Việc đề nghị công nhận Thừa Thiên-Huế là đô thị loại một trực thuộc Trung ương đã trở thành động lực quan trọng để người dân Thừa Thiên-Huế phấn đấu đưa quê hương lên tầm cao mới trong năm 2014.
Chủ tịch Ủy ban Nhân tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Văn Cao nhấn mạnh: Trên cơ sở lấy năm 2014 làm "Năm đô thị," tỉnh Thừa Thiên-Huế tập trung thực hiện ba chương trình trọng điểm.
Các chương trình trọng điểm bao gồm: chỉnh trang đô thị và xây dựng nếp sống văn minh đô thị; phát triển du lịch và Festival 2014; xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội.
Thành phố Huế phát triển theo hướng là đô thị trung tâm, đã tạo sự thay đổi rõ nét trong việc nâng cấp, hoàn thành một số đường trục chính và một số tuyến đường đến các điểm di tích, làng đại học.
Tốc độ đô thị hóa toàn tỉnh được triển khai tích cực, tỷ lệ dân cư đô thị đến năm 2013 đạt khoảng gần 60%.
Anh Huỳnh Khiêm, khách du lịch đến từ Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: Sau ba năm trở lại thăm Cố đô, anh hết sức ngỡ ngàng vì cả thành phố Huế hiện đang như một "đại công trường."
Với sự kiện Festival Huế 2014 diễn ra từ ngày 12-20/4, Thừa Thiên-Huế đặt mục tiêu cao hơn trong việc thu hút khách du lịch đến với vùng đất Cố đô.
Tiếp tục chủ đề "Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển," Festival Huế 2014 là nơi tụ hội của các thành phố cố đô của Việt Nam và một số quốc gia trên thế giới.
Festival Huế 2014 sẽ quy tụ các chương trình nghệ thuật truyền thống và đương đại chất lượng cao của khoảng 36 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Khởi đầu cho các hoạt động du lịch năm 2014, tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức các hoạt động xúc tiến du lịch tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và hội nghị gặp gỡ các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn.
Mục tiêu của Thừa Thiên-Huế là tạo ra các sản phẩm, dịch vụ du lịch, các gói kích cầu, chương trình khuyến mãi mùa thấp điểm và phối hợp với các bên liên quan phát triển du lịch.
Năm 2014, Thừa Thiên-Huế phấn đấu đón từ 2,8-3 triệu lượt khách, tổng doanh thu đạt 2.800 - 2.900 tỷ đồng (tăng 16-18%), du lịch và dịch vụ đóng góp khoảng 55% GDP của toàn tỉnh.
Riêng Festival Huế 2014 phấn đấu thu hút trên 200.000 lượt khách (trong đó khoảng 90.000 lượt khách quốc tế); tạo thêm 3,5% việc làm cho người lao động trong ngành du lịch.
Các điểm đến cho loại hình du lịch tâm linh ở Thừa Thiên-Huế cần được khai thác tốt hơn trong thời gian tới bởi vùng đất này có tới 55 vạn tín đồ Phật giáo với hơn 100 ngôi chùa, niệm phật đường.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế Ngô Hòa: Du lịch Huế phải trở thành điểm đến an toàn, hấp dẫn và thân thiện của du khách; thúc đẩy tăng trưởng du lịch theo hướng bền vững, phát triển theo chiều sâu; góp phần tích cực vào tiến trình xây dựng Thừa Thiên-Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Tỉnh gắn việc tổ chức thành công Festival Huế 2014 với hình thành các sản phẩm du lịch mới để tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Trên cơ sở đó, tỉnh tập trung phát triển du lịch gắn liền với việc xã hội hóa để người dân và các thành phần kinh tế tham gia vào hoạt động và xây dựng môi trường du lịch.
Tỉnh cần đẩy mạnh xúc tiến du lịch, tăng cường hội nhập và chủ động phát triển quan hệ quốc tế; tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Năm 2014, tỉnh Thừa Thiên-Huế tập trung huy động nguồn lực tập trung xây dựng hạ tầng đô thị và hạ tầng kinh tế; quản lý các nguồn vốn đầu tư; thúc đẩy sản xuất-kinh doanh, hỗ trợ phát triển thị trường; ổn định kinh tế vĩ mô; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ.
Tỉnh phấn đấu GDP toàn tỉnh sẽ tăng khoảng 9%; giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt 580 triệu USD; tổng đầu tư toàn xã hội 15.200 tỷ đồng; thu ngân sách nhà nước 4.755 tỷ đồng.
Năm 2013, Tỉnh đã đầu tư hơn 192,4 tỷ đồng thực hiện giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh, trong đó hơn 47.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo được vay vốn ưu đãi với số vốn gần 627 tỷ đồng.
Tỉnh tổ chức đào tạo miễn phí cho 1.393 lao động thuộc hộ nghèo với kinh phí 3,9 tỷ đồng, hỗ trợ cấp bù học phí cho 24.235 lượt sinh viên, hỗ trợ kinh phí học tập cho 290.731 học sinh với tổng kinh phí gần 252 tỷ đồng.
Dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, tỉnh Thừa Thiên-Huế quyết định trích ngân sách hơn 10,1 tỷ đồng trợ giúp các đối tượng chính sách, xã hội, đảm bảo mọi người, mọi nhà đều được đón Xuân mới trong không khí đầm ấm, vui tươi./.