Đại sứ quán Mỹ tại Chile đã xin lỗi sau khi tài khoản Twitter của đại sứ quán phát một tin nhắn liên quan tới cựu Tổng thống nước này Michelle Bachelet, người vừa trở về Chile để tranh cử tổng thống. Đêm 27/3, ngay sau khi bà Bachelet xác nhận sẽ ra tranh cử trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 17/11 tới, trên tài khoản Twitter của đại sứ quán xuất hiện một tweet với nội dung: “Bachelet, Bachelet, Bachelet... Không có tin tức gì khác à?.” Tin nhắn trên ngay lập tức được phát tán trên mạng xã hội này và gây ra nhiều phản ứng trong cộng đồng mạng. Tuy nhiên, sau đó nó đã được xóa và tại tài khoản Twitter của đại sứ quán xuất hiện một tin nhắn mới, trong đó cơ quan ngoại giao này xin lỗi vì tin nhắn đó được một người “không có thẩm quyền” viết.
Báo chí Chile cho biết sự cố trên xảy ra do một nữ nhân viên sứ quán truy cập tài khoản Twitter của đại sứ quán từ nhà riêng, nhưng một trong những đứa con của bà đã viết lời bình mà không biết là đang sử dụng tài khoản chính thức của đại sứ quán. Bà Bachelet là nữ tổng thống đầu tiên của Chile (giai đoạn 2006-2010). Mặc dù có uy tín rất cao vào thời điểm kết thúc nhiệm kỳ, nhưng bà không được tái tranh cử, do Hiến pháp Chile không cho phép một người lãnh đạo đất nước hai nhiệm kỳ liên tiếp. Sau khi kết thúc nhiệm kỳ, bà được cử lãnh đạo Cơ quan phụ nữ của Liên hợp quốc, có chức năng thúc đẩy bình đẳng giới và tăng quyền năng cho phụ nữ. Hôm 15/3 vừa qua, bà đã xin từ chức để về Chile tranh cử. Ngày 12/4 tới, Đảng xã hội Chile (PS) và Đảng vì nền dân chủ (PPD) sẽ chính thức đăng ký bà Bachelet tham dự cuộc bầu cử nội bộ của Liên minh các đảng vì dân chủ (CPD) ngày 30/6 để tìm ứng cử viên của lực lượng đối lập lớn nhất tại Chile ra tranh cử tổng thống cuối năm nay. Theo kết quả của cuộc điều tra dư luận được Trung tâm nghiên cứu công cộng (CERC) công bố tháng Một vừa qua, có tới 53% số người được hỏi tin rằng Bachelet sẽ là tổng thống tiếp theo tại quốc gia đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu đồng. Cựu Bộ trưởng công trình công cộng Laurence Golborne nhận được sự ủng hộ nhiều thứ hai, nhưng chỉ được 11% số người được phỏng vấn hậu thuẫn./.
Quang Sơn/Buenos Aires (Vietnam+)