Trang mạng nationalinterest.org đưa tin, giới hoạch định chiến lược của Mỹ hoạt động theo một xu hướng oái oăm khi phân chia lĩnh vực nghiên cứu theo khu vực địa lý: Những người chuyên nghiên cứu về Trung Quốc chỉ chăm chăm nghiên cứu về Trung Quốc và bỏ bê công tác nghiên cứu các khu vực khác như châu Phi và châu Mỹ.
Giới chuyên gia về Nga chỉ chú tâm theo dõi tình hình chính trị của Điện Kremlin song lại không chú trọng đến những hoạch định chính sách của Moskva vượt ra khỏi phạm vi biên giới của Nga.
Trong khi đó, Trung Đông có thể đã trở thành tâm điểm trong chiến lược của Mỹ trong vòng 25 năm qua song cả Bộ Ngoại giao và Lầu Năm Góc đều phân chia bộ máy hoạt động của mình thành các vụ châu Âu, vụ cận Đông và vụ châu Phi.
Nói một cách đơn giản, không phải mọi vấn đề đều ăn nhập với bộ máy công quyền của Mỹ vốn có tiếng là không sẵn sàng hoặc không thể điều chỉnh để thích ứng với tình hình thế giới. Điều này cũng đúng với những động thái gần đây của Mỹ nhằm thiết lập hòa bình ở Trung Đông.
Những gì đang diễn ra trong nỗ lực bình thường hóa quan hệ giữa Israel và các quốc gia Arab mang ý nghĩa lịch sử và dù nền chính trị của Mỹ có mang tính đảng phái đến đâu cũng không thể gièm pha nỗ lực này.
Tuy nhiên, khi xung đột giữa Israel và các quốc gia Arab khác dần được hóa giải và quá trình tái định hướng chiến lược trong khu vực Trung Đông có ý nghĩa to lớn điều này cũng có tác động lớn lao đối với khu vực Nam Á.
Mặc dù Ấn Độ ngày càng ủng hộ một trật tự mới (ở Trung Đông) song việc Pakistan phản đối những động thái hòa bình của Saudi Arabia có thể làm nảy sinh những thách thức mới đối với Mỹ và an ninh khu vực.
Không thể phủ nhận tầm quan trọng của quá trình sắp xếp lại các mối quan hệ chiến lược ở Trung Đông (cài đặt lại bàn cờ Trung Đông).
Quyết định ban đầu của Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất và tiếp đó là Bahrain tiến tới bình thường hóa quan hệ với Israel đã chính thức giúp hạ nhiệt bầu không khí căng thẳng vốn tồn tại trong nhiều năm qua.
[Năm điểm đáng chú ý trong cục diện ngoại giao Trung Đông mới]
Mọi chỉ dấu cho thấy Saudi Arabia có thể là nước thứ ba tiến hành bình thường hóa quan hệ với Israel. Tất cả những thỏa thuận hòa bình này được xúc tiến chỉ trong những khoảng thời gian tính bằng ngày và tuần chứ không phải tính bằng năm hay hàng thập kỷ.
Điều đáng lưu ý ở đây là những thỏa thuận hòa bình nói trên mang tính chất hệ tư tưởng nhiều hơn. Các nước Arab bình thường hóa quan hệ với Israel không phải vì họ cần tiền mà vì yếu tố Iran.
Mặc dù chính sách của Iran thời kỳ hậu cách mạng đối với các quốc gia Arab vùng Vịnh có những thay đổi nhất định song việc chính quyền Tehran sẵn sàng quảng bá cuộc cách mạng của mình ra khắp khu vực Trung Đông và kích động bất ổn ở Bahrain, Kuwait và Saudi Arabia đã khiến các quốc gia vùng Vịnh coi chế độ Iran là một thách thức cơ bản.
Washington vốn đã phải gặp rất nhiều khó khăn khi tìm ra cách thức xử lý thực tế mới về sự thay đổi trong quan hệ giữa các nước ở khu vực Trung Đông khi những nước từng là đồng minh của Mỹ hoặc từng là nơi đặt các căn cứ và lực lượng của Mỹ lại hậu thuẫn các nhóm khủng bố chống Mỹ.
Tuy nhiên, sự sắp đặt lại các mối quan hệ ở Trung Đông cũng có thể tác động đến khu vực Nam Á, dù không phải theo các cách thức tích cực hoàn toàn.
Chắc chắn, Israel và Ấn Độ đều đã có những động thái làm giảm căng thẳng quan hệ giữa các nước trong khu vực mặc dù New Delhi có mối quan hệ kinh tế đáng kể với Tehran.
Tuy nhiên, việc Saudi Arabia tiến tới tham gia nhóm các nước bình thường hóa quan hệ với Israel lại sẽ khiến Pakistan đi theo một chiều hướng khác và sẽ tìm kiếm sự an ủi trong khối những nước có tư tưởng cực đoan mới liên kết với nhau, tức khối những nước từ chối bình thường hóa quan hệ với Israel.
Động thái trên của Pakistan hoàn toàn không có gì bất ngờ. Pakistan là một trong những quốc gia trên thế giới có định kiến nhất đối với người Do Thái.
Vì vậy, nếu Riyadh bình thường hóa quan hệ với Jerusalem ban lãnh đạo của Pakistan sẽ thay đổi quan hệ với Riyadh ngay cả khi phải đánh đổi bằng mối quan hệ đối tác lâu đời của mình với Saudi Arabia.
Điều chưa từng được biết đến thì giờ đang dần hé lộ. Ngày 5/8 vừa qua, Ngoại trưởng Pakistan Shah Mahmood Qureshi đã chỉ trích Riyadh vì Saudi Arabia chần chừ tổ chức cuộc họp ngoại trưởng Tổ chức Hợp tác Hồi giáo về vấn đề Kashmir và thỏa thuận hòa bình giữa Israel và Các tiêu vương quốc Arab thống nhất.
Thế nhưng, Riyadh có những bất bình riêng của mình: Giới chức Saudi Arabia được cho là không hài lòng trước việc Thủ tướng Pakistan Imran Khan kêu gọi nới lỏng trừng phạt đối với Iran.
Ngoài ra, giới chức Riyadh cũng chằng vui vẻ gì khi Islamabad coi những đòi hỏi của Iran có tính chính đáng tương tự như những yêu cầu của Saudi Arabia trong quá trình hòa giải ngoại giao.
Tháng Tám vừa qua, Pakistan đã cử Tư lệnh lục quân Pakistan, Tướng Qamar Javed Bajwa và Giám đốc cơ quan tình báo quân đội Faiz Hameed đến Riyadh để lấy lại hình ảnh cho Islamabad.
Tuy nhiên, nỗ lực này đã thất bại. Thái tử kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Saudi Arabia, Muhammad bin Salman, đã không tiếp đón hai quan chức nói trên của Pakistan cho thấy sự giận dữ sâu sắc của Riyadh.
Tình trạng này có thể sẽ sớm thay đổi. Hiện ban lãnh đạo Pakistan đang thảo luận về việc liệu có nên tiếp tục thúc đẩy quan hệ với Saudi Arabia hay không, hoặc theo đuổi bất kỳ hành động nào nhằm thực hiện chiến lược của họ đối với vùng lãnh thổ Kashmir và ưu tiên quan hệ với khối phản đối bình thường hóa quan hệ với Israel, gồm Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar.
Trong cuộc tranh luận này, phe cánh chủ trương không bình thường hóa quan hệ với Israel dường như sẽ thắng thế. Phe cánh này coi Thổ Nhĩ Kỳ là một đối tác sẵn sàng đưa vấn đề Kashmir trở thành một nhu cầu cấp thiết mang tính tôn giáo hơn là một vấn đề mang tính ngoại giao.
Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan hy vọng sẽ sử dụng sự đoàn kết và đồng thuận giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Pakistan về vấn đề Kashmir để Pakistan chấp thuận ủng hộ nỗi ám ảnh về việc đối đầu Saudi Arabia ở quy mô rộng lớn hơn mà ông Erdoğan ấp ủ lâu nay.
Còn Pakistan có thể coi Tổng thống Erdoğan và có lẽ cả Iran là những yếu tố khỏa lấp cho những mất mát trong hoạt động ngoại giao gần đây của mình.
Chính quyền mới của Malaysia, sau khi ông Mahathir Mohamad rút khỏi chính trường, có những quan điểm khác biệt về vai trò của mình trên trường thế giới và chỉ quan tâm đến những lợi ích trước mắt của Malaysia.
Ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ Mỹ Joe Biden im hơi lặng tiếng về việc Ấn Độ áp đặt luật lệ mới đối với vùng Kashmir vì ông muốn lấy lòng lực lượng cử tri người Mỹ gốc Ấn.
Trong khi đó, Pakistan lại giận dữ trước những nỗ lực của Saudi Arabia nhằm đạt được thỏa thuận xây dựng nhà máy lọc dầu trị giá 15 tỷ USD ở Ấn Độ.
Bộ Ngoại giao Mỹ và Lầu Năm Góc cần nhìn nhận sự thay đổi trong các mối quan hệ liên minh của Pakistan. Việc Islamabad bảo trợ cho khủng bố hoạt động tại Ấn Độ và Afghanistan là đáng quan ngại.
Trong khi đó, thỏa thuận giữa Mỹ và lực lượng Taliban chỉ làm củng cố thêm sức mạnh hơn nữa cho các phần tử Hồi giáo cực đoan và hợp thức hóa nơi trú ẩn an toàn của chúng.
Tiếp đó, việc Pakistan thắt chặt quan hệ hơn nữa với nhóm các nước phản đối hòa bình ở Trung Đông như Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar đồng nghĩa với việc các nhóm nước này sẽ sớm can dự để hủy hoại an ninh và hòa bình ở Trung Đông.
Thông thường, những nước đặt vấn đề hệ tư tưởng lên ưu tiên hàng đầu so với vấn đề hòa bình và sự phát triển kinh tế của họ có xu hướng tiến tới quan điểm cực đoan hơn nữa khi các nước này tìm cách đánh lạc hướng công chúng trong và ngoài nước trước những thua thiệt của mình.
Saudi Arabia đang nhanh chóng đóng vai trò là một lực lượng có quan điểm ôn hòa trong khu vực. Điều này dường như lạ lùng song cần được cân nhắc. Và nếu Pakistan rời xa lực lượng ôn hòa này, điều đó sẽ báo trước điểm gở cho Islamabad trong tương lai./.