Sự sụt giảm dân số được báo trước của Trung Quốc và hệ lụy

Liên hợp quốc dự đoán dân số Trung Quốc sẽ đạt đỉnh vào năm 2031-2032, nhưng bất chấp những nỗ lực lớn của chính phủ nhằm đảo ngược xu hướng này, Trung Quốc hiện đã bắt đầu giai đoạn suy giảm dân số.
Sự sụt giảm dân số được báo trước của Trung Quốc và hệ lụy ảnh 1Một bà mẹ đưa con đi dạo phố ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trung Quốc đã bước vào thời kỳ “tăng trưởng dân số âm," một thời điểm quan trọng trong lịch sử của đất nước.

Gần đây nhất là vào năm 2019, Liên hợp quốc dự đoán dân số Trung Quốc sẽ đạt đỉnh vào năm 2031-2032, nhưng bất chấp những nỗ lực lớn của chính phủ nhằm đảo ngược xu hướng này, Trung Quốc hiện đã bắt đầu giai đoạn suy giảm dân số được dự đoán sẽ kéo dài.

Trong thời gian từ năm 2021-2022, dân số Trung Quốc đã giảm 850.000 người, một mức sụt giảm lịch sử đối với quốc gia có đến 1,4 tỷ dân. Tỷ lệ sinh cũng xuống đến mức thấp lịch sử, chỉ còn khoảng 1,15 con mỗi phụ nữ. Đây là lần đầu tiên dân số Trung Quốc sụt giảm như vậy từ hơn 6 thập niên qua.

Ngay từ năm 2023, theo dự báo của Liên hợp quốc, Ấn Độ sẽ vượt Trung Quốc để giành vị trí quốc gia đông dân nhất thế giới.

Sự sụt giảm đã được báo trước

Sự sụt giảm dân số Trung Quốc là điều đã được dự báo trước và tỷ lệ sinh của phụ nữ Trung Quốc đã giảm từ rất lâu trước khi chính quyền Bắc Kinh ban hành chính sách mỗi gia đình chỉ có một con. Đó là nhận định chung của bà Isabelle Attané, nhà Trung Quốc học và Giám đốc nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Dân số Quốc gia Pháp.

Trong bài trả lời phỏng vấn đăng trên tờ Le Monde ngày 24/1, bà Attané đã nêu lên những nguyên nhân và những hậu quả của sự sụt giảm dân số Trung Quốc.

Theo bà, các nhà dân số học thường dựa trên những dự phóng dân số của Liên hợp quốc, với ba kịch bản (thấp, trung bình, cao) tùy theo các giả thuyết dựa trên tỷ lệ sinh sản, một trong những yếu tố quan trọng nhất của mức tăng hay giảm dân số.

Theo kịch bản trung bình mà đa số các nhà phân tích dựa trên đó để dự báo, dân số Trung Quốc lẽ ra sẽ bắt đầu sụt giảm vào khoảng 2030. Tuy nhiên, nếu chúng ta nhìn vào giả thuyết kịch bản thấp, sự sụt giảm dân số Trung Quốc được dự báo đã bắt đầu từ đầu thập niên 2020, nhưng sự sụt giảm tỷ lệ sinh sản ở nước này đã bắt đầu từ lâu. Từ giữa thập niên 1990, Trung Quốc đã xuống dưới ngưỡng gọi là “thay mới thế hệ," tức là dưới ngưỡng chỉ số sinh sản 2,1 con mỗi phụ nữ.

Sự sụt giảm này là do các chính sách kiểm soát sinh đẻ được thi hành từ nhiều năm trước khi có chính sách một con. Đúng là chính sách một con phần nào đó đã khiến mô hình gia đình ít con trở nên phổ biến hơn.

Bên cạnh chính sách một con, đời sống đã trở nên đắt đỏ hơn nên dân Trung Quốc lập gia đình ngày càng muộn và ngày càng có nhiều người trẻ thậm chí không lập gia đình. Chi phí giáo dục cho con cái cũng như chi phí y tế cũng đã tăng rất nhiều. Đó là chưa kể ở Trung Quốc hiện nay, lấy vợ là cả một vấn đề đối với đàn ông.

[Dân số Trung Quốc dự kiến sẽ giảm vào trước năm 2025]

Phụ nữ Trung Quốc ngày nay chỉ muốn lấy những người có một địa vị nào đó và nhất là phải có nhà cửa đàng hoàng. Rất nhiều “tiêu chuẩn” khiến cho việc lập gia đình càng khó khăn hơn.

Về ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, theo bà Attané, rất khó để đánh giá tác động của dịch bệnh đối với sự sụt giảm tỷ lệ sinh sản. Tuy nhiên, cũng giống ở mọi nước khác, mỗi khi có khủng hoảng, dù là khủng hoảng kinh tế, chính trị, hay khủng hoảng y tế, bao giờ tỷ lệ sinh sản cũng bị tác động. Lý do là vì trong những lúc khó khăn như vậy, các cặp vợ chồng thường hoãn việc sinh con, đợi đến khi tình hình ổn định thì mới “sản xuất” thành viên mới. Như vậy, dịch COVID-19 có thể đã khiến tỷ lệ sinh sản giảm thêm chút ít trong năm 2022.

Tác động tới kinh tế

Vào năm 2050, tức là chưa tới 30 năm nữa, Trung Quốc rất có thể sẽ mất đi khoảng 200 triệu người trong độ tuổi lao động. Trong khi đó, toàn bộ giai đoạn tăng trưởng mạnh nhất của kinh tế Trung Quốc, từ giữa thập niên 1980 đến 2000, tương ứng với sự gia tăng không ngừng của tỷ lệ những người trong độ tuổi lao động trong tổng dân số. Tăng trưởng của Trung Quốc đã được hưởng lợi rất nhiều từ lực lượng lao động dồi dào và rất rẻ này, vốn đã giúp cho tất cả các ngành công nghiệp của Trung Quốc có sức cạnh tranh rất cao ở cấp độ toàn cầu, với chi phí sản xuất rất thấp. Việc giảm dân số trong độ tuổi lao động đã tác động đến chi phí của lực lượng lao động này trong 10 năm qua. Tình hình này buộc nền kinh tế Trung Quốc phải tái cấu trúc để thích ứng với lực lượng lao động hiện có và thích ứng với sức tiêu dùng trong nước.

Sự sụt giảm dân số được báo trước của Trung Quốc và hệ lụy ảnh 2Chăm sóc bé sơ sinh tại bệnh viện ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Roland Rajah, Giám đốc Trung tâm Phát triển Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tại Viện Lowy, nhận định: “Trong ngắn hạn, việc nền kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ cung cấp một nguồn sức mạnh quan trọng cho phần còn lại của nền kinh tế thế giới trong năm nay vào thời điểm các nền kinh tế lớn của phương Tây đang vật lộn với lạm phát và lãi suất cao hơn cũng như cuộc chiến ở Ukraine. Tuy nhiên, sau năm 2024, khả năng nền kinh tế Trung Quốc trở thành động lực tăng trưởng toàn cầu như trước đây ngày càng bị nghi ngờ."

Về chính sách nhập cư, theo bà Attané, cho đến gần đây, thật sự vẫn không có chính sách nhập cư ở Trung Quốc, nhưng kể từ năm 2022, nhà nước Trung Quốc đã bắt đầu cố gắng thúc đẩy nhập cư có chọn lọc, nghĩa là tạo điều kiện cho những người ngoại quốc có trình độ được nhập cư. Họ cũng có một chính sách rất mạnh mẽ để khuyến khích sinh viên Trung Quốc du học trở về nước làm việc.

Trong 30 hoặc 40 năm tới, về mặt nhân khẩu học, trọng tâm của thế giới sẽ chuyển từ châu Á sang châu Phi, nơi mà dân số dự kiến sẽ tăng gấp đôi, một con số đáng kể.

Trên thực tế, đúng là mức tăng dân số chậm lại ở Trung Quốc đang ảnh hưởng đến dân số toàn cầu. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều quốc gia đang hoặc sẽ sớm trải qua tình trạng dân số có mức tăng trưởng âm.

Từ năm 1950-2020, Trung Quốc đóng góp 16% vào mức tăng dân số thế giới. Và từ năm 2020-2050, ngược lại, Trung Quốc sẽ góp phần làm chậm lại tốc độ tăng trưởng này (-3%). Trong cùng thời gian đó, Ấn Độ sẽ đóng góp vào mức tăng với 13%, tiếp theo là Nigeria với 10%, sau đó là Pakistan và Cộng hòa Dân chủ Congo với 5% mỗi nước./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục