25/6-1/7: Vụ mất tích bí ẩn tại Thái Lan ảnh 4Người di cư tiến về khu vực biên giới Mexico-Mỹ ở Tijuana, bang Baja California (Mexico). (Nguồn: AFP/TTXVN)
Đánh bom liều chết ở Afghanistan khiến hơn chục người chết và bị thương
Ngày 25/6, một vụ đánh bom liều chết đã xảy ra tại tỉnh Kunar, miền Đông Afghanistan, khiến ít nhất 9 cảnh sát đã thiệt mạng và 3 người khác bị thương.

Theo người phát ngôn chính quyền địa phương, một phần tử khủng bố đã tìm cách đột nhập trụ sở Cảnh sát địa phương Afghanistan (ALP) ở khu vực Chawkay.

Sau khi bị lực lượng an ninh phát hiện và chặn lại, đối tượng này đã kích hoạt khối thuốc nổ mang theo mình. ALP được chính phủ Afghanistan thành lập năm 2010 nhằm bảo vệ các ngôi làng và khu vực có ít sự hiện diện của quân đội và cảnh sát.
Chưa có tổ chức nào thừa nhận đứng sau vụ tấn công trên, song Kunar là tỉnh miền núi được coi là địa bàn của phiến quân Taliban và tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng.
Các vụ tấn công nhằm vào lực lượng an ninh Afghanistan gây thương vong đã gia tăng kể từ đầu năm 2015 khi binh sỹ và cảnh sát Afghanistan tiếp quản việc đảm bảo an ninh từ lực lượng Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Trong bối cảnh cuộc tổng tuyển cử tại Afghanistan sắp diễn ra vào tháng 10 tới, những vụ tấn công nhằm vào lực lượng an ninh Afghanistan tiếp tục đặt ra những thách thức về an ninh cho chính quyền nước này.

Sự kiện quốc tế 25/6-1/7: Vụ mất tích bí ẩn tại Thái Lan ảnh 5Hiện trường một vụ nổ ở tỉnh Nangarhar, Afghanistan ngày 17/6. (Nguồn: THX/TTXVN)
Bộ trưởng 16 nước châu Á-Thái Bình Dương đàm phán RCEP tại Nhật Bản
Ngày 1/7, các bộ trưởng từ 16 quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã họp tại Tokyo (Nhật Bản) để đẩy nhanh quá trình đàm phán tiến tới một thỏa thuận tự do thương mại chung cho toàn khối hay còn gọi là Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP) trong bối cảnh những lo ngại từ chủ nghĩa bảo hộ ngày càng gia tăng.

Tại cuộc họp do Nhật Bản và Singapore đồng chủ trì, các bên mong muốn thu hẹp những bất đồng và kết nối những điểm khác biệt trong các lĩnh vực như giảm thuế quan, tài sản trí tuệ và thương mại điện tử nhằm sớm đạt thỏa thuận về RCEP.

Đây cũng là cuôc họp đầu tiên tổ chức ở một quốc gia ngoài khu vực Đông Nam Á.

16 quốc gia tham gia đàm phán RCEP, đại diện gần 1/3 tỷ trọng thương mại và kinh tế toàn cầu, đều hy vọng sẽ sớm đạt được tiến triển trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục tăng thuế nhập khẩu nhằm vào các đối tác thương mại với lý do vì an ninh quốc gia, làm gia tăng nguy cơ chiến tranh thương mại, gây tổn hại tới nền kinh tế toàn cầu.

Sự kiện quốc tế 25/6-1/7: Vụ mất tích bí ẩn tại Thái Lan ảnh 6Toàn cảnh Hội nghị Bộ trưởng giữa kỳ lần thứ 5 các nước đám phán RCEP tại Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: Thành Hữu/TTXVN)
Hội nghị thượng đỉnh Nga-Mỹ sẽ diễn ra ở Phần Lan
Ngày 28/6, hãng tin Fox News của Mỹ đưa tin hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ diễn ra thủ đô Helsinki của Phần Lan.

Trong khi đó, người phát ngôn của Điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay thời điểm và thời gian diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh giữa nhà lãnh đạo Nga, Mỹ sẽ chính thức được công bố vào 19 giờ ngày 28/6 (theo giờ Việt Nam).

