Sự kiện trong nước tuần 24-27/3: Gia hạn giải ngân gói 30.000 tỷ đồng

Khai mạc kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIII và Ngân hàng Nhà nước kiến nghị gia hạn Chương trình cho vay ưu đãi đối với nhà ở xã hội từ gói 30.000 tỷ đồng là hai sự kiện nổi bật tuần qua.

Khai mạc kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIII và Chỉ số giá tiêu dùng của cả nước trong quý 1 tăng 1,25% là hai trong số những sự kiện nổi bật tuần qua.

Cùng Vietnam+ điểm lại những sự kiện nổi bật trong tuần từ 7-13/9:

Hai nguyên nhân đẩy CPI tháng Ba bất ngờ tăng 0,57%
Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Ba năm 2016 tăng 0,57% so với tháng Hai đồng thời tăng 1,69% cùng kỳ và tăng 0,99% so với tháng 12 năm 2015.

Như vậy, CPI bình quân quý I năm 2016 so với cùng kỳ năm trước đã tăng 1,25%.

Song, lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống, năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng này vẫn giảm 0,09% so với tháng trước, nhưng tăng 1,64% so với cùng kỳ.

Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ phó Vụ Thống kê Giá cho biết, theo quy luật CPI tháng Ba hàng năm thường có xu hướng giảm do nhu cầu tiêu dùng sau Tết Nguyên Đán giảm, tuy nhiên CPI tháng Ba năm nay tăng xuất phát từ hai nguyên nhân chủ yếu là việc tăng giá về dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục.

Cụ thể, giá dịch vụ y tế tăng theo Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29/10/2015 của Bộ Y tế và Bộ Tài chính có hiệu lực từ ngày 1/3/2016, khiến giá các mặt hàng dịch vụ y tế áp dụng cho đối tượng có bảo hiểm y tế tăng 32,9% góp phần làm cho CPI tăng khoảng 1,27%.

Bên cạnh đó, do thực hiện lộ trình tăng học phí theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ một số tỉnh đã tăng học phí các cấp đã làm cho chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 0,66%.

Sự kiện trong nước tuần 24-27/3: Gia hạn giải ngân gói 30.000 tỷ đồng ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Xem thêm: Hai nguyên nhân đẩy CPI tháng Ba bất ngờ tăng 0,57%

Kiên quyết phản đối và yêu cầu Đài Loan tôn trọng chủ quyền Việt Nam
Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc ngày 23/3, Đài Loan đưa một nhóm phóng viên ra đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, ngày 24/3, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ:

“Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mọi hoạt động của nước ngoài tiến hành ở hai khu vực này mà không được sự chấp thuận của Việt Nam đều là bất hợp pháp và vô giá trị.

Việc phía Đài Loan bất chấp những quan ngại và phản đối của Việt Nam và cộng đồng quốc tế, đưa phóng viên ra đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam là xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, làm leo thang căng thẳng, không có lợi cho việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông cũng như quan hệ hai bên.

Chúng tôi kiên quyết phản đối và yêu cầu phía Đài Loan tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, không tái diễn bất cứ hành động nào làm leo thang căng thẳng, phức tạp thêm tình hình, đồng thời có những đóng góp tích cực vào nỗ lực chung nhằm duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.”

Sự kiện trong nước tuần 24-27/3: Gia hạn giải ngân gói 30.000 tỷ đồng ảnh 2Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Xem thêm: Kiên quyết phản đối và yêu cầu Đài Loan tôn trọng chủ quyền Việt Nam
Khai mạc trọng thể kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIII
Sáng 21/3, Kỳ họp thứ 11 - Kỳ họp cuối cùng của Quốc hội Khóa XIII đã khai mạc tại Hà Nội.

Kỳ họp diễn ra trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đang tích cực triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và sôi nổi hướng tới Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.

Bên cạnh công tác xây dựng pháp luật, xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Kỳ họp thứ 11 còn tập trung thời gian cho tổng kết công tác nhiệm kỳ của các cơ quan Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ. Đặc biệt, tại kỳ họp này, Quốc hội cũng dành nhiều thời gian để kiện toàn nhân sự lãnh đạo Nhà nước.

Kỳ họp thứ 11 dự kiến làm việc trong 19 ngày nhằm hoàn tất những nhiệm vụ, phần công việc đã đặt ra từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII.

Sự kiện trong nước tuần 24-27/3: Gia hạn giải ngân gói 30.000 tỷ đồng ảnh 3Toàn cảnh phiên khai mạc. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Xem thêm: Khai mạc trọng thể kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIII

Doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang mất lợi thế cạnh tranh về giá bán
Trước tình hình giá lúa gạo nội địa liên tục tăng cao, mới đây nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đã phải tăng giá chào bán xuất khẩu gạo các loại để đủ bù đắp chi phí, qua đó, phần nào mất đi lợi thế cạnh tranh về giá bán.

Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam tăng giá chào bán loại gạo 5% tấm lên mức 380-390USD/tấn và 365-375USD/tấn đối với gạo 25% tấm. Trong khi đó, các nhà xuất khẩu khác trong khu vực vẫn giữ nguyên giá chào bán. So với đối thủ cạnh tranh chính, giá gạo Việt Nam cũng đang cao hơn so với Thái Lan từ 10-15 USD/tấn.

Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Việt Hưng (Tiền Giang), cho biết do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino đối với vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long và tác động từ nhu cầu tăng ở đường biên nên giá lúa gạo trong nước liên tục tăng trong thời gian qua.

Mặc dù xuất khẩu gạo có những tín hiệu khả quan trong quý 1/2016, tuy nhiên ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, cũng cho rằng so với mặt bằng chung giá thị trường thế giới thì chỉ có giá gạo Việt Nam tăng cao hơn hẳn nên các doanh nghiệp mất đi lợi thế cạnh tranh về giá bán.

Sự kiện trong nước tuần 24-27/3: Gia hạn giải ngân gói 30.000 tỷ đồng ảnh 4Lúa Đông Xuân tại xã Tân Hùng, huyện Trà Cú đã trổ bông nhưng bị lép hạt do thiếu nước ngọt. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)

Xem thêm: Doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang mất lợi thế cạnh tranh về giá bán

Tìm kiếm nguồn vốn cho thị trường bất động sản năm 2016
Thị trường bất động sản tiếp tục tăng trưởng nhờ những yếu tố vĩ mô thuận lợi, xu hướng mua bán và sáp nhập (M&A) có khả năng bùng nổ trong giai đoạn 2016-2017. Tuy nhiên, rào cản cho thị trường bất động sản hiện nay chính là nguồn vốn để phát triển.

Thông tin này được đại diện Bộ Xây dựng đưa ra tại hội thảo “Tìm kiếm nguồn vốn cho thị trường bất động sản 2016,” tổ chức ngày 23/3 tại Hà Nội.

​Theo Bộ Xây dựng, thị trường có sự chuyển hướng đầu tư nhiều hơn phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có quy mô vừa và nhỏ, giá bán trung bình trên dưới 1 tỷ đồng. Hàng tồn kho tiếp tục giảm, nhiều dự án trước kia phải tạm dừng sẽ được khởi động trở lại.

​Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cho rằng không chỉ ở Việt Nam mà ở các nước, thị trường bất động sản vẫn luôn phụ thuộc vào ngân hàng, cả người xây nhà lẫn người mua nhà.

Nhìn từ góc độ tài chính vĩ mô ông Lê Xuân Nghĩa khẳng định thị trường bất động sản đang phục hồi và ổn định hơn, không có dấu hiệu bong bóng ít nhất trong vòng 5 năm tới. Khi đó, tín dụng ngân hàng vẫn là số 1 với thị trường bất động sản.

Mặt khác, thị trường bất động sản có thể suy giảm trong ngắn hạn nhưng về dài hạn vẫn là thị trường nền tảng. Trong trường hợp cần tìm nơi “trú ẩn,” các nhà đầu tư vẫn sẽ tìm vào bất động sản.

Do đó, để tiếp tục hỗ trợ cho phục hồi nền kinh tế và thị trường bất động sản, chính sách tiền tệ nên được nới lỏng một cách hợp lý, ổn định lãi suất và linh hoạt tỷ giá hối đoái một cách bài bản, khoa học. Thắt chặt tín dụng sẽ đẩy lãi suất tăng. Nếu để lãi suất tiếp tục tăng, toàn bộ nỗ lực về phục hồi của doanh nghiệp, phục hồi kinh tế, tái cấu trúc ngân hàng có nguy cơ không thể đạt được.

Sự kiện trong nước tuần 24-27/3: Gia hạn giải ngân gói 30.000 tỷ đồng ảnh 5Một góc Trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Tràng Dương/TTXVN)

Xem thêm: Tìm kiếm nguồn vốn cho thị trường bất động sản năm 2016

Việt Nam nâng cảnh báo sau vụ một du khách Australia nhiễm Zika
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã chỉ đạo ngành y tế nâng mức cảnh báo đối với phòng chống dịch bệnh do virus Zika tại Việt Nam ​trong bối cảnh Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa thông báo một ca nhiễm virus này tại Australia sau khi trở về từ Việt Nam.

Trường hợp này đến Việt Nam từ ngày 26/2 và xuất cảnh về Australia ngày 6/3; đến ngày 8/3 có biểu hiện triệu chứng nhiễm virus Zika như sốt, phát ban, đau đầu, đau cơ, viêm kết mạc, buồn nôn. Trong thời gian ở Việt Nam, trường hợp này đã đi đến Thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Khánh Hòa và Bình Thuận.

Bộ Y tế đã thành lập đoàn công tác xác minh và triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh do virus Zika. Trên cơ sở kiểm tra thực tế tại các địa phương, Bộ đã chỉ đạo ngành y tế nâng mức cảnh báo đối với phòng chống dịch bệnh do virus Zika tại Việt Nam và yêu cầu các đơn vị y tế tăng cường việc giám sát, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp có triệu chứng tương tự như nhiễm virus Zika tại các cơ sở khám, chữa bệnh và cộng đồng do có thể có trường hợp nhiễm virus có biểu hiện nhẹ, vừa hoặc không có triệu chứng; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông hướng dẫn người dân tự diệt muỗi, bọ gậy để phòng chống bệnh do virus Zika và sốt xuất huyết.

Trước đó, để chủ động triển khai các hoạt động phòng chống virus Zika và giám sát, xác minh sự lưu hành virus Zika tại Việt Nam, ngày 22/3, Bộ Y tế đã chỉ đạo các Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, Pasteur Nha Trang hỗ trợ các địa phương nơi trường hợp người Australia này đã từng đến để tăng cường lấy mẫu các trường hợp nghi ngờ để xét nghiệm xác định; sẵn sàng thuốc, vật tư, sinh phẩm để đảm bảo việc giám sát, xử lý khi phát hiện ổ dịch Zika.

Sự kiện trong nước tuần 24-27/3: Gia hạn giải ngân gói 30.000 tỷ đồng ảnh 6Theo dõi thân nhiệt hành khách tại sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN).

Xem thêm: Việt Nam nâng cảnh báo sau vụ một du khách Australia nhiễm virus Zika

Trên 298 tỷ đồng vốn ngân sách khôi phục khẩn cấp cầu Ghềnh
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký văn bản đồng ý với đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải và Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam về việc khôi phục khẩn cấp cầu Ghềnh.

Tại văn bản này, Phó Thủ tướng đồng ý chủ trương đầu tư công trình xây dựng khôi phục cầu Đồng Nai lớn (cầu Ghềnh) Km1699+860 tuyến đường sắt Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh theo lệnh khẩn cấp; bố trí 298,5 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2016 cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) để thực hiện đầu tư công trình. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xử lý cụ thể theo quy định.

Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho hay, do đứt mạch tuyến đường sắt Bắc-Nam vì cầu Gềnh bị sà lan chở vật liệu xây dựng đâm sập ngày 20/3 nên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phải tổ chức lại vận tải, do đó có ảnh hưởng đến chi phí, ảnh hưởng đến năng lực khai thác, công suất giảm đi nhiều so với những ngày bình thường.

Ngành đường sắt đã phải sử dụng ga Biên Hòa làm ga đầu và ga cuối của tuyến đường sắt Bắc-Nam. Theo đó, hành khách khi đi tàu từ Thành phố Hồ Chí Minh ra các tỉnh miền Trung và miền Bắc sẽ được đi tàu đến ga Sóng Thần, sau đó trung chuyển bằng xe ôtô đi đến ga Biên Hòa để tiếp tục hành trình.

Chiều ngược lại, hành khách đến ga Biên Hòa sẽ được trung chuyển đến ga Sóng Thần để lên tàu đi đến ga Sài Gòn. Đối với tàu chở hàng, điểm đầu và điểm cuối sẽ được trung chuyển từ ga Hố Nai và ga Trảng Bom trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Tại đây, hàng hóa sẽ được chở bằng xe container và xe tải về Thành phố Hồ Chí Minh.

Sự kiện trong nước tuần 24-27/3: Gia hạn giải ngân gói 30.000 tỷ đồng ảnh 7Hiện trường vụ sập cầu Ghềnh. (Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN)

Xem thêm: Trên 298 tỷ đồng vốn ngân sách khôi phục khẩn cấp cầu Ghềnh

Gói 30.000 tỷ đồng: Kiến nghị gia hạn giải ngân đã gửi lên Chính phủ
Sau một thời gian tham khảo các ý kiến của các chuyên gia, lắng nghe các kiến nghị từ cơ quan chức năng và người dân, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chính thức kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ gia hạn Chương trình cho vay ưu đãi đối với nhà ở xã hội từ gói 30.000 tỷ đồng ​đến khi giải ngân hết số tiền trên.

Theo đó, trong trường hợp đến 1/6 mà chưa giải ngân hết số tiền 30.000 tỷ đồng, Ngân hàng Nhà nước sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét gia hạn giải ngân tái cấp vốn để các đối tượng khách hàng cá nhân, hộ gia đình vay để mua, thuê, thuê mua nhà ở; xây dựng mới, cải tạo sửa chữa lại nhà ở của mình được tiếp tục giải ngân với lãi suất ưu đãi đến hết 30.000 tỷ đồng của toàn bộ chương trình.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước lý giải, qua theo dõi tình hình thực hiện và phản ánh trên một số phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước được biết nhiều cá nhân và hộ gia đình vay vốn chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng rất lo lắng về việc phải trả lãi suất vay thương mại đối với phần vốn giải ngân sau ngày kết thúc chương trình.

Khi ban hành chính sách, Ngân hàng Nhà nước đã tính toán và cân nhắc kỹ thời gian hỗ trợ tái cấp vốn tối đa 36 tháng (chậm nhất 1/6/2016). Đến nay, qua thực tế triển khai cho thấy thời điểm thực hiện Chương trình đã được tính toán phù hợp, đạt được các mục tiêu đã đề ra.

Tuy nhiên, sau khi lắng nghe ý kiến phản ánh nguyện vọng của người dân, ý kiến của Bộ Xây dựng và Hiệp hội Bất động sản, cũng như cân đối hài hòa lợi ích của người dân và Nhà nước, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã báo cáo với Thủ tướng Chính phủ để dành sự hỗ trợ tối đa của chương trình cho người dân.

Sự kiện trong nước tuần 24-27/3: Gia hạn giải ngân gói 30.000 tỷ đồng ảnh 8Gói 30.000 tỷ đồng sẽ được gia hạn giải ngân đến hết chương trình. (Nguồn: TTXVN)

Xem thêm: Gói 30.000 tỷ đồng: Kiến nghị gia hạn giải ngân đã gửi lên Chính phủ

Tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu chững lại, GDP quý 1 tăng 5,46%
Quý 1 năm 2016, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 5,46% so với cùng kỳ năm 2015.

Tại buổi họp báo công bố số liệu GDP ngày 25/3, tại Hà Nội, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết: "Tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu chững lại so với tốc độ tăng 6,12% của cùng kỳ năm 2015 và 5,9% của năm 2011 song cao hơn cùng kỳ năm 2012, 2013 và 2014 trong giai đoạn 2011-2015."

Bối cảnh kinh tế thế giới những tháng đầu năm 2016 theo dự báo rất nhiều khó khăn, diễn biến kinh tế phức tạp, tốc độ tăng trưởng tiếp tục giảm sút, tình hình tài chính, tiền tệ quốc tế và giá dầu biến động khó lường gây khó khăn cho hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam.

Do đó, ông Lâm cho rằng: “Cạnh tranh về thị trường đầu ra cũng như chi phí sản xuất đầu vào với các nước có nền sản xuất tương đồng ngày càng mạnh. Trong khi đó, bên cạnh những thuận lợi và những dấu hiệu khởi sắc về kinh tế của năm 2015 nhưng với bối cảnh kinh tế thế giới hiện nay, kinh tế Việt Nam cũng chịu ít nhiều ảnh hưởng bất lợi.

Ngoài ra, tình hình thời tiết phức tạp như giá rét ở miền Bắc, hạn hán ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và sạt lở trên diện rộng, xâm nhập mặn ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã tác động ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt ngành nông nghiệp, công nghiệp và xuất, nhập khẩu những tháng đầu năm 2016.”

​Ông Lâm phân tích, quý 1 năm nay là quý khởi đầu của Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020. Do đó, kết quả hoạt động của quý này sẽ tạo động lực và khích lệ cho toàn bộ nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh các dự báo kinh tế Việt Nam có dấu hiệu khả quan, như kinh tế vĩ mô đang được duy trì ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, lạm phát ít biến động, chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp, tăng trưởng kinh tế đang trên đà hồi phục, kinh tế đối ngoại có nhiều yếu tố tích cực.

Sự kiện trong nước tuần 24-27/3: Gia hạn giải ngân gói 30.000 tỷ đồng ảnh 9Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Xem thêm: Tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu chững lại, GDP quý 1 tăng 5,46%

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục