"Suy giảm chu kỳ là khó tránh khỏi với nền kinh tế mở như Việt Nam"

Chuyên gia kinh tế cho rằng sự suy giảm mang tính chu kỳ là khó tránh khỏi đối với một nền kinh tế mở như Việt Nam. Chính phủ đang tiếp tục kiên định các giải pháp tích cực để vượt qua chu kỳ này.
"Suy giảm chu kỳ là khó tránh khỏi với nền kinh tế mở như Việt Nam" ảnh 1(Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Những năm gần đây, tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức khá cao, thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản phục hồi mạnh mẽ với đà tăng trưởng tín dụng cao. Tuy nhiên vài tháng qua, các thị trường tài sản đang có phần chững lại. Điều này tác động đến tâm lý của một số nhà đầu tư với mối quan ngại về những biến động kinh tế mang tính chu kỳ.

Trao đổi về vấn đề này, ông Hoàng Công Tuấn, Trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế - Công ty Chứng khoán MBS cho rằng, “những quyết sách cải cách của Chính phủ đã tạo ra động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế, tuy nhiên mức tăng trưởng này không quá nóng và chưa có căn cứ vững chắc về việc tạo đỉnh cũng như khả năng điều chỉnh đi xuống, do đó kinh tế Việt Nam vẫn được kỳ vọng sẽ tăng trưởng tốt trong các năm tới.”  

[Mega Story] Thời cơ cho da giày Việt trong cuộc chiến thương mại

Ông đánh giá thế nào về bối cảnh kinh tế hiện tại so với các thời kỳ trước đó?


Ông Hoàng Công Tuấn:
Giai đoạn 2016 – 2018, kinh tế trong nước tận dụng được đà phục hồi từ thế giới cùng những hoạt động cải cách mạnh mẽ đã tạo nên các mức tăng trưởng khả quan, GDP trung bình ba năm trở lại đây đạt 6,7%.

Quan sát các chu kỳ trước đó, tăng trưởng kinh tế đạt đỉnh trong các năm 2006 – 2007, sau đó suy giảm và tạo đáy tại các năm 2008 - 2012, rồi chuyển sang phục hồi chậm tại giai đoạn 2013 – 2016, tiếp đến hồi mạnh ở các năm 2017 – 2018.

Điểm đáng lưu ý, động lực tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2005 – 2007 và giai đoạn 2015 -2017 có sự khác biệt về cơ bản.

Quay lại bối cảnh năm 2008, tốc độ tăng trưởng kinh tế rơi vào đà giảm mạnh trong khi lạm phát lại bùng nổ với các chính sách tài khoá, tiền tệ được nới lỏng kéo dài. Cụ thể, tăng trưởng tín dụng (giai đoạn 2005-2008) thường xuyên ở mức cao và đạt đỉnh 55% (năm 2007). Thêm vào đó, khu vực kinh tế Nhà nước gia tăng ồ ạt về giá trị (đầu tư công và đầu tư tại các tập đoàn kinh tế chiếm lần lượt 47%, 45% và 37,2% trên tổng đầu tư toàn xã hội vào các năm 2005, 2006 và 2007).

Thời kỳ này, tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa trên sự gia tăng về vốn, tỷ lệ đầu tư toàn xã hội đạt trên 41% GDP nhưng hiệu quả thấp, hệ số ICOR (hệ số sử dụng vốn đầu tư) cao trên 7 lần (giai đoạn 2005 – 2007) đồng thời yếu tố năng suất tổng hợp chỉ đóng góp khoảng 19% vào tăng trưởng.

[Kịch bản nào cho thị trường chứng khoán những tháng cuối năm?]

Sang đến giai đoạn 2017 – 2018, tình hình có khả quan hơn, dù tăng trưởng GDP đã tiệm cận mức tăng trưởng của thời kỳ 2006 – 2007 khiến nhiều ý kiến quan ngại.

Song giai đoạn này có nhiều điểm đáng ghi nhận, chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế chuyển biến tích cực với chính sách điều hành của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước kiên định duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường kinh doanh, gia tăng năng lực cạnh tranh hướng tới tăng trưởng bền vững.

"Suy giảm chu kỳ là khó tránh khỏi với nền kinh tế mở như Việt Nam" ảnh 2(Nhấp chuột vào ảnh để xem kích thước chuẩn.)

- Về yếu tố khách quan, sau đà phục hồi vừa qua, liệu kinh tế thế giới có bước sang giai đoạn điều chỉnh?

Ông Hoàng Công Tuấn: Kinh tế thế giới mặc dù đã lấy lại đà tăng trưởng song mới chỉ đạt mức 3,9% (năm 2017 và nửa đầu năm 2018) và thấp hơn nhiều so với mức trung bình (xấp xỉ 5%) trước của giai đoạn khủng hoảng tài chính năm 2008.

Tình trạng tăng trưởng mức bình thường có ở hầu hết các nhóm quốc gia, trong đó có nền kinh tế phát triển chiếm tỷ trọng lớn như Trung Quốc, châu Âu và Nhật Bản… và các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi hầu hết tăng trưởng kinh tế ở mức hài hòa. Bên cạnh đó, tăng trưởng thương mại toàn cầu (giai đoạn 2010 – 2017) dao động quanh mức 5% và thấp hơn rất nhiều so với mức 15% (giai đoạn 2005 – 2007).

Trước đó, thị trường chứng khoán thế giới có tình trạng định giá cao và cục bộ, do tác dụng phụ từ những gói kích thích tiền tệ từ các ngân hàng trung ương, khiến “dòng tiền rẻ” len lỏi tìm kiếm cơ hội trên thị trường tài sản.

Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, xu hướng bình thường hóa chính sách tiền tệ của các quốc gia trên thế giới đã tương đối rõ ràng và khiến thị trường chứng khoán toàn cầu phải tiến hành định giá lại trong 3 tháng trở lại đây, khi không còn sự hỗ trợ từ các “dòng tiền rẻ.”

Điểm đáng chú ý, sự điều chỉnh trên thị trường chứng khoán thế giới đã không gây ra những xáo trộn lớn đến kinh tế của các quốc gia. Điều này cho thấy, thị trường chứng khoán toàn cầu đang trong giai đoạn tăng trưởng bình thường, không có bong bóng.

- Với các yếu tố trên, triển vọng kinh tế Việt Nam sẽ ra sao trong thời gian tới, theo ông?

Ông Hoàng Công Tuấn: Nền kinh tế Việt Nam đang đi đúng hướng với các giải pháp điều hành nhất quán từ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Và mặc dù, cuộc chiến thương mại đang có những diễn biến khó lường song kinh tế thế giới nhìn chung vẫn tiếp tục xu hướng tăng trưởng khá ổn, điều này tạo điều kiện tích cực cho kinh tế Việt Nam kiên định với quá trình cải cách kinh tế.

Nhờ vào các nỗ lực cải cách và ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam có sự cải thiện rõ rệt, đứng thứ 5 trong khối ASEAN với các tiêu chí tiếp cận điện năng, bảo vệ nhà đầu tư và nộp thuế (theo Ngân hàng Thế giới).

Sáu tháng đầu năm 2018, Chính phủ liên tục thúc đẩy các bộ, ngành khẩn trương hoàn thiện các yêu cầu cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh và trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/8.

Trên thực tế, suy giảm kinh tế có tính chu kỳ đối với một nền kinh tế mở như Việt Nam là yếu tố khó tránh khỏi. Tuy nhiên trong thời gian tới, Chính phủ tiếp tục kiên định đẩy mạnh cải cách thể chế, khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước…, Việt Nam hoàn toàn có thể vượt qua những chu kỳ kinh tế dự báo xảy ra trong tương lai./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục