Tỉnh Thừa Thiên-Huế lấy năm 2014 làm "Năm đô thị"

Lấy năm 2014 làm "Năm đô thị," Thừa Thiên-Huế phấn đấu tổng đầu tư toàn xã hội đạt 15.200 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2013.
Tỉnh Thừa Thiên-Huế lấy năm 2014 làm "Năm đô thị" ảnh 1Đô thị Huế trên đường phát triển. (Ảnh: Quốc Việt/Vietnam+)

Lấy năm 2014 làm "Năm đô thị," tỉnh Thừa Thiên-Huế phấn đấu tổng đầu tư toàn xã hội đạt 15.200 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2013.

Tỉnh tập trung thực hiện các giải pháp về chỉnh trang đô thị, gắn với xây dựng nếp sống văn minh đô thị; tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện sản xuất kinh doanh phát triển; khai thác tốt hơn tiềm năng, thế mạnh địa phương; phát triển nông nghiệp toàn diện, xây dựng nông thôn mới; xây dựng và phát triển các vùng nguyên liệu tập trung để nâng cao chất lượng sản xuất; quan tâm đến các sản phẩm chủ lực trên các lĩnh vực như thủy điện, công nghiệp chế biến, sợi và công nghiệp khai khoáng...

Năm nay, tổng vốn đầu tư toàn xã hội của Thừa Thiên-Huế đạt 13.700 tỷ đồng, tập trung chủ yếu công tác chỉnh trang đô thị, hạ tầng giao thông và hạ tầng kinh tế; hoàn thành các dự án chỉnh trang các đô thị dọc tuyến Quốc lộ 1A; thúc đẩy tiến độ thực hiện các dự án du lịch trọng điểm, các dự án đầu tư hạ tầng du lịch, hạ tầng trong các khu kinh tế, khu công nghiệp.

Thành phố Huế phát triển theo hướng là đô thị trung tâm, đã tạo sự thay đổi rõ nét trong việc nâng cấp, hoàn thành một số đường trục chính trong thành phố Huế và một số tuyến đường đến các điểm di tích, làng đại học; chỉnh trang hệ thống giao thông nội thị, vỉa hè, thoát nước, điện chiếu sáng, cây xanh...

Tốc độ đô thị hóa được triển khai tích cực, toàn tỉnh đến nay đã có một đô thị loại I, hai đô thị loại IV, tám đô thị loại V, tỷ lệ dân cư đô thị đến năm 2013 đạt khoảng gần 60%.

Thị trấn Thuận An đang được ưu tiên đầu tư xây mới, nâng cấp các công trình hạ tầng để đạt chuẩn đô thị loại IV. Các trung tâm tiểu vùng Bình Điền, Điền Lộc, Thanh Hà, An Lỗ, La Sơn, Vinh Thanh đang được đầu tư đạt chuẩn đô thị loại V.

Công tác xây dựng và chỉnh trang thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà, thị trấn Phú Đa, thị trấn Sịa và các đô thị khác được đẩy nhanh.

Nhiều công trình kiến trúc, công cộng được ưu tiên đầu tư; hạ tầng giao thông, hệ thống cấp nước, thoát nước, nâng cấp hè phố, điện chiếu sáng... được đầu tư xây dựng bảo đảm phát triển chức năng đô thị.

Trên cơ sở đầu tư hạ tầng giao thông và hạ tầng kinh tế, năm 2013, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã thu hút được 356 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh mới, số vốn đăng ký đạt hơn 1.235 tỷ đồng; cấp mới 24 giấy chứng nhận đầu tư, tổng vốn đăng ký đạt 2.647,4 tỷ đồng.

Trong đó, đầu tư trực tiếp nước ngoài trong năm 2013 tại Thừa Thiên-Huế đã thu hút thêm bảy dự án, với tổng mức đầu tư hơn 293 triệu USD, tăng gấp hơn 31 lần so với năm 2012. Nhờ vậy, kết thúc kế hoạch năm 2013, tỉnh Thừa Thiên-Huế thu ngân sách đạt 4.609 tỷ đồng; trong đó giá trị xuất khẩu đạt 540 triệu USD, tăng 14,1%; doanh thu các cơ sở lưu trú của ngành du lịch đạt hơn 1.408 tỷ đồng, tăng 11,6%./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục