Trong nỗ lực khống chế dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở 7 tỉnh, thành ở Nhật Bản, gồm thủ đô Tokyo cùng với các tỉnh Kanagawa, Saitama, Chiba, Osaka, Hyogo và Fukuoka trong ngày 7/4.
Các chuyên gia kinh tế cảnh báo việc ban bố tình trạng khẩn cấp sẽ tác động nghiêm trọng tới chi tiêu tiêu dùng và hoạt động sản xuất ở nước này.
Theo hãng tin Kyodo, chính quyền ở 7 tỉnh, thành trên dự kiến sẽ yêu cầu người dân hạn chế đi ra ngoài đường nếu không có việc cần thiết và một số cơ sở kinh doanh tạm ngừng hoạt động.
Mặc dù cả chính quyền trung ương và địa phương đều không có quyền áp đặt các lệnh cấm đối với hoạt động hàng ngày của người dân hoặc đóng cửa các cơ sở kinh doanh, nhưng các chuyên gia kinh tế dự báo chi tiêu dùng cá nhân sẽ tiếp tục yếu đi và hậu quả là hoạt động sản xuất sẽ chậm lại.
Ông Hideo Kumano, chuyên gia kinh tế trưởng của Viện Nghiên cứu Dai-ichi Life, nhận định sự sụt giảm về chi tiêu ở các tỉnh, thành bị ảnh hưởng “có thể sẽ khiến nhiều doanh nghiệp phải giảm công suất cho dù một số doanh nghiệp có các nhà máy ở khu vực nông thôn.”
Bên cạnh đó, theo ông Kumano, thị trường lao động có thể sẽ phải hứng chịu các áp lực đang gia tăng.
Trong bối cảnh đó, ông Katsuyuki Hasegawa, nhà kinh tế trưởng của Viện Nghiên cứu Mizuho, đã kêu gọi Chính phủ tung ra gói cứu trợ kinh tế mở rộng cho các địa phương sẽ bị ảnh hưởng do số lượng du khách giảm mạnh và doanh số bán hàng tại thủ đô Tokyo và các khu vực lân cận sụt giảm.
[Dịch COVID-19: BOJ sẽ đưa ra các biện pháp nới lỏng kinh tế Nhật Bản]
Chính quyền thủ đô Tokyo cho biết Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thành phố này ước khoảng 100.000 tỷ yen (917 tỷ USD)/năm, chiếm khoảng 20% tổng GDP của Nhật Bản.
Cùng với sự sụt giảm về doanh thu trong các ngành du lịch và nhà hàng ở Tokyo, công ty chứng khoán Barclay Securities Japan dự báo việc các doanh nghiệp cắt giảm sản lượng sẽ khiến GDP trong quý II/2020 của Nhật Bản giảm mạnh hơn so với con số dự báo 2,7% tại thời điểm hiện nay.
Ông Shunsuke Kobayashi, chuyên gia kinh tế cao cấp của Viện Nghiên cứu Daiwa, nói việc ban bố tình trạng khẩn cấp là việc làm cần thiết để làm chậm tốc độ lây lan của virus SARS-CoV-2 và tránh sự sụp đổ của hệ thống y tế, nhưng biện pháp này sẽ gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế.
Trong khi đó, theo hãng tin Jiji Press, nếu Thủ tướng Abe ban bố tình trạng khẩn cấp, người đứng đầu các tỉnh, thành sẽ có quyền áp đặt các biện pháp khẩn cấp như yêu cầu người dân không đi ra ngoài đường và cấm sử dụng các cơ sở tập trung đông người.
Mặc dù các biện pháp này không có tính chất cưỡng chế nhưng theo ông Yasuhide Yajima, chuyên gia kinh tế trưởng của Viện Nghiên cứu NLI, “nhiều công dân sẽ tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp đó bởi vì, việc hành xử theo tập thể được coi là đặc tính dân tộc của Nhật Bản.”
Một khi tình trạng khẩn cấp được ban bố ở Nhật Bản, những người làm việc trong các lĩnh vực cung cấp dịch vụ thiết yếu như điện nước, vận tải, hậu cần (logistics) và viễn thông vẫn được đi làm. Các siêu thị, cửa hàng hóa mỹ phẩm và ngân hàng vẫn sẽ mở cửa.
Nhu cầu đối với các dịch vụ giao hàng có thể sẽ tăng. Tuy nhiên, việc ban bố tình trạng khẩn cấp sẽ hạn chế hoạt động của các cửa hàng bách hóa và các cơ sở kinh doanh khác.
Trước đó, trong kỳ nghỉ cuối tuần cuối tháng Ba, nhiều cửa hàng bách hóa và các cơ sở thương mại ở thủ đô Tokyo đã đóng cửa sau khi Chính quyền Tokyo và một số tỉnh lân cận lên tiếng kêu gọi người dân ở nhà vào cuối tuần nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Một số nhà hàng đã tự nguyện tạm ngừng hoạt động cho đến giữa tháng Tư.
Theo ước tính của ông Yasuhide Yajima, chuyên gia kinh tế trưởng của Viện Nghiên cứu NLI, GDP của Nhật Bản sẽ bị giảm 2.800 tỷ yen do sự sụt giảm của chi tiêu cá nhân trong lĩnh vực giải trí và nhà hàng nếu tình trạng khẩn cấp được ban bố ở thủ đô Tokyo và 4 tỉnh lân cận gồm Chiba, Saitama, Kanagawa và Yamanashi trong 21 ngày./.