Một số hãng truyền thông Phần Lan đưa tin, cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump có khả năng được tổ chức tại Trung tâm hội nghị Konigstedt Manor ở Vantaa, ngoại ô Helsinki.

Trung tâm hội nghị Konigstedt Manor, một tài sản thuộc sở hữu nhà nước, là một địa điểm nổi tiếng tổ chức các sự kiện quốc tế và cuộc họp cấp cao.

Trước đó, Tổng thống Trump đã để ngõ khả năng cuộc gặp giữa ông và ông Putin có thể diễn ra tại Helsinki (Phần Lan) sau hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) diễn ra từ ngày 11-12/7 ở Brussels (Bỉ).

Trong cuộc gặp dự kiến vào tháng Bảy tới tại Phần Lan, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ thảo luận chi tiết về tình hình Syria.

Ngày 29/6, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Tổng thống Putin cũng sẵn sàng tái khẳng định rằng Nga không can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi cuối năm 2016 nếu phía Washington đề cập đến vấn đề này.

Cũng theo ông, Tổng thống Putin sẵn sàng hành động hướng đến bình thường hóa quan hệ với Mỹ, song điều này cần tương xứng với thiện ý của phía Washington.

Sự kiện quốc tế 25/6-1/7: Vụ mất tích bí ẩn tại Thái Lan ảnh 7Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Nguồn: AFP/Getty Images)
Động đất tại Nhật làm hỏng 2 chiếc kính hiển vi mạnh nhất thế giới
Các nhà khoa học Nhật Bản ngày 29/6 cho biết hai kính hiển vi mạnh nhất thế giới bị hư hỏng nghiêm trọng do một trận động đất ảnh hưởng tới thành phố Osaka miền Tây Nhật Bản, gây cản trở công tác nghiên cứu.

Hidehiro Yasuda, giáo sư Trung tâm nghiên cứu kính hiển vi điện tử điện áp siêu cao, thông báo hai kính hiển vi bị hư hại đều có giá 2,3 tỷ yen (tương đương 20 triệu USD), tại trường Đại học Osaka có thể không hoạt động được cho đến năm 2019.

Một kính cao 12m, có khả năng chụp 1.600 hình ảnh vật chất ở mức nguyên tử mỗi giây, một khả năng lớn hơn bất kì một chiếc kính hiển vi nào khác. Chiếc kính hiển vi điện tử điện áp siêu cao khác có điện áp 3 Megavolt được chế tạo năm 1995 cho phép các nhà nghiên cứu vật liệu sinh học siêu nhỏ.

Giáo sư Yasuda cho biết các kỹ sư thiết kế và chế tạo chiếc kính hiển vi năm 1995 không thể giúp sửa chữa vì họ đã nghỉ hưu từ lâu hoặc đã qua đời. Ông nói: "Hai chiếc kính hiển vi này được thiết kế đặc biệt. Không có chiếc nào giống như vậy."

Sự kiện quốc tế 25/6-1/7: Vụ mất tích bí ẩn tại Thái Lan ảnh 8(Nguồn: AFP)
Nga và phe đối lập Syria đã nối lại các cuộc đàm phán
Ngày 1/7, phe đối lập Syria tại khu vực Tây Nam nước này và các nhà đàm phán Nga đã nối lại các cuộc thảo luận do Jordan làm trung gian nhằm đạt được một thỏa thuận ngừng bắn.

Người phát ngôn của nhóm đàm phán Quân đội tự do Syria (FSA) của lực lượng nổi dậy, Ibrahim al Jabawi cho biết, trước những nỗ lực trung gian hòa giải của Jordan, nhóm đại diện của FSA đã tái tham gia đàm phán với giới chức Nga.

Trước đó, đàm phán tại thị trấn Busra al Sham do phe đối lập kiểm soát giữa FSA và Nga ngày 30/6 đã kết thúc trong bế tắc khi phe đối lập không chấp nhận yêu cầu đầu hàng hoàn toàn của Nga.

Sự kiện quốc tế 25/6-1/7: Vụ mất tích bí ẩn tại Thái Lan ảnh 9Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục