Sức ép cạnh tranh giầy mũ da Việt tại thị trường EU

Theo giáo sư Clauid Dordi, Trưởng nhóm tư vấn Dự án Mutrap III, xuất khẩu hàng giầy mũ da của Việt Nam sang thị trường EU giảm không chỉ vì lý do bị áp thuế chống bán phá giá.

Nhận định này được đưa ra bởi ngay sau khi thuế chống phá giá được gỡ bỏ từ 1/4/2011, tình hình xuất khẩu vẫn giảm so với Trung Quốc trong giai đoạn 2010-2011.
Theo giáo sư Clauid Dordi, Trưởng nhóm tư vấn Dự án Mutrap III, xuất khẩu hàng giầy mũ da của Việt Nam sang thị trường EU giảm không chỉ vì lý do bị áp thuế chống bán phá giá.

Nhận định này được đưa ra bởi ngay sau khi thuế chống phá giá được gỡ bỏ từ 1/4/2011, tình hình xuất khẩu vẫn giảm so với Trung Quốc trong giai đoạn 2010-2011.

Bên cạnh đó, EU vẫn áp dụng Chương trình giám sát hoạt động xuất khẩu các loại giầy mũ da Việt Nam từ nay cho đến hết 3/2012.

Theo chương trình giám sát, nếu lượng hàng nhập khẩu từ Việt Nam vào EU gia tăng đột biến hoặc có những đơn hàng giá thấp trong một khoảng thời gian nhất định thì Việt Nam có nguy cơ bị tái áp dụng thuế chống bán phá giá.

EU là thị trường truyền thống về xuất khẩu hàng giầy mũ da Việt Nam, bình quân chiếm hơn 50% tổng lượng hàng xuất khẩu ra nước ngoài và có khi đạt lên đến 65%.

Trước đây, khi còn áp thuế chống phá giá, Việt Nam có lợi thế hơn Trung Quốc vì mức thuế thấp hơn 6,5%, trong khi hàng xuất khẩu từ Trung Quốc có những thuận lợi nhất định về giá rẻ, đảm bảo thời hạn giao hàng.

Ngoài sức ép từ hàng giày mũ da xuất khẩu Trung Quốc, hàng xuất khẩu của Việt Nam còn chịu sự cạnh tranh của các nước khác như Ấn Độ, Thái Lan… được ưu đãi về thuế của EU (thuế quan giảm 99%, thuế chống bán phá giá giảm 30%).

Phát biểu tại hội thảo “Chương trình giám sát nhập khẩu của EU đối với các loại giầy mũ da xuất xứ Việt Nam, Trung Quốc” tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 22/9, ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hiệp hội Da-Giầy Việt Nam (Lefaso) lo lắng về khả năng cạnh tranh của giầy mũ da của Việt Nam đối với thị trường EU.

Trong thời gian tới, Lefaso sẽ nâng cao năng lực kiểm soát kim ngạch xuất khẩu vào thị trường EU của doanh nghiệp thành viên, tăng cường liên kết doanh nghiệp và thường xuyên trao đổi thông tin để tránh trường hợp đơn hàng tăng đột biến, đồng thời mở rộng xuất khẩu sang các thị trường mới như Nhật Bản, Hàn Quốc, khu vực Đông Á, Bắc Mỹ…

Tính chung 8 tháng đầu năm, kim ngạch của ngành giầy mũ da Việt Nam đạt 4,18 tỷ USD, bằng 74,7% kế hoạch cả năm 2011 và tăng 29,2% so với cùng kỳ năm 2010. Trong những tháng gần đây, kim ngạch xuất khẩu của ngành đều tăng trưởng cao so với cùng kỳ, trong đó tháng 7 tăng 22,6% và tháng 8 tăng 17,4%./.

Mỹ Phương (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục