Sự kiện trong nước 29/2-6/3: Phấn đấu tăng trưởng GDP 2016 đạt 7%

Thủ tướng chỉ đạo phấn đấu đạt tăng trưởng GDP 7% năm nay và quy hoạch vùng Thủ đô được mở rộng ra thêm 3 tỉnh là hai trong số những sự kiện nổi bật tuần qua.

Thủ tướng chỉ đạo phấn đấu đạt tăng trưởng GDP 7% năm nay và Quy hoạch Vùng Thủ đô được mở rộng ra thêm 3 tỉnh là hai trong số những sự kiện nổi bật tuần qua.

Cùng Vietnam+ điểm lại những sự kiện nổi bật trong tuần từ 29/2-6/3:

Thủ tướng: Năm 2016 phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2016 khoảng 7%
Sáng 29/2, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã họp Phiên thường kỳ tháng Hai; xem xét toàn diện tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015; đánh giá tình hình kinh tế xã hội tháng Hai và hai tháng đầu năm nay.

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, đánh giá tổng quan tình hình kinh tế-xã hội năm 2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, thành tích quan trọng nhất là mức tăng trưởng GDP đạt 6,68%, cao hơn mức báo cáo trước Quốc hội trong bối cảnh diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và khu vực, nhất là sự sụt giảm mạnh của giá dầu.

Trên tinh thần dó, định hướng phấn đấu của Chính phủ trong năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gợi ý các thành viên Chính phủ nỗ lực phấn đấu nâng chỉ tiêu từ 6,7% lên mức khoảng 7% trong năm 2016 trên cơ sở đà phục hồi kinh tế đất nước năm 2015 và những năm vừa qua.

Sự kiện trong nước 29/2-6/3: Phấn đấu tăng trưởng GDP 2016 đạt 7% ảnh 1Bốc xếp hàng hóa tại cảng Cát Lái. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)

Xem thêm: Thủ tướng: Năm 2016 phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2016 khoảng 7%

Thị phần hàng dệt may của Việt Nam tại Mỹ tiếp tục tăng
Việt Nam năm nay tiếp tục tăng thị phần hàng dệt may ở thị trường Mỹ, dẫn đến dự báo xuất khẩu dệt may của các nước Trung Mỹ sẽ chậm lại, buộc các nước này phải tính đến những chiến lược cạnh tranh mới.

Năm 2015, Việt Nam đã vượt qua doanh số của Trung Mỹ về xuất khẩu hàng dệt may vào Mỹ, thị trường tiêu thụ các mặt hàng này lớn nhất thế giới, chiếm thị phần 11,48% so với mức 11,26% của tất cả các nước Trung Mỹ cộng lại.

Năm trước đó, Việt Nam chiếm thị phần 10,73%, trong khi Trung Mỹ chiếm 11,67%.

Bà Karin de Leon, Giám đốc điều hành của Cecate - một hội đồng vận động hành lang về dệt may của Trung Mỹ - nhận định với việc Việt Nam là nước thành viên Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vốn đang ngày càng có thêm sự ủng hộ, "nhiều đơn hàng và đầu tư sẽ chuyển đến Việt Nam."

Sự kiện trong nước 29/2-6/3: Phấn đấu tăng trưởng GDP 2016 đạt 7% ảnh 2Một dây chuyền may hàng xuất khẩu. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Xem thêm tại đây: Thị phần hàng dệt may của Việt Nam tại Mỹ tiếp tục tăng

Quy hoạch Vùng Thủ đô Hà Nội được mở rộng ra thêm 3 tỉnh
Ngày 3/3 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Hội nghị Báo cáo đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 do Ban chỉ đạo quy hoạch và đầu tư xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội tổ chức.

Tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng-Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, lãnh đạo các tỉnh trong vùng Thủ đô cùng các bộ, ban, ngành trung ương và đông đảo các chuyên gia tư vấn trong nước và quốc tế.

Đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội nhận được ý kiến tư vấn, đóng góp của nhiều chuyên gia, tổ chức quốc tế uy tín và các hội nghề nghiệp chuyên môn.

Đồ án được xây dựng nhằm đáp ứng 3 mục tiêu: Có sự phân công, hợp tác, chia sẻ và liên kết giữa các địa phương trong vùng và đảm bảo phân bổ hiệu quả nguồn lực quốc gia; xây dựng đồng bộ, hiện đại hệ thống mạng lưới hạ tầng và phát triển cân bằng giữa đô thị và nông thôn; đồ án điều chỉnh làm cơ sở để lập và điều chỉnh các quy hoạch khác và đề xuất cơ chế chính sách và mô hình quản lý vùng…

Phạm vi điều chỉnh quy hoạch vùng Thủ đô gồm toàn bộ ranh giới của Hà Nội với 9 tỉnh xung quanh, trong đó Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang là 3 tỉnh được mở rộng thêm vào quy hoạch với tổng dân số 17,6 triệu người.

Toàn bộ quy hoạch vùng Thủ đô sẽ có tổng diện tích trên 24.300 km2, tăng gần gấp đôi so với trước đây, chiếm 7,3% diện tích tự nhiên toàn quốc và bằng 80% diện tích so với vùng Thành phố Hồ Chí Minh. Tầm nhìn vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2050 sẽ là vùng đô thị lớn, có chức năng kinh tế tổng hợp không chỉ của quốc gia mà cả khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

Sự kiện trong nước 29/2-6/3: Phấn đấu tăng trưởng GDP 2016 đạt 7% ảnh 3Đường vành đai 2, đoạn Nhật Tân-Cầu Giấy. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Xem thêm: Quy hoạch Vùng Thủ đô Hà Nội được mở rộng ra thêm 3 tỉnh

Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích hợp pháp ở Biển Đông
Trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao ngày 3/3 tại Hà Nội, trả lời câu hỏi về các giải pháp tiếp theo của Việt Nam trước việc Trung Quốc liên tục có các động thái gây căng thẳng tại Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nhấn mạnh lập trường nhất quán của Việt Nam là ủng hộ việc giải quyết tất cả các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.

“Là quốc gia trực tiếp liên quan tới các tranh chấp ở Biển Đông, lập trường nhất quán của Việt Nam là ủng hộ việc giải quyết tất cả các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Việt Nam sẽ kiên quyết và kiên trì bảo vệ chủ quyền cũng như các quyền và lợi ích hợp pháp của mình ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc," ông Lê Hải Bình khẳng định.

Sự kiện trong nước 29/2-6/3: Phấn đấu tăng trưởng GDP 2016 đạt 7% ảnh 4Trung Quốc triển khai tên lửa đất đối không trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. (Nguồn: abc.net.au)

Xem thêm tại đây: Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích hợp pháp ở Biển Đông

"EVFTA sẽ kích hoạt làn sóng đầu tư chất lượng cao vào Việt Nam"
Theo ông Bruno Angelet, Đại sứ, Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU (EVFTA) sẽ kích hoạt cho một làn sóng đầu tư chất lượng cao lớn hơn của châu Âu vào Việt Nam ​cũng như tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế Việt Nam.

Tại Hội nghị kinh tế Việt Nam-EU giới thiệu Sách Trắng về thương mại và đầu tư của Việt Nam 2016 được Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) tổ chức sáng nay (2/3) tại Hà Nội, ông Bruno Angelet khẳng định, FTA Việt Nam-EU không chỉ là bước tiến về đầu tư thương mại mà còn tạo tiền đề phát triển bền vững.

Theo đó, những lợi ích mang lại sẽ có có ngay từ những ngày đầu tiên mà hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, điều này sẽ giúp thúc đẩy thương mại, đầu tư, minh bạch hóa thị trường giao dịch, là trung tâm thu hút nhà đầu tư EU vào khu vực và Việt Nam.

Năm 2015, EU đã vươn lên là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam và Hiệp định EVFTA là cột mốc quan trọng trong mối quan hệ thương mại, kinh tế và đầu tư giữa EU và Việt Nam.

Tuy nhiên, để tận dụng được các lợi thế từ Hiệp định thương mại, Sách trắng 2016 cũng khuyến nghị Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, đặc biệt là các chuẩn mực kiểm toán và báo cáo còn nhiều điểm chưa hoàn thiện cũng như một số thủ tục thành lập doanh nghiệp còn rườm rà, đây là những rào cản đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Sự kiện trong nước 29/2-6/3: Phấn đấu tăng trưởng GDP 2016 đạt 7% ảnh 5Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Xem thêm tại đây: "EVFTA sẽ kích hoạch làn sóng đầu tư chất lượng cao vào Việt Nam"

Quản lý giá biệt dược: Làm gì để thị trường thuốc không “nhảy múa”?
Tổng kết công tác khám chữa bệnh của Bộ Y tế trong năm 2015 cho thấy, các chỉ tiêu tổng hợp như số lần khám bệnh, số bệnh nhân nội trú, ngoại trú, số ngày điều trị nội, ngoại trú, số phẫu thuật, thủ thuật, chẩn đoán, xét nghiệm… đều tăng so với năm 2014, đạt bình quân 2,34 lượt khám/người/năm.

Như vậy, trong năm qua, mỗi người dân đạt bình quân có hơn 2 lần tới các cơ sở y tế khám chữa bệnh. Và mỗi năm, lượng thuốc được tiêu thụ trong khám chữa bệnh không hề nhỏ.

Tuy nhiên, thực tế trên thị trường thuốc biệt dược hiện nay vẫn còn nhiều “kẽ hở” khiến giá thuốc “nhảy múa,” thậm chí còn những tồn tại bất hợp lý mà những người bệnh đang hàng ngày phải âm thầm, "cắn răng" chịu đựng.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, đến tháng 12/2015, có tổng số 21.044 thuốc có số đăng ký còn hiệu lực. Trong đó, thuốc sản xuất trong nước là 11.566 số đăng ký, thuốc nước ngoài là 9.478 số đăng ký. Đáng lưu ý, thuốc có nhiều số đăng ký nhất là kháng sinh, hạ nhiệt, giảm đau, chống viêm, vitamin, thuốc bổ.

Đặc biệt, những loại thuốc biệt dược với số lượng thuốc chiếm tỷ lệ không nhiều nhưng giá trị sử dụng của nó lại chiếm lượng lớn tiền thuốc chi trả hàng năm. Những loại thuốc biệt dược có giá khá đắt đỏ, từ 500.000 đồng một viên đến 30-40 triệu/1 ống thuốc đặc trị.

Trong báo cáo thẩm tra dự án Luật dược (sửa đổi), Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội chỉ rõ, hiện nay tình trạng thuốc bán qua nhiều đầu mối và việc kê đơn thuốc để hưởng hoa hồng làm giá thuốc tăng, phổ biến ở nhiều nơi. Do đó, cần xây dựng tiêu chí để Nhà nước thực hiện chính sách bình ổn giá thuốc thiết yếu khi có biến động về giá trong dự thảo Luật để bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người dân.

Sự kiện trong nước 29/2-6/3: Phấn đấu tăng trưởng GDP 2016 đạt 7% ảnh 6Người dân đứng xếp hàng mua thuốc tại quầy thuốc của Bệnh viện Bạch Mai. (Ảnh: PV/Vietam+)

Xem thêm: Quản lý giá biệt dược: Làm gì để thị trường thuốc không “nhảy múa”?

Phát hiện 2 ca nhiễm não mô cầu nguy hiểm đầu tiên tại Hà Nội
Theo thông tin từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Hà Nội đã ghi nhận 2 trường hợp bị não mô cầu nguy hiểm đầu tiên của năm 2016.

Hai bệnh nhân mắc não mô cầu nguy hiểm gồm bệnh nhân nữ, 30 tuổi (Thụy Phương, Bắc Từ Liêm) và bệnh nhân nam, 24 tuổi ở Quốc Oai, Hà Nội. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân mắc não mô cầu nguy hiểm.

Theo các bác sỹ, dù số ca gặp không nhiều, nhưng do não mô cầu là một căn bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, có thể dẫn tới tử vong hoặc để lại nhiều di chứng nặng. Bệnh viêm não mô cầu có thể lây lan qua đường hô hấp.

Đặc biệt với thể nhiễm khuẩn huyết viêm màng não mủ có thể gây diễn biến tối cấp, làm bệnh nhân tử vong ngay trong 24 giờ khởi bệnh khiến bác sĩ đôi khi chưa kịp chuẩn đoán, chưa kịp điều trị thì bệnh nhân đã tử vong.

Theo bác sỹ Cấp, vi khuẩn gây não mô cầu cư trú tại vùng hầu họng người bệnh. Khi tiếp xúc, nói chuyện vi khuẩn có thể theo các giọt nước bọt bắn ra ngoài lây truyền cho người xung quanh. Vì thế, hầu hết người tiếp xúc gần bệnh nhân đều phải uống thuốc dự phòng.

Các bác sỹ khuyến cáo người dân có thể ngăn ngừa chủ động căn bệnh này bằng vắcxin.

Sự kiện trong nước 29/2-6/3: Phấn đấu tăng trưởng GDP 2016 đạt 7% ảnh 7Các sỹ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân viêm não mô cầu hồi năm 2012. (Ảnh tư liệu. Nguồn: Dương Ngọc/TTXVN)

Xem thêm: Hà Nội có thêm trường hợp mắc bệnh viêm não mô cầu thứ 2

Khuyến cáo du khách hạn chế đến 24 quốc gia đang có dịch Zika
Thông tin từ Tổng cục Du lịch thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ngày 4/3 cho biết Tổng cục đã có văn bản gửi tới Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh-thành; Hiệp hội Du lịch Việt Nam và các địa phương; các doanh nghiệp lữ hành quốc tế về phòng chống dịch bệnh do virus Zika gây nên.

Theo đó, Tổng cục Du lịch đề nghị các doanh nghiệp lữ hành quốc tế khuyến cáo du khách hạn chế đi du lịch đến 24 quốc gia khu vực Mỹ Latinh đang có dịch, đặc biệt là đối với phụ nữ mang thai.

Bên cạnh đó, các hãng lữ hành thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch do virus Zika trên thế giới và các biện pháp phòng chống bệnh đăng tải trên website của Bộ Y tế và Cục Y tế dự phòng. Đồng thời, các đơn vị du lịch cần tăng cường thông tin, tuyên truyền đến khách du lịch về dịch bệnh do virus Zika; chủ động triển khai các biện pháp phòng chống bệnh dịch do virus Zika và các khuyến cáo của ngành y tế cho các hành khách đi về từ các vùng có dịch.

Tại Việt Nam, theo kết quả báo cáo từ các đơn vị kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu quốc tế, trong thời gian từ tháng 12/2015 đến nay chưa ghi nhận trường họp nghi ngờ mắc bệnh do virus Zika về từ vùng có dịch.

Sự kiện trong nước 29/2-6/3: Phấn đấu tăng trưởng GDP 2016 đạt 7% ảnh 8Trẻ em bị mắc chứng bệnh đầu nhỏ do nhiễm virus Zika được điều trị tại Trung tâm phục hồi chức năng ở Recife, Brazil ngày 25/2 vừa qua. (Ảnh: THX/TTXVN)

Xem thêm tại đây: Khuyến cáo du khách hạn chế đến 24 quốc gia đang có dịch Zika

Siết công tác quản lý du lịch mạo hiểm, ngăn tai nạn tiếp diễn
Thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 2/3 cho biết Bộ đã có văn bản gửi Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố về việc chấn chỉnh công tác quản lý, khai thác du lịch mạo hiểm.

Công văn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nêu rõ cuối tháng 2/2016, tại các thác nước thuộc tỉnh Lâm Đồng đã xảy ra 2 vụ tai nạn nghiêm trọng làm 4 khách du lịch nước ngoài thiệt mạng. Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã khẩn trương giải quyết hậu quả và tăng cường công tác quản lý tại các điểm du lịch trên địa bàn.

Sự việc xảy ra cho thấy công tác quản lý điểm thăm quan còn bộc lộ nhiều sơ hở, nếu không có các giải pháp chấn chỉnh kịp thời thì khả năng xảy ra tai nạn vẫn còn tiếp diễn, nhất là đối với các loại hình du lịch mạo hiểm, du lịch khám phá thác nước.

Trước thực trạng trên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở quản lý du lịch và các ngành chức năng, các địa phương liên quan tăng cường công tác quản lý các khu, điểm, hoạt động du lịch mạo hiểm trên địa bàn.

Các khu, điểm tổ chức loại hình du lịch mạo hiểm tổ chức kiểm tra cơ sở vật chất kỹ thuật, năng lực tổ chức các hoạt động; yêu cầu bố trí biển báo, cảnh báo, chỉ dẫn rõ ràng cho khách du lịch. Các khu, điểm tổ chức du lịch mạo hiểm cần xây dựng quy trình hoạt động, phương án cứu hộ đảm bảo an toàn cho du khách; bố trí lực lượng cứu hộ trực tại các vị trí nguy hiểm; nghiêm túc chấn chỉnh, kiên quyết dừng hoạt động các khu, điểm du lịch không đảm bảo an toàn hoặc để xảy ra vi phạm.

Sự kiện trong nước 29/2-6/3: Phấn đấu tăng trưởng GDP 2016 đạt 7% ảnh 9Lực lượng cứu hộ tỉnh Lâm Đồng tìm kiếm du khách Belarus gặp nạn dưới chân thác Pongour. (Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN)

Xem thêm tại đây: Siết công tác quản lý du lịch mạo hiểm, ngăn tai nạn tiếp diễn

Việt Nam tiếp tục hợp tác giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu
Ngày 3/3, Khóa họp thường kỳ lần thứ 31 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã mở phiên thảo luận về tác động của biến đổi khí hậu đến quyền của con người được hưởng sức khỏe thể chất và tinh thần ở mức tốt nhất.

Với tư cách là thành viên Nhóm nòng cốt thúc đẩy thảo luận về quan hệ giữa biến đổi khí hậu và nhân quyền, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nguyễn Trung Thành, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva đã điều hành phiên thảo luận này.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam cam kết nỗ lực tối đa để giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu đến sức khỏe toàn dân, lồng ghép tác động của biến đổi khí hậu đến quyền con người vào các kế hoạch, chính sách của quốc gia cũng như cùng với các nước thực hiện đầy đủ cam kết tại Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Trong khuôn khổ Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam sẽ cùng với các nước trong Nhóm nòng cốt về biến đối khí hậu tiếp tục thúc đẩy thảo luận và hợp tác góp phần giải quyết các tác động của biến đổi khí hậu đến việc hưởng thụ các quyền con người.

Việc Việt Nam được mời điều hành và phát biểu đóng góp tại phiên thảo luận càng chứng tỏ vị thế và vai trò đóng góp tích cực của Việt Nam trong Hội đồng Nhân quyền.

Sự kiện trong nước 29/2-6/3: Phấn đấu tăng trưởng GDP 2016 đạt 7% ảnh 10(Ảnh minh họa: Duy Khương/TTXVN)

Xem thêm tại đây: Việt Nam tiếp tục hợp tác giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